Xây trường học hạnh phúc: Chuẩn bị kỹ lưỡng từ ghế giảng đường

GD&TĐ - Xây dựng trường học hạnh phúc rất cần sự nỗ lực chuẩn bị của sinh viên sư phạm ngay khi còn trên ghế giảng đường.

Giờ thực tập sư phạm của SV Khoa Sư phạm, Trường ĐH Đồng Tháp.
Giờ thực tập sư phạm của SV Khoa Sư phạm, Trường ĐH Đồng Tháp.

Lan tỏa lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc

Là sinh viên sư phạm, chuẩn bị cho con đường tương lai phía trước, Huỳnh Hồng Phúc, ngành Sư phạm Toán (Trường ĐH Kiên Giang) rất quan tâm đến việc xây dựng trường học hạnh phúc và lớp học hạnh phúc.

Theo Hồng Phúc, ngoài việc học tập chuyên môn, sinh viên sư phạm còn phải rèn luyện nhiều kỹ năng để hướng tới xây dựng những lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc. “Trường học hạnh phúc” là trường học mà học sinh trong ngôi trường đó đều mong muốn đến trường mỗi ngày. Môi trường học tập thoải mái, vui vẻ, không áp lực để các em có tinh thần học tập tốt”, Hồng Phúc chia sẻ.

Huỳnh Hồng Phúc, SV Sư phạm Toán (Trường ĐH Kiên Giang).
Huỳnh Hồng Phúc, SV Sư phạm Toán (Trường ĐH Kiên Giang).

Để chuẩn bị cho những kế hoạch nghề nghiệp trong tương lai với vai trò là một giáo viên, Hồng Phúc cùng các bạn không ngừng học tập thật tốt các môn chuyên ngành, cơ sở ngành để có thể tự tin, chuyên nghiệp khi đứng giảng.

Đặc biệt Phúc chú ý rèn luyện thêm kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thấu hiểu tâm lý học sinh, tìm hiểu các tình huống sư phạm hay gặp phải và các cách xử lý để khi gặp có thể ứng xử nhanh chóng mà không hoảng loạn, mất bình tĩnh. Ngoài ra em còn học cách bao dung, luôn giữ tâm trạng tích cực để học sinh yêu mến hơn.

Ở góc độ sinh viên sư phạm, theo Hồng Phúc, tâm trạng của giáo viên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của một buổi học. Một buổi học căng thẳng, giáo viên luôn trách mắng học trò hay một buổi học ảm đạm, trầm lắng đều làm cho học sinh chán học, buồn bã. Vì vậy người giáo viên cần thay đổi để có thái độ sư phạm chuyên nghiệp, tâm trạng vui vẻ, tích cực để có thể lan tỏa đến học sinh và làm cho lớp học sôi nổi, năng động và chăm chỉ học tập hơn.

“Sự khéo léo và tài tình ở người giáo viên không phải là dùng uy nghiêm của mình giáo dục các em mà phải dùng kỹ năng sư phạm để hướng dẫn và tương tác với học sinh một cách khéo léo. Giáo viên cần hiểu rõ hơn về tâm lý của học sinh và có khả năng giải quyết tốt các tình huống sư phạm”, Hồng Phúc chia sẻ.

Theo Hồng Phúc, một trong những khó khăn lớn nhất của việc xây dựng lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc chính là chưa hiểu rõ bản chất và giá trị của trường học hạnh phúc mang lại.

Vì vậy, cần tăng cường công tác truyền thông giáo dục; lan tỏa những thành công của mô hình lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc; Chia sẻ kĩ năng truyền thông để xây dựng trường học hạnh phúc; Thầy cô truyền cảm hứng trong giờ học hạnh phúc để khẳng định ý nghĩa, giá trị nhân văn của mô hình này…

Cần tăng cường công tác truyền thông giáo dục; lan tỏa những thành công của mô hình lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc.
Cần tăng cường công tác truyền thông giáo dục; lan tỏa những thành công của mô hình lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc.

Bước chuẩn bị kỹ lưỡng

Bên cạnh học tập, rèn luyện các môn học chuyên ngành, sinh viên sư phạm còn được rèn luyện các kỹ năng để đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp trong tương lai. Theo đó, có những kỹ năng, kinh nghiệm được thầy cô truyền dạy; cũng có nhiều kỹ năng sinh viên phải tự học, tự rèn luyện và đúc kết.

Theo Hồng Phúc,  sinh viên sư phạm cần chú ý cập nhật những đổi mới liên quan đến ngành giáo dục, luôn trau dồi thêm các phương pháp dạy học, tìm hiểu kỹ các yêu cầu đổi mới. Từ đó tự phân tích, tự nghiên cứu và áp dụng để bản thân có những kiến thức, phương pháp dạy phù hợp nhất khi ra trường.

Để hạnh phúc với nghề, sinh viên sư phạm - những nhà giáo tương lai phải thay đổi chính mình, để sau khi tốt nghiệp, đứng lớp, mỗi giáo viên trẻ đóng vai trò là người truyền cảm hứng, là người bạn, là người đi trước, là người dẫn đường, là điểm tựa và niềm tin cho học sinh.

Từ nhu cầu thực tiễn, tự thân mỗi sinh viên sư phạm, mỗi giáo viên phải nỗ lực tự học, tự rèn luyện, tự đào tạo, hướng tới xây dựng đội ngũ giáo viên không chỉ đạt chuẩn về trình độ đào tạo mà còn có tư duy đổi mới, sáng tạo trong phương pháp dạy học, đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT 2018 theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

"Giáo viên trẻ mới ra trường sẽ khá bỡ ngỡ khi làm quen với môi trường mới. Tuy vậy, việc trang bị đủ kiến thức cùng các kỹ năng trong các môn học như Tâm lý học Sư phạm, Hoạt động giáo dục trong nhà trường phổ thông... sẽ giúp giáo viên trẻ thích ứng nhanh trong vai trò đứng lớp. Các môn học  này  sẽ  cung cấp, hướng dẫn các cách quản lý lớp học, công việc cần làm, khả năng nắm bắt  tâm sinh lý của học sinh để xử lý tốt nhất, là  hành trang vững chắc để giáo viên trẻ tự tin hơn", Hồng Phúc chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ