Trường học hạnh phúc - nơi học trò được học thật và chơi thật

GD&TĐ - Bàn về giải pháp xây dựng môi trường học đường thực sự hạnh phúc, chuyên gia Giáo dục - TS. Giáp Văn Dương cho rằng, thầy và trò cần cùng nhau tuân thủ mọi sự thật, từ ăn uống, vui chơi đến học hành.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Hạnh phúc trong giáo dục thực chất

TS Giáp Văn Dương chia sẻ: Trường học hạnh phúc là đích đến của thầy cô, học trò và cả phụ huynh học sinh. Bản thân tôi, khi vận hành trường học, việc đầu tiên là tôi đề ra một triết lý giáo dục nhấn mạnh vào việc tạo ra những con người tự do.

Do ảnh hưởng của nền sản xuất đại công nghiệp nên nhiều nền giáo dục trên thế giới, chứ không phải chỉ chúng ta, thường có xu hướng đào tạo con em mình tuân thủ những quy trình đã có. Tức là đào tạo ra những con người công cụ để phục vụ nhu cầu của nền đại công nghiệp và có thể các mục đích xã hội khác nữa.

Nhưng, khi bạn trở thành con người công cụ, dù là công cụ của một mô hình, một lý thuyết, hay một con người nào đó cụ thể thì bạn sẽ không còn được thật là chính mình. Mà không được là chính mình thì sẽ rất đau khổ và phản giáo dục, không thể có hạnh phúc được.

Vì thế, tôi luôn yêu cầu giáo viên và học sinh của mình phải dạy thật, học thật, thi thật, ăn thật, chơi thật, sống thật, sai thật và sửa thật.

Ví dụ như chuyện “ăn thật”: Có những em học sinh không muốn ăn vì một lý do nào đó, cô giáo sẽ động viên em đó ăn hết suất. Nhưng, nếu em đó vẫn không thể ăn được thì tuyệt đối không phải giả vờ ăn. Giả vờ chưa bao giờ là một giải pháp. Rồi chuyện ngủ cũng thế. Học bán trú, học sinh vì một lý do nào đó không thể ngủ trưa thì cũng không phải giả vờ ngủ. Có thể xuống thư viện đọc sách cơ mà.

Rồi trên hành trình giáo dục, chúng tôi cho phép thầy và trò sai thật để sau đó là sửa thật. Chúng ta trưởng thành là nhờ nhận ra cái sai và sửa chữa nó. Trẻ em được phép sai. Không sai thì làm sao có trưởng thành.

Tóm lại, trong nhà trường và gia đình, chúng tôi khuyến khích và yêu cầu mọi người sống thật. Phải sống thật thì mới dạy thật, học thật được. Tức là chữ thật phải đi vào đời sống nhà trường và đời sống gia đình một cách tự nhiên, hằng ngày. Sống thật phải là một lẽ đương nhiên. Nó đương nhiên phải thế.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Chìa khoá của hạnh phúc nơi trường học

TS. Giáp Văn Dương cho rằng: Chìa khóa của những cái thật, của hạnh phúc chốn học đường nằm ở phương pháp giáo dục. Để làm được điều này, TS Dương đã phát triển phương pháp giáo dục đồng kiến tạo và đưa vào sử dụng trong gia đình, nhà trường.

Phương pháp giáo dục truyền thống có thể gói gọn trong 4 bước: Thầy giảng giải; Trò hiểu; Trò ghi nhớ; Thầy kiểm tra sự hiểu, sự nhớ đó bằng các bài thi. Thực chất đây là một quá trình nhồi nhét kiến thức, hướng đến học để thi. Thi xong là xong.

Phương pháp đồng kiến tạo chọn một cách tiếp cận khác, cho phép học sinh hay con em mình được tham gia vào quá trình tạo ra sự trưởng thành của chính mình. Vì sao vậy? Vì không ai có thể sống thay, trưởng thành thay người khác. Mỗi người phải sống cuộc đời mình và tạo ra sự trưởng thành cho chính mình.

Thầy cô, bố mẹ là người đi trước, có thể thực hiện vai trò dẫn dắt, hỗ trợ, gợi ý nhưng tuyệt đối không áp đặt. Tất cả những gì được tạo ra trong trí óc của học sinh phải là sản phẩm đồng kiến tạo của học sinh và thầy cô/bố mẹ, chứ không phải là một sự áp đặt từ trên xuống.

Nhờ đó, học sinh dần tạo ra tri thức, nhân sinh quan, thế giới quan của chính mình. Tức là tạo ra chính mình.

“Hạnh phúc lớn nhất của một người là được sống thật với chính mình. Con đường chắc chắn nhất để sống thật với chính mình là tạo ra chính mình. Vì lẽ đó, phương pháp này cho phép học sinh và cho phép con em mình được sống thật với chính mình trong từng giây từng phút. Vì thế, có được niềm vui trong việc đến trường mỗi ngày.

Còn nếu chúng ta nghĩ rằng sẽ giúp học sinh hạnh phúc bằng cách treo một khẩu hiệu “Trường học hạnh phúc” rất to, rồi hô hào tất cả phải cùng hạnh phúc theo một tiêu chí nào đó, thì có khi chính ở nơi đó hạnh phúc lại là ít nhất” – TS Giáp Văn Dương nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ