Điện mặt trời mái nhà 'tự sản, tự tiêu': Hài hòa lợi ích các bên

GD&TĐ - Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Chính phủ về Dự thảo Nghị định quy định chính sách, khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.

EVN sẽ là đơn vị duy nhất được mua điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.
EVN sẽ là đơn vị duy nhất được mua điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.

Liên quan việc mua bán điện dư thừa từ điện mặt trời mái nhà tự sản xuất và tiêu thụ, dự thảo mới của Bộ Công Thương quy định Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị mua duy nhất.

Công suất dưới 1.000kW chỉ cần thông báo

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Chính phủ về Dự thảo Nghị định quy định chính sách, khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. Bộ Công Thương giữ quan điểm khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng gồm: Nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư xây dựng đúng pháp luật.

Dự thảo mới quy định rõ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị mua duy nhất. Do đó, việc lợi dụng quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ để bán điện cho tổ chức, cá nhân khác ngoài EVN sẽ được coi là hành vi trái quy định.

Báo cáo cũng nêu, sau nhiều lần sửa đổi, Bộ Công Thương nhất quán với hai hình thức phát triển nguồn điện này là qua lưới điện và không qua lưới điện.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân trước khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà nếu không đấu nối với hệ thống điện quốc gia không cần đăng ký. Thay vào đó, chỉ cần gửi thông báo và hồ sơ thiết kế đến cơ quan quản lý về xây dựng, phòng cháy chữa cháy, đơn vị điện lực địa phương và Sở Công Thương địa phương để theo dõi.

Còn loại hình điện mặt trời mái nhà có đấu nối với hệ thống điện quốc gia sẽ phải đăng ký theo quy định. Tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn phát, không phát điện dư lên hệ thống điện quốc gia.

Với hệ thống có công suất đặt từ 100kW trở lên, các tổ chức và cá nhân có trách nhiệm thỏa thuận, thống nhất với bên mua điện dư về trang thiết bị, phương tiện kết nối với hệ thống thu thập, giám sát, điều khiển của cấp điều độ phân phối để bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia.

Các hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện mặt trời mái nhà có công suất dưới 100kW được phát triển không giới hạn tổng quy mô công suất trên phạm vi cả nước.

Còn những tổ chức, cá nhân trước khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất dưới 1.000kW không phải đăng ký công suất với Sở Công Thương, mà chỉ thông báo với các bên liên quan để theo dõi.

Liên quan đến quy định bán điện tại dự thảo mới, chính sách khuyến khích được Bộ Công Thương đưa ra cho loại hình không đấu nối lưới là ưu tiên phát triển không giới hạn công suất và được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực. Trong khi đó, với những dự án đấu nối vào lưới điện sẽ được ưu tiên không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật.

Tổ chức lắp đặt hệ thống có công suất 1MW trở lên và lựa chọn bán điện tư phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực. Còn lại các trường hợp khác được miễn trừ.

Đáng chú ý, những hệ thống có công suất dưới 100kW, nếu không dùng hết sẽ được bán lên hệ thống điện quốc gia, nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế. Giá mua điện dư bằng giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố.

Cần cơ chế thông thoáng

Tại Tọa đàm “Phát triển điện mặt trời mái nhà: Cơ chế nào phù hợp”, nhiều ý kiến chuyên gia đánh giá về Dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, đều cho rằng việc có một nghị định về cơ chế chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà là rất cần thiết.

Bà Nguyễn Phương Mai, chuyên gia tư vấn các dự án hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo nhận định, chủ trương điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời áp mái theo hình thực tự sản tự tiêu là chủ trương đúng. Phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu sẽ giảm tải cho lưới điện quốc gia, đồng thời tận dụng rất hiệu quả tiềm năng điện mặt trời lớn như Việt Nam.

“Dự thảo nghị định này bây giờ mới ra đời là hơi muộn. Lẽ ra khi hết thời hạn của cơ chế giá ưu đãi (giá FIT) đối với điện mặt trời, thì Chính phủ cần có ngay chính sách mới để tạo môi trường thuận lợi cho điện mặt trời, sẽ duy trì mạch đầu tư điện mặt trời tại Việt Nam tốt hơn.

Chúng tôi kỳ vọng nghị định về điện mặt trời sẽ là đòn bẩy thúc đẩy cho điện mặt trời áp mái được phát triển. Tôi mong nghị định này sớm hoàn thiện và ban hành”, bà Mai chia sẻ.

Ông Phạm Đăng An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vũ Phong Energy Group cho biết, chi phí đầu tư ban đầu cho điện mặt trời mái nhà xưởng rất lớn, trong khi không phải lúc nào lượng điện sản xuất ra cũng sử dụng được hết.

Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp được bán điện cho các doanh nghiệp, đối tác khác để nhanh thu hồi vốn đầu tư điện mặt trời.

Theo ông An, thời gian qua, để lắp đặt điện mặt trời mái nhà, doanh nghiệp phải làm hồ sơ gửi UBND cấp tỉnh. Thế nhưng, quy định về những yêu cầu trong hồ sơ như thế nào thì chưa rõ ràng.

“Tôi làm việc với nhiều địa phương, hầu hết phản hồi chúng tôi nhận được từ Sở Công Thương các tỉnh thì họ rất muốn hỗ trợ, nhưng đôi khi họ bối rối rằng không biết nên căn cứ vào đâu để từ chối hoặc cấp phép, hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ. Vì vậy, chúng tôi mong mỏi nghị định về điện mặt trời sẽ quy định rõ quy trình thủ tục xin cấp phép đầu tư điện mặt trời”, ông An kiến nghị.

Theo Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, nghị định nên bổ sung quy định các chính sách hỗ trợ, mang lại các ưu đãi cho các đối tượng cần khuyến khích khi phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Chẳng hạn như tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, hoặc khu vực thiếu nguồn điện từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện 8) đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các trường đại học Australia mất đi sức hút trên thị trường quốc tế.

Đại học Australia tụt hạng

GD&TĐ - Giáo dục đại học Australia có nguy cơ giảm cạnh tranh vì gần một nửa ngành học nước này tụt hạng trong Bảng xếp hạng Đại học Thế giới năm 2025.

Minh họa/INT

Trồng cau ồ ạt, nên chăng?

GD&TĐ - Thấy cau có giá, người ta đổ xô đi mua cau con về trồng. Diện tích cau tăng vọt, thế chỗ cho nhiều loại cây ăn trái khác...