Điện mặt trời mái nhà ‘bán’ giá 0 đồng: Cần bảo đảm nguyên tắc thị trường

GD&TĐ - Nhiều ý kiến cho rằng, điện mặt trời mái nhà tự dùng nếu bán 0 đồng sẽ khó thu hút người dân, doanh nghiệp vì suất đầu tư không hiệu quả.

Công nhân lắp đặt tại một dự án điện mặt trời mái nhà.
Công nhân lắp đặt tại một dự án điện mặt trời mái nhà.

Bán điện giá 0 đồng

Tại Dự thảo Nghị định phát triển điện mặt trời mái nhà được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, loại hình điện này có thể đấu nối hoặc không với lưới điện quốc gia và không bán cho tổ chức, cá nhân khác. Quy mô phát triển loại này đến 2030 khoảng 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.

Theo dự thảo, loại điện này nếu không nối lưới sẽ được phát triển không giới hạn. Tổ chức, cá nhân được khuyến khích lắp hệ thống lưu trữ để chủ động dùng trong sản xuất, kinh doanh.

Trường hợp nguồn này đấu nối với lưới điện, người dân chọn phát điện dư thừa vào hệ thống sẽ được Nhà nước ghi nhận sản lượng, nhưng không thanh toán. Tức là, người dân có thể bán điện dư thừa, nhưng giá 0 đồng. Đề xuất này giữ nguyên so với bản thảo Bộ Công Thương đưa ra cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, dự thảo lần này bổ sung quy định giới hạn công suất lắp đặt với điện mái nhà tự dùng. Theo đó, công suất đăng ký lắp đặt phải dựa trên sản lượng điện tiêu thụ, nhu cầu dùng thực tế của hộ dân. Tức là, ở thời điểm đăng ký lắp đặt, công suất hệ thống điện mái nhà phải thấp hơn nhu cầu sử dụng của hộ dân.

Với dự án công suất trên 500 kW, người dân phải có lắp hệ thống điều khiển từ xa và kết nối với đơn vị điều độ khu vực.

Tổng công suất lắp điện mái nhà tự dùng không được vượt mức phân bổ cho từng khu vực, miền. Cụ thể, tới 2030, miền Nam phát triển tối đa 1.110 MW; miền Bắc là 927 MW, còn lại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (560 MW). Việc này, theo Bộ Công Thương, tránh điện mái nhà phát triển vượt công suất quy hoạch, ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn, vận hành hệ thống điện.

Việc quy định người dân được làm hệ thống điện mặt trời, nối với lưới điện quốc gia để bán sản lượng điện nhưng với giá 0 đồng sẽ làm hạn chế việc khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.

Đặc thù điện mặt trời phát điện vào thời gian ban ngày và thay đổi theo bức xạ từng thời điểm. Điều này dẫn đến việc thừa hoặc thiếu điện trong quá trình sử dụng năng lượng mặt trời. Việc không thể bán điện dư thừa hoặc khấu trừ vào tổng sản lượng sử dụng dẫn đến không hiệu quả khi đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời.

Hầu hết, các ý kiến cho rằng, đây là một chính sách vô lý, gây lãng phí rất lớn tiềm năng phát triển điện mặt trời áp mái; người dân có thể phải bỏ một số tiền lớn để đầu tư vào hệ thống điện mặt trời áp mái, nhưng lại không có lợi nhuận trở lại. Như vậy, không có lý do gì để ngành điện giữ lại đề xuất này, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu và phải đi mua điện từ nước ngoài.

Hài hoà lợi ích thị trường

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà nhưng không được bán cho cá nhân, tổ chức khác hoặc bán lên lưới với giá “0” đồng như dự thảo ban đầu và vẫn giữ nguyên ý kiến đề xuất của Bộ Công Thương là không công bằng và đi ngược nguyên tắc thị trường.

“Nếu vẫn tồn tại cơ chế xin - cho độc quyền mua điện rồi bán điện thì có thể trục lợi từ những chính sách phi thị trường, phi cạnh tranh lành mạnh”, ông Việt cho hay.

Theo đó, chính sách này không thể thu hút người dân cũng như doanh nghiệp chấp nhận bỏ vốn đầu tư. Bên cạnh đó, việc không thể bán điện dư thừa hoặc khấu trừ vào tổng sản lượng sử dụng dẫn đến không hiệu quả tổng thể khi đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời, nhất là tại khu vực có chênh lệch lớn về hiệu suất điện mặt trời theo thời điểm như ở miền Bắc.

Hiện tại, các hệ thống điện mặt trời mái nhà tại miền Bắc chỉ khoảng 6%, Hà Nội chưa tới 0,4%. Công suất chủ yếu tập trung ở miền Nam, Trung (chiếm gần 90%). Trong đó, tỷ lệ lắp trên mái nhà ở riêng lẻ, công trình dân dụng chỉ 17%.

Càng đáng quan ngại hơn khi các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu đòi hỏi sử dụng năng lượng sạch với tỷ lệ nhất định; trong khi nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng, năng lực tự đầu tư, vận hành hệ thống năng lượng mặt trời, thực tiễn đòi hỏi cần có đối tác trung gian thực hiện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

“Dự thảo nghị định hiện không hình thành thị trường mua - bán, đầu tư trong việc lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp mặc dù nhu cầu hiện hữu cũng như hệ sinh thái mua - bán này thực tế đã hình thành, đặc biệt tại các khu chế xuất, khu công nghiệp”, ông Việt cho biết.

Để phát triển mô hình năng lượng mặt trời mái nhà cũng như khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời, nhiều chuyên gia năng lượng đề xuất ngành điện nên học hỏi kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới cho phép các hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà được phép khấu trừ sản lượng tiêu thụ trong chu kỳ thanh toán như kiểu tín dụng, tính giá điện mặt trời bằng 1 tỷ lệ nhất định so với giá mua lại từ lưới điện.

Chuyên gia Lê Phan Tuấn cho rằng, muốn có cơ chế cân bằng, cần chuyển đổi nhanh qua giá điện 2 thành phần và cho phép mở rộng kinh doanh điện ở khâu dùng điện cuối. Khi đó tách rõ giá điện dịch vụ phụ trợ, và giá điện lưới phân phối và bán lẻ.

Như vậy, giá điện cuối cùng khách hàng trả sẽ gồm 2 giá, giá cố định và giá biến đổi (trong giá biến đổi có dịch vụ phụ trợ hay còn gọi dịch vụ cân bằng), giá cố định này thường chính là giá truyền tải, giá phân phối và giá điện công suất nguồn của các nhà máy truyền thống nằm chờ không phát.

Trong đó, phần giá biến đổi là giá nhiên liệu phát điện, giá điện năng lượng tái tạo, giá dịch vụ cân bằng. Khách hàng luôn phải trả chi phí cố định cho điện lực để bảo toàn hệ thống hạ tầng và nguồn điện dự phòng khi không có năng lượng tái tạo. Phần còn lại, người sử dụng điện tự do lựa chọn, có thể mua điện hoặc tự phát điện.

Hiện cả Bộ Công Thương lẫn EVN cũng đã và đang xây dựng cơ chế giá điện 2 thành phần (gồm giá công suất và giá điện năng cho các nhóm khách hàng khi điều kiện kỹ thuật cho phép). Đây sẽ là cơ sở đảm bảo việc đầu tư hạ tầng truyền tải điện đáp ứng được sự hình thành thị trường bán điện trực tiếp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.