Bức tranh mới về dân số

GD&TĐ - Mức sinh ổn định, tỷ lệ người dân sử dụng biện pháp tránh thai tăng là điều đáng mừng với công tác dân số. Tuy nhiên, trong bối cảnh già hóa dân số diễn ra nhanh chóng, mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra ở nhiều nơi đòi hỏi công tác dân số có bước đi mới, phù hợp với thực tiễn.

Bức tranh mới về dân số

Con số đáng mừng

Thời gian qua, bên cạnh việc cung cấp biện pháp tránh thai theo diện miễn phí và xã hội hóa để duy trì mức sinh, ngành dân số tiếp tục hướng đến nhiệm vụ nâng cao chất lượng dân số. Hàng loạt chương trình được triển khai như tầm soát các bệnh, dị tật bẩm sinh thông qua khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân.

Tại những vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn, ngành dân số đồng thời triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) để các chính sách dân số đến gần người dân hơn.

Nhìn vào tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta trong 6 tháng đầu năm sẽ thấy đây vẫn là vấn đề nóng, cần tập trung nhiều giải pháp để… hạ nhiệt. Theo Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số -KHHGĐ Nguyễn Văn Tân, đã có 43 địa phương phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh đến năm 2025. Trong 43 tỉnh, thành trên, có 28 tỉnh, thành đã có kinh phí hoạt động. Nhờ đó công tác truyền thông về hệ lụy của xã hội nhiều nam hơn nữ đến được với nhiều người dân thông qua câu lạc bộ, phòng tư vấn…

Một mảng màu không kém phần quan trọng trong bức tranh dân số là nhóm người cao tuổi. Với tốc độ già hóa dân số thuộc tốp nhanh nhất thế giới, dự báo đến năm 2030, người cao tuổi ở nước ta sẽ tăng từ 10 triệu hiện nay lên 19 triệu người. Đến năm 2050, cả nước sẽ có khoảng 28 triệu người cao tuổi. Chuyển đổi nhân khẩu từ trẻ sang già mang lại cả cơ hội lẫn thách thức không chỉ với ngành dân số bởi dân số già có những tác động lớn đến mọi mặt đời sống xã hội, kinh tế, an sinh và tới mỗi thành viên trong gia đình. Để ứng phó với dân số già, hiện 17/63 tỉnh có Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được phê duyệt. Các chương trình, hoạt động như: Mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng; câu lạc bộ người cao tuổi giúp người cao tuổi vẫn được duy trì mang lại nhiều kết quả khả quan.

Khó khăn trước mắt

Theo ông Nguyễn Văn Tân, công tác dân số/KHHGĐ trong bối cảnh hiện tại vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Điển hình như mức sinh tính bình quân thì đạt mức sinh thay thế nhưng ở mỗi vùng miền lại có sự lên - xuống thất thường. 6 tháng đầu năm, số trẻ được sinh ra tăng hơn năm trước.

Mức sinh tăng tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc và duyên hải miền Trung. Khu vực còn lại, trong đó có hai nơi mức sinh đang ở dưới mức khuyến cáo là Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, các địa phương cũng như ngành dân số cần theo dõi sát diễn biến mức sinh để có biện pháp KHHGĐ phù hợp.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng dân số qua hoạt động sàng lọc sơ sinh, trước sinh, dù đã triển khai nhiều năm nay nhưng không đồng đều. Thực tế cho thấy, người dân các thành phố lớn có điều kiện, cơ hội tiếp xúc với thôn tin, dịch vụ hơn ở nông thông, miền núi. Bằng chứng là cùng mang thai nhưng phụ nữ ở thành phố sử dụng dịch vụ siêu âm nhiều hơn phụ nữ vùng khác.

Thậm chí, ở vùng xa xôi, hẻo lánh, thai phụ còn đẻ tại nhà chứ nói gì đến ra trạm y tế siêu âm, nghe tim thai. Việc xét nghiệm máu sàng lọc nguy cơ dị tật cho con lại càng xa vời. Với nhóm người cao tuổi, dù bức tranh dân số già đã cận kề nhưng cho đến nay điều kiện về cơ sở hạ tầng gần như chưa sẵn sàng. Người già Việt Nam đi liền với nghèo và bệnh tật nhưng đến nay hệ thống an sinh xã hội, y tế chưa bao phủ đến tất cả đối tượng. Vẫn còn người già sống cô đơn, lao động để nuôi thân và mỗi khi ốm đau không dám đi viện vì không có điều kiện…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Tại hội thảo về công tác dân số mới đây, các đại biểu đã chỉ ra, ngân sách Trung ương năm 2017 chậm, trong khi nguồn ngân sách địa phương đầu tư cho công tác dân số/KHHGĐ còn nhiều hạn chế.

Đến nay, chỉ có 6/63 tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách dân số và một số tỉnh đã phê duyệt đề án và bố trí ngân sách địa phương. Đây thực sự là khó khăn lớn nhất đối với việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra trong năm 2017.

Ngoài ra, tổ chức bộ máy làm công tác dân số/KHHGĐ tại địa phương mặc dù đã được củng cố và hoàn thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Chế độ thù lao của đội ngũ cộng tác viên dân số được hưởng hàng tháng chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Cơ sở vật chất của các cơ sở y tế địa phương tuy đã được nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ KHHGĐ chất lượng cao. Những vướng mắc trên đã khiến việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch gặp không ít khó khăn.

Theo thống kê của Tổng cục Dân số - KHHGĐ, tổng số trẻ được sinh ra 6 tháng đầu năm 2017 là 484.946 trẻ. So với cùng kỳ năm 2016 tăng 7.167 trẻ, trong đó, số trẻ nam sinh ra là 257.727 trẻ, tăng 3.809 trẻ; số trẻ nữ sinh ra là 227.219 trẻ, tăng 3.358 trẻ. Tỷ số giới tính khi sinh tại thời điểm tháng 6/2017 là 113,4 trẻ trai/100 trẻ gái. Trong 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu KHHGĐ đạt xấp xỉ 40% kế hoạch cả năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ