Điểm mới trong bồi dưỡng GV cốt cán phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh

GD&TĐ - Hơn 370 giáo viên cốt cán 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên được bồi dưỡng mô đun 3 về phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Giảng viên chủ chốt hướng dẫn phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực.
Giảng viên chủ chốt hướng dẫn phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực.

Khoá bồi dưỡng trực tiếp 3 ngày (từ 23-25/11) tại TP Quy Nhơn, Bình Định, do Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP).

Đây là mô đun quan trọng  tập trung vào phương pháp kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Phương pháp kiểm tra, đánh giá ở mô đun này có nhiều điểm khác biệt so với phương pháp kiểm tra, đánh giá trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Ở phương pháp mới, người học sẽ được đánh giá phẩm chất, năng lực trong cả quá trình, dựa trên ngữ cảnh học tập, thực tiễn cuộc sống, hoạt động giáo dục, trải nghiệm, sự tiến bộ của bản thân; thông qua công cụ đánh giá về nhiệm vụ, bài tập trong tình huống, bối cảnh thật.

Nếu như Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đánh giá kết quả của học sinh ở những thời điểm nhất định trong quá trình dạy học, đặc biệt là trước và sau khi dạy, thì Chương trình GDPT 2018 đánh giá trong mọi thời điểm của quá trình dạy học, chú trọng đến đánh giá trong khi học.

Đặc biệt, kết quả đánh giá học sinh ở Chương trình mới phụ thuộc vào độ khó của nhiệm vụ học tập hoặc bài tập đã hoàn thành; nếu học sinh thực hiện được nhiệm vụ học tập càng khó, càng phức tạp thì sẽ được coi là có năng lực cao hơn.

Đánh giá về nội dung và mục tiêu mô đun 3, cô giáo Nguyễn Thị Vui – Trường THPT Bình Dương, huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định cho biết: “Mục tiêu mô đun rõ ràng, hợp lý, đáp ứng nguyện vọng của giáo viên. Trong đó, mục tiêu sử dụng các phương pháp, hình thức, công cụ kiểm tra đánh giá phù hợp nội dung môn học cũng như phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Ngoài ra, 5 nội dung của mô đun được thể hiện cụ thể trong tài liệu đọc và những video cung cấp cho giáo viên những kiến thức, kĩ năng phù hợp để có thể hoàn thành các nhiệm vụ trong thời gian sắp tới”.

Giảng viên cốt cán trao đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá mới.
Giảng viên cốt cán trao đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá mới.

Đối với phương pháp bồi dưỡng mô đun 3, cô giáo Lê Thị Thúy - Trường Tiểu học và THCS Trương Định, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên cho rằng:

“Phương pháp bồi dưỡng ở mô đun 3 rất đa dạng, hiệu quả như thảo luận nhóm, nêu vấn đề, phương pháp trực quan, sắm vai, phương pháp trò chơi… Các giảng viên chủ chốt không những giúp giáo viên nắm chắc lý thuyết mà còn giúp giáo viên có nhiều cơ hội thực hành, nâng cao kĩ năng”.

Với hình thức tập huấn đa dạng, giáo viên cốt cán tự nghiên cứu nội dung mô đun 3 qua hệ thống LMS có sự hướng dẫn qua mạng của giảng viên chủ chốt, cũng như trao đổi với các đồng nghiệp… Từ đó, các thầy cô cốt cán sẽ phát huy hết kinh nghiệm cũng như khả năng sáng tạo, chủ động, sẵn sàng hỗ trợ giáo viên đại trà tự bồi dưỡng trên hệ thống LMS nhằm thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong 7 trường sư phạm tham gia Chương trình ETEP, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên cốt cán của 10 tỉnh miền Trung.

Đến nay, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế đã hoàn thành bồi dưỡng mô đun 1 “Hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018” và mô đun và 2 “Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/THCS/THPT”, được lãnh đạo, giáo viên các sở GD&ĐT giá cao về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ