Những giải pháp để đạt chỉ tiêu về dân số

GD&TĐ - Mặc dù chỉ số phát triển con người của Hà Nội nằm trong nhóm cao nhất cả nước song tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số nhanh vẫn là gánh nặng với công tác dân số Thủ đô. 

Những giải pháp để đạt chỉ tiêu về dân số

Tăng cường công tác truyền thông và xã hội hóa công tác dân số sẽ kêu gọi được nhiều nguồn lực trong việc đưa chính sách dân số đến gần với người dân hơn.

Thách thức vẫn ở phía trước

Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, năm 2016, số sinh toàn thành phố là 118.713 trẻ, tỷ suất sinh đạt 15,7‰, giảm 0,1‰ so với năm 2015. Trong số trẻ được sinh ra năm 2017, trẻ là con thứ 3 trở lên là 8.039 trẻ, giảm 417 trẻ, đạt tỷ lệ 6,77%, giảm 0,36% so với năm 2015.

Tỷ số giới tính khi sinh ở Hà Nội hiện là 114 trẻ trai/100 trẻ gái. Tuy nhiên, vẫn còn một số huyện, thị xã có tỷ số giới tính khi sinh cao như Thạch Thất, Ứng Hòa, Sơn Tây.

Với tỷ lệ sàng lọc trước sinh, thành phố có 72% số bà mẹ mang thai tham gia. Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh cũng đạt 82,0% số trẻ sinh ra. Nhờ việc làm trên đã phát hiện nhiều trẻ mắc bệnh bẩm sinh như thiếu men G6PD, suy giáp trạng bẩm sinh. Toàn thành phố đã sàng lọc khiếm thính cho 36.200 ca, sàng lọc Thalassemia cho 19.886 ca, sàng lọc tim bẩm sinh cho 15.856 ca, trong đó chuyển khám chuyên khoa 35 ca và phát hiện điều trị cho 12 trường hợp tim bẩm sinh tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, mặc dù tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai của người dân luôn đạt chỉ tiêu (76%) nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ sinh thêm con, sinh bằng được con trai. Đây thực sự là thách thức với những người làm công tác dân số bởi phần lớn gia đình sinh thêm con có điều kiện, có trình độ văn hóa. Hơn nữa, tâm lý thích con trai vẫn in sâu vào tâm trí nhiều thế hệ dù sống ở thành thị hay nông thôn.

Kêu gọi cộng đồng cùng vào cuộc

Năm 2017, Hà Nội đặt mục tiêu giảm tỷ suất sinh thô 0,1‰ so với năm 2016. Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 0,1% so với năm 2016. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh (số bà mẹ mang thai) đạt 73% và sàng lọc sơ sinh cho 83% số trẻ được sinh ra.

Để hoàn thành chỉ tiêu trên, nhiều ý kiến cho rằng cần thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phù hợp. Trước hết triển khai các văn bản về công tác dân số của thành phố, văn bản của cấp ủy, hội đồng nhân dân các quận, huyện, thị xã đến các chi bộ, thôn, làng, tổ dân phố.

Kinh nghiệm nhiều năm qua của Hà Nội cho thấy việc gắn trách nhiệm của bí thư chi bộ, trưởng thôn về thực hiện các chỉ tiêu Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thông qua việc xây dựng các hương ước, quy ước thực sự có ích trong việc thực hiện chính sách dân số nhằm giảm tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 trở lên.

Người không thể thiếu trong công tác dân số chính là cộng tác viên dân số. Đây chính là đội ngũ sẽ cùng với cán bộ chuyên trách, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận các thôn, làng, khu dân cư tổ chức rà soát từng nhà, rà từng đối tượng trong diện sinh đẻ để vận động ký cam kết không sinh con thứ ba và tư vấn các biện pháp tránh thai cũng như đẩy mạnh các dịch vụ cung ứng các dụng cụ tránh thai. Nhờ đó sẽ quản lý tốt các cặp vợ chồng có nguy cơ cao như cặp vợ chồng có con 1 bề, cặp vợ chồng trẻ đã có đủ 2 con.

Ngoài ra cần phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình, tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn cho đối tượng, lồng ghép với hoạt động ở địa phương và các đoàn thể. Thanh niên và phụ nữ vừa là đối tượng cần được tuyên truyền về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình lại vừa là lực lượng hùng hậu giúp cho công tác trên lan tỏa mạnh mẽ từ gia đình đến trường học, cộng đồng.

Khen thưởng kịp thời các gia đình, thôn, làng, tổ dân phố, đơn vị nhiều năm thực hiện tốt chính sách dân số... cũng là cách để tôn vinh việc làm đúng trước cộng đồng và là dịp để mọi người biết và noi theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ