Gieo yêu thương – gặt hạnh phúc
19 năm gắn bó với bục giảng, cô Nguyễn Thị Thủy – giáo viên Lịch sử Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) nhận ra rằng, yêu thương chính là nguồn cảm hứng bất tận khơi nguồn cho những đam mê và sáng tạo.
Vì thế, cô luôn cố gắng nỗ lực, tự làm mới và hoàn thiện bản thân, để mỗi ngày lên lớp, mỗi bài giảng sẽ tạo nên hứng thú, hấp dẫn cho học trò. “Thay đổi để cô – trò hiểu nhau và thân thiện hơn; thay đổi để cô – trò hạnh phúc mỗi giờ lên lớp. Vậy tại sao lại không thay đổi? – cô Thuỷ đặt vấn đề.
Cô Thuỷ chia sẻ, đôi khi học trò cũng chính là nguồn “cảm hứng ngược” với giáo viên. Đó là những ánh mắt say mê nghe giảng như “nuốt từng lời cô”, đó là những thắc mắc về kiến thức khi chưa hiểu, là sự chăm chú lắng nghe và ghi chép lời cô thuyết minh khi đi trải nghiệm, là sự hồ hởi của học trò sau thi và khoe điểm với cô,…
Theo cô Lưu Thị Lập – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu, người thầy trên bục giảng sẽ là nhà giáo dục, mang đến cho học sinh không gian học tập an toàn, vui vẻ và gần gũi; đồng thời tôn trọng sự khác biệt và điểm xuất phát khác nhau ở mỗi học trò. Người thầy cần biết truyền cảm hứng cho học sinh khám phá tri thức, rèn luyện kĩ năng và xây dựng thái độ học tập tích cực.
“Trên hành trình xây dựng trường học hạnh phúc, chúng tôi tự hào khi có những thầy giáo, cô giáo tận tụy với nghề, tận tâm với trò. Họ đã không ngừng thay đổi bản thân để mang đến những giờ học tuyệt vời nhất cho học sinh.
Chứa đựng phía sau, đó chính là nghị lực và quyết tâm thay đổi thói quen, là tình yêu cháy bỏng với nghề, tình thương với trò…, những ngày miệt mài ở trường kèm cặp cho học sinh đến tối muộn, là khi cơn sốt ập đến nhưng không lỡ nghỉ dạy, đôi khi còn là cả những giọt nước mắt lặng lẽ rơi vì thương hoàn cảnh của học trò...” – cô Lập bộc bạch.
Từ kinh nghiệm thực tế, cô Phạm Thị Khánh Ninh – Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) - chia sẻ một yếu tố để xây dựng trường học hạnh phúc là: Tình bạn và các mối quan hệ trong nhà trường; môi trường học tập thân thiện, ấm áp; sự tự do, sáng tạo và gắn kết của học sinh; tinh thần đội nhóm và hợp tác; thái độ và đóng góp tích cực của giáo viên.
Trường học hạnh phúc là nơi mà thầy, cô giáo và học sinh thấy hạnh phúc trong quá trình dạy – học. Đó là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo với nhau, giữa thầy với trò, giữa học sinh với nhau luôn được trân trọng, bồi đắp hằng ngày.
Giáo viên và hiệu trưởng cùng thay đổi
Là một trong những chuyên gia hàng đầu về xây dựng trường học hạnh phúc, PGS.TS Trần Thị Lệ Thu nhấn mạnh: Tiêu chí xây dựng lớp học hạnh phúc là: Yêu thương, an toàn, tôn trọng, được hiểu, được có giá trị và sáng tạo.
Hạnh phúc là một hành trình không có điểm đến - ngày hôm nay hạnh phúc hơn hôm qua…. Hạnh phúc trên từng chặng đường. Trên hành chính đó, thầy, cô sẽ lắng nghe học sinh bằng cả trái tim. Qua đó, để các em được hạnh phúc.
TS Ngô Xuân Hiếu - Phó Trưởng bộ môn Quản lý giáo dục, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội nhìn nhận, để xây dựng Trường học hạnh phúc, giáo viên và hiệu trưởng phải thay đổi, trước hết hiệu trưởng phải là người tiên phong.
Mỗi trường có cách làm riêng và lựa chọn riêng. Có trường lựa chọn tấm gương của giáo viên, đạo đức nhà giáo làm giá trị và chủ đề để triển khai xây dựng trường học hạnh phúc. Và một trong những sức mạnh nội lực chính là đoàn kết.
Khẳng định, để xây dựng trường học hạnh phúc, trước tiên giáo viên phải thay đổi, ông Nguyễn Ngọc Ân – Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, bản chất của nghề dạy học là luôn đổi mới để hấp dẫn người học. Lớp học hạnh phúc khi giáo viên, học sinh có được cảm giác hạnh phúc. Đó cũng là đích đến của Lớp học hạnh phúc.
Giáo viên, bao giờ cũng muốn tìm đến phương thức tốt nhất cho công việc giảng dạy và giáo dục học sinh của mình. Con đường đó chính là quá trình đổi mới, sáng tạo. Nghề giáo là nghề có nhiều cơ hội trong đổi mới.
Tất cả giáo viên muốn vững vàng trong nghề nghiệp phải luôn suy nghĩ, vận động để công việc của ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua. Công việc của ngày mai tốt hơn ngày hôm nay, đó là nhìn lại quá trình – một việc làm cần thiết của giáo viên nếu họ muốn phát triển nghề nghiệp. Đó là đổi mới mà giáo viên đã, đang và sẽ thực hiện nhiều hơn nữa.
“Như vậy, đổi mới sáng tạo trong dạy học của giáo viên luôn thực chất. Tới đây, sẽ thúc đẩy giáo viên nâng cao quá trình đổi mới sáng tạo hơn, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục” – ông Ân nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có định hướng rõ ràng về năng lực chung và những năng lực chuyên biệt mà học sinh cần đạt. Đối với mỗi môn học, giáo viên vừa phải bảo đảm hình thành năng lực chung cho học sinh, vừa phải phát hiện kích hoạt và nuôi dưỡng năng lực chuyên biệt đối với môn học của mình.
Điều này hoàn toàn khác nếu chỉ dựa vào bài kiểm tra lý thuyết thuần túy mà giáo viên phải đa dạng hóa cách thức đánh giá: Đánh giá qua theo dõi quá trình; qua hồ sơ và đánh giá tổng kết. Kết quả đánh giá là thông tin để thay đổi, điều chỉnh cách thức dạy - học của giáo viên và học sinh.