Điểm tựa cho tuổi già

GD&TĐ - Già trước khi giàu khiến không ít người cao tuổi nước ta đứng trước cảnh dù bệnh tật, đau yếu nhưng vẫn phải lao động kiếm tiền lo cho bản thân. Thậm chí, tại nhiều gia đình, thay vì được nghỉ ngơi, người già trở thành trụ cột gia đình để lo cho các cháu không phải hiếm.

Điểm tựa cho tuổi già

Tuổi già nhanh đến

Theo quy định, nam từ 60 trở lên và nữ từ 55 được gọi là người cao tuổi. Ở nước ta, nhóm tuổi này đang gia tăng và dự báo sẽ chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu dân số thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết: Nước ta chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với trên 10 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi nước ta sẽ chiếm 17% và 20 năm sau sẽ là 25%.

So với các nước trong khu vực và trên thế giới, tốc độ già hóa dân số ở nước ta thuộc hàng “phi mã”. Bởi trong khi các nước có nền kinh tế phát triển mất nhiều thập kỷ, chậm chí hàng thế kỷ để chuyển sang giai đoạn dân số già (nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 20%) như Pháp (100 năm), Thụy Điển (85 năm), Mỹ (69 năm) và Nhật Bản là 26 năm thì Việt Nam chỉ mất 20 - 22 năm.

Nếu như trước kia, già hóa dân số là đặc trưng của các nước thu nhập cao thì nay nó lan sang nước thu nhập trung bình và thấp. Việt Nam là điển hình cho nước mà dân số già trước khi có của ăn của để. Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, tuổi thọ bình quân ngày càng tăng trong khi tỷ suất sinh và chết đều giảm. Với tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện nay, chẳng mấy chốc, Việt Nam chạm ngưỡng dân số già.

Điểm tựa nào cho tuổi già

Một đất nước người già chiếm số đông là thách thức với hệ thống an sinh xã hội, y tế. Thách thức trên sẽ càng lớn khi ở nước ta, phần lớn người già chưa kịp tích lũy, già đồng nghĩa với bệnh tật.

Hiện tuổi thọ trung bình người Việt Nam là 73. Tuy nhiên, nếu như ở các nước khác, ở độ tuổi này, người dân vẫn mạnh khỏe, có thể tiếp tục lao động, du lịch… thì ở nước ta, người già lại đi kèm với bệnh tật. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, gánh nặng bệnh tật ở người cao tuổi rất lớn. Trung bình mỗi người cao tuổi phải chịu 15,3 năm bệnh tật. Người già không chỉ mắc một bệnh mà đang phải chịu gánh nặng kép khi mắc tới 2,69 bệnh, chủ yếu là bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tim mạch, huyết áp…

Điểm đặc biệt tiếp theo của người cao tuổi nước ta là chủ yếu sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp nên đời sống còn nhiều khó khăn. Số người có điều kiện tích lũy cho tuổi già rất ít. Hiện chỉ có 30% người cao tuổi được hưởng lương hưu, 70% không có trợ cấp gì, do vậy rất nhiều người già vẫn phải tự lao động kiếm sống.

Cũng như nhiều người cùng tuổi khác trong thôn, bà Nguyễn Thị Vân (Văn Giang, Hưng Yên) đã 65 tuổi nhưng vẫn là trụ cột kinh tế trong gia đình. Bà cho biết: Ông bà được 4 người con, đều đã lập gia đình nhưng kinh tế các con không khá giả, lại đông con nên ông bà vẫn tự chăm sóc cho nhau. Vài năm gần đây, sức khỏe của ông yếu dần nên ở nhà cơm nước, bà thì đi giúp việc, năm về vài lần. Theo bà Vân, số tiền kiếm được một phần trang trải cuộc sống, một phần để sửa sang nhà cửa và dành ra một ít cho tuổi già.

Tương tự, bà Đỗ Thị Mến (Tứ Kỳ, Hải Dương) cũng suýt 60 nhưng nhiều năm nay bôn ba ở Hà Nội kiếm tiền để trả nợ do con cái làm ăn thất bát, còn ông ở nhà chăm sóc 2 đứa cháu ngoại mà vợ chồng con gái bà để lại trước khi bỏ đi trốn chủ nợ. Bà Nguyễn Thị Vinh (62 tuổi, Kiến Xương, Thái Bình) có một thân một mình nên như lời bà chia sẻ “tự làm đại gia cho mình”. Có thâm niên 20 năm đi trông trẻ từ Nam ra Bắc.

Nay đã ngoài 60 tuổi nhưng bà vẫn cố làm thêm mấy năm nữa để sửa sang cái nhà, có ít tiền lo cho tuổi già… “Không lương hưu, không bảo hiểm lại không gia đình nên nhiều khi mệt cũng phải cố, ốm đau chỉ dám tự chẩn đoán rồi mua thuốc về uống chứ không dám đi bệnh viện vì sợ tốn kém” là tâm sự của bà Vinh khi nói về cuộc sống hiện tại và nỗi lo trước mắt.

Cơ cấu dân số già đang đến gần, làm thế nào để về già sống vui, sống khỏe là câu hỏi mà bản thân mỗi người già và toàn xã hội phải trả lời. Đây cũng là trách nhiệm của ban ngành liên quan, các địa phương trong việc xây dựng chiến lược, một chương trình tổng thể về chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người già.

Đây thực sự là vấn đề cấp bách bởi hiện cả nước mới có 49 khoa Lão khoa thuộc các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bệnh viện thuộc Bộ, ngành còn về tổng thể, nước ta chưa có hệ thống cơ sở chăm sóc dài hạn tập trung cho người cao tuổi. Nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời thì dân số già thực sự trở thành áp lực, gánh nặng cho xã hội và bản thân người già và các nhóm tuổi khác.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam cần chuẩn bị tiềm lực kinh tế, phát triển an sinh xã hội, điều chỉnh chính sách để giảm nhẹ các tác động do già hoá dân số.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ