Lợi ích của phòng tránh thai
Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng về nguyên nhân của việc mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, lợi ích của việc tránh thai… cũng như kêu gọi sự quan tâm và nhiều nỗ lực hơn nữa từ các cơ quan có liên quan đặc biệt là cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ.
Tại Hội thảo cũng đã diễn ra Lễ ký kết giữa Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế với Hội LHPN Việt Nam Chương trình truyền thông KHHGĐ vì sức khỏe cộng đồng với sự đồng hành của Công ty TNHH Bayer Việt Nam.
Tại Hội thảo, Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế cùng với Hội LHPN Việt Nam đã đưa ra các thông tin hữu ích về tình hình thực hiện KHHGĐ và nhu cầu sử dụng các BPTT tại Việt Nam; Thực trạng phá thai trên thế giới và tại Việt Nam; Lợi ích của việc tránh thai cũng như công tác tiếp thị xã hội và xã hội hóa các phương tiện tránh thai (PTTT) tại Việt Nam.
Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ chính là một trong những cách thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. Phòng tránh thai mang lại rất nhiều lợi ích:
Chủ động trong việc sinh con. Lợi ích của việc phòng tránh thai sẽ giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ của mình như chủ động trong thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra.
Tránh được những tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhờ việc không sinh con sớm, quá dày, quá nhiều hay quá muộn, đặc biệt khi người phụ nữ chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn sinh lý nên sẽ hạn chế được các tai biến cho bà mẹ và thai nhi. Đẻ quá muộn thì làm tăng tỉ lệ dị tật thai. Đẻ quá nhiều và dày khiến cho phụ nữ hao mòn, dễ bị tai biến khi sinh đẻ, thậm chí là chết lưu và suy dinh dưỡng…
Phòng tránh thai giúp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình: Lợi ích của việc phòng tránh thai giúp mỗi gia đình có đủ 2 con, không sinh quá nhiều. Từ đó, có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn. Nâng cao được đời sống, kinh tế của mỗi gia đình. Do có sức khỏe, văn hóa và kinh tế tốt, chị em phụ nữ và các cặp vợ chồng có đủ điều kiện để thực hiện quyền hưởng thụ và bồi dưỡng sức khỏe tình dục, SKSS.
Vì sức khỏe cộng đồng
Trong năm 2017, Tổng cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với Hội LHPNVN tổ chức các buổi nói chuyện, truyền thông về KHHGĐ, giới thiệu các biện pháp tránh thai trong khuôn khổ Chương trình “Là phụ nữ tôi chọn sống chủ động” cho các thành viên Hội LHPN với sự tham gia góp sức của Bayer Việt Nam. Chương trình gồm chuỗi 12 hội thảo tổ chức tại 12 tỉnh thành đã thu hút hơn 1.200 chị em phụ nữ trên toàn quốc đến tham dự trực tiếp.
Song song với chuỗi hội thảo, cuộc thi online “Hiểu về tránh thai” của chiến dịch cũng đã thu hút hơn 120.000 chị em tham gia tính đến thời điểm hiện tại và cuộc thi vẫn còn đang tiếp tục đến hết tháng 12/2017.
Từ tháng 9 đến tháng 12/2017, một chiến dịch truyền thông mới cũng đã được tổ chức nhằm cung cấp kiến thức về SKSS, về các BPTT an toàn và hiệu quả cho các đối tượng nữ giới trong độ tuổi 18-25 thông qua các hoạt động truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng và chuỗi hội thảo được tổ chức tại các trường đại học như Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học RMIT...
Để tiếp nối những hoạt động đó, nhân dịp này, với sự phối hợp tổ chức của Hội LHPN Việt Nam và sự đồng hành của Cty TNHH Bayer Việt nam, Tổng cục DS-KHHGĐ sẽ công bố lễ phát động Chương trình hành động 3 năm, giai đoạn 2018 – 2020: “Truyền thông KHHGĐ vì sức khỏe cộng đồng” với mục tiêu cung cấp những thông tin khoa học chính xác và cập nhật về các PTTT hiện đại, trong đó có thuốc tránh thai đến các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ có nhu cầu tránh thai.
Cũng cùng với nỗ lực chung nhằm giảm tình trạng phá thai, mang thai ngoài ý muốn và nâng cao chất lượng dân số, từ ngày 07/8 đến 01/12/2017 Tổng cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với Tổ chức DKT International tổ chức phát động cuộc thi vẽ tranh “Yêu an toàn - Vạn điều hay” trên mạng năm 2017.
Mục đích của cuộc thi này nhằm cung cấp thông tin, kiến thức về dịch vụ KHHGĐ và các BPTT hiện đại nhằm huy động toàn xã hội, đặc biệt ưu tiên nhóm đối tượng vị thành niên, thanh niên nhận thức đúng tầm quan trọng và lợi ích của việc tránh thai, từ đó hoạt động tích cực trong việc truyền thông và sử dụng các biện pháp trám thai hiện đại, góp phần giảm tình trạng phá thai, mang thai ngoài ý muốn và nâng cao chất lượng dân số.
Xuất phát từ thực tế trên, trong thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về KHHGĐ vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số. Cần tăng cường theo dõi sát diễn biến về mức sinh và sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình để có kế hoạch và giải pháp quyết cụ thể. Mục tiêu chính là đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai.