Điện Mặt trời mái nhà 'tự sản tự tiêu': Cần cơ chế khuyến khích

GD&TĐ - Theo ý kiến của các chuyên gia, nếu điện Mặt trời không được bán, hoặc chỉ được bán với giá 0 đồng, có nghĩa là thị trường không có.

Điện Mặt trời mái nhà 'tự sản tự tiêu' cần một cơ chế khuyến khích thông thoáng.
Điện Mặt trời mái nhà 'tự sản tự tiêu' cần một cơ chế khuyến khích thông thoáng.

Loại hình phù hợp

Theo Dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện Mặt trời mái nhà của Bộ Công Thương, loại hình điện Mặt trời mái nhà không nối lưới quốc gia sẽ được phát triển không giới hạn.

Trường hợp có nối lưới quốc gia, người dân được quyền phát hoặc không phát sản lượng dư vào hệ thống, nhưng thanh toán 0 đồng. Tổng công suất theo hình thức này không vượt quá công suất được phân bổ trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII (2.600 MW).

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, công suất đặt (tổng công suất định mức của các thiết bị tiêu thụ điện trong mạng) của điện Mặt trời mái nhà là khoảng 7.660 MWAC, chiếm hơn 9% tổng công suất đặt.

Sản lượng điện Mặt trời mái nhà chiếm gần xấp xỉ 4% sản lượng điện hệ thống điện quốc gia. Theo đó, loại hình này hiện đã chiếm tỷ trọng đáng kể trong hệ thống điện quốc gia. Xét về công suất lắp đặt, nguồn điện Mặt trời mái nhà có tỷ trọng cao hơn nhiều loại hình nguồn điện năng lượng tái tạo khác như điện gió, điện sinh khối.

Thậm chí công suất lắp đặt của điện Mặt trời mái nhà còn vượt qua công suất thủy điện nhỏ và tua-bin khí là những loại nguồn điện đã từng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam trước đây.

Trong những thời điểm tiềm năng bức xạ tăng cao, công suất điện Mặt trời mái nhà có nguy cơ vượt quá khả năng hấp thụ của lưới điện khu vực.

Bộ Công Thương cho rằng, ưu điểm của việc phát triển điện Mặt trời mái nhà là đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (Mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng.

Tại tọa đàm phát triển điện Mặt trời mái nhà, bà Nguyễn Phương Mai, chuyên gia tư vấn các dự án hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo cho biết, chủ trương phát triển điện Mặt trời mái nhà theo hình thức tự sản, tự tiêu là đúng, bởi, sẽ giảm tải cho lưới điện quốc gia; tận dụng hiệu quả tiềm năng điện Mặt trời lớn như Việt Nam.

“Dự thảo nghị định bây giờ mới ra đời là hơi muộn. Lẽ ra khi hết thời hạn của cơ chế giá ưu đãi (giá FIT) đối với điện Mặt trời, Chính phủ cần có ngay chính sách mới để tạo môi trường thuận lợi cho điện Mặt trời, sẽ duy trì mạch đầu tư điện Mặt trời tại Việt Nam tốt hơn. Chúng tôi kỳ vọng nghị định về điện Mặt trời sẽ là đòn bẩy thúc đẩy cho điện Mặt trời áp mái được phát triển”, bà Mai chia sẻ.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, điện Mặt trời lắp đặt tại các khu công nghiệp hiện đang được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Song, khó khăn hiện nay là hành lang pháp lý về an toàn xây dựng, phòng cháy chữa cháy khi lắp đặt thêm hệ thống pin năng lượng Mặt trời trên nhà xưởng chưa được cụ thể hóa, đây cũng là một trở ngại trong phát triển điện Mặt trời tại các khu công nghiệp.

Tạo cơ chế thông thoáng

Với góc độ doanh nghiệp đã tham gia sâu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện Mặt trời, ông Phạm Đăng An, Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group cho rằng, so với thời điểm khi Nghị định 13 còn đang có hiệu lực, tất cả mọi người đều muốn làm điện Mặt trời mái nhà nhưng để bán lại cho EVN.

Đó là giai đoạn phát triển bùng nổ. Sau giai đoạn đó, thị trường đã có sự chững lại. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, phát triển kinh tế xanh đòi hỏi phải phát triển năng lượng xanh.

“Nhu cầu thị trường để phát triển điện Mặt trời mái nhà vẫn đang rất lớn, đặc biệt, nhu cầu năng lượng Mặt trời dành cho các mái nhà xưởng, các khu công nghiệp. Phát triển sản xuất xanh không thể không có năng lượng xanh”, ông An nhấn mạnh.

Không chỉ Việt Nam mà ở nhiều nước khác như Indonesia, Bangladesh, Campuchia… nhu cầu phát triển điện Mặt trời mái nhà, đặc biệt điện Mặt trời trên các mái nhà máy để tự sản xuất, tự tiêu thụ hiện đang rất lớn.

Theo ông An, đây không chỉ là câu chuyện giảm chi phí năng lượng, mà còn xanh hóa hơn các nhãn hàng của doanh nghiệp. Hiện nay đã có những tập đoàn, doanh nghiệp thể hiện cam kết mạnh mẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo trên toàn cầu như Google, Microsoft, LEGO…

“Hệ thống điện Mặt trời mái nhà như một “mũi tên trúng nhiều đích” vì không chỉ góp phần tiết giảm chi phí sản xuất, mà còn giúp doanh nghiệp có chứng nhận về sử dụng năng lượng sạch và góp phần trong thực hiện cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại COP 26”, ông An cho biết thêm.

Ông An phân tích, với chi phí đầu tư ban đầu cho điện Mặt trời mái nhà xưởng rất lớn, trong khi không phải lúc nào lượng điện sản xuất ra cũng sử dụng được hết.

Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp được bán điện cho các doanh nghiệp, đối tác khác để nhanh thu hồi vốn đầu tư điện Mặt trời.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Phương Mai cho rằng, nếu điện Mặt trời không được bán, hoặc chỉ được bán cho với giá 0 đồng thì có nghĩa là thị trường không có. Như vậy sẽ không khuyến khích đầu tư điện Mặt trời mái nhà.

“Chúng tôi mong muốn nghị định sẽ tạo cơ chế cho phép điện Mặt trời áp mái được tham gia vào thị trường mua bán điện”, bà Mai bày tỏ.

Theo Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, nghị định nên bổ sung quy định các chính sách hỗ trợ, mang lại các ưu đãi cho các đối tượng cần khuyến khích khi phát triển điện Mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Chẳng hạn như tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, hoặc khu vực thiếu nguồn điện từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tại các khu vực địa lý này, có thể cho phép dùng cơ chế bù trừ để khuyến khích người dân tự lắp đặt điện Mặt trời. Với trường hợp này, có thể quy định mức phát lên lưới không vượt quá 20 - 30% phụ tải tự tiêu thụ; cũng có thể quy định cơ chế bù trừ khi phát vào lưới 3 - 4 kWh được trừ 1 kWh khi mua điện…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ