Trường học hạnh phúc – nơi thầy, cô là những “người bạn lớn”

GD&TĐ - “Xây dựng trường học hạnh phúc không phải là phong trào, mà phải xuất phát từ tâm. Và cái gì từ tâm mới bền vững” – đó là quan điểm của thầy Hoàng Văn Thông, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Điện Biên).

Trường học hạnh phúc - nơi thầy, cô là những "người bạn lớn" ở Điện Biên. Ảnh: NTCC.
Trường học hạnh phúc - nơi thầy, cô là những "người bạn lớn" ở Điện Biên. Ảnh: NTCC.

“Người bạn lớn” ở trường học

Thầy giáo Phạm Thanh Bình được nhiều học sinh gọi là "bố". Ảnh: Hải Yến.
Thầy giáo Phạm Thanh Bình được nhiều học sinh gọi là "bố". Ảnh: Hải Yến.

“Ai ở lớp gọi thầy Bình là bố, giơ tay!”. Những cánh tay nhao nhao giơ lên khi chúng tôi (phóng viên) đặt câu hỏi trong lần đầu tiên trò chuyện cùng 35 gương mặt của lớp 11P, Trường THPT Lương Thế Vinh. Đây là lớp thầy giáo Phạm Thanh Bình đang giảng dạy môn Hóa học.

“Đó là cách các em gọi vui, để thể hiện sự thân thiết với thầy. Nhưng tôi thấy mình là bạn của các em thì đúng hơn. Có nhiều chuyện, các em tâm sự là không nói chuyện được với bố mẹ, nhưng lại sẵn sàng chia sẻ với thầy” – thầy Bình bộc bạch.

Cho đến giờ, thầy Bình vẫn luôn nhắc đến cậu học trò đặc biệt Nguyễn Hải Đăng, được mình chủ nhiệm suốt 3 năm phổ thông (từ 2017 – 2020). Theo lời kể của thầy, thì khi mới vào trường (năm lớp 10), Đăng rất nhút nhát, ngại giao tiếp với mọi người. Đến độ phụ huynh phải tìm gặp riêng thầy để trao đổi, nhờ giúp.

“Sau rất nhiều lần tìm cách tâm sự, chia sẻ với em, rồi bạn bè, gia đình của em, tôi thấy Đăng rất thông minh và nhanh nhạy. Vấn đề em gặp phải là hạn chế trong giao tiếp và sống nội tâm. Vì thế, bước sang kỳ II, tôi đã động viên và đề nghị Đăng tham gia vào BCH Chi đoàn lớp, rồi giao nhiều nhiệm vụ trong các hoạt đông, tổ chức của đoàn, lớp...” – thầy Bình cho hay.

Những lần “va chạm”, đã giúp Đăng trở nên dạn dĩ. Bước sang năm học thứ 2, em trở thành Bí thư Chi đoàn lớp và là cán bộ đoàn năng nổ, tích cực, đặc biệt có nhiều sáng tạo trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật. Mới đây, em Đăng đã xuất sắc thi đỗ và chuẩn bị sang Trung Quốc du học. 

Với cô giáo Phan Lệ Hằng, thời gian dành cho học sinh một ngày còn nhiều hơn cho con con. Ảnh NVCC.
Với cô giáo Phan Lệ Hằng, thời gian dành cho học sinh một ngày còn nhiều hơn cho con con. Ảnh NVCC.

Không chỉ gói gọn trong những giờ lên lớp, với khối lượng kiến thức khô cứng, nhiệm vụ của cô giáo Phạm Lệ Hằng giờ đây còn nhiều hơn thế. Đó là lý do cô chia sẻ “Thời gian 1 ngày mình dành cho học sinh còn nhiều hơn con ở nhà”.

Bởi theo cô Hằng, để dạy tốt thì phải hiểu trò cần gì, muốn gì, tâm lý ra sao? Muốn vậy, không còn cách nào khách là phải tích cực tâm sự, sẻ chia với học sinh bằng nhiều kênh khác nhau. Nhất là thông qua các nền tảng đang thịnh hành của giới trẻ, như: Facebook, zalo…

Để có sự thấu hiểu, cô Hằng trở thành người bạn đồng hành với trò trong học tập, rèn luyện và cuộc sống. Cô gỡ bỏ khoảng cách, quan tâm, hỏi han, tâm sự với trò mỗi ngày. Rồi đặt bản thân vào chính hoàn cảnh của các em, để đưa ra những lời khuyên phù hợp. Từ những tin tưởng đó, không chỉ gắn kết tình cảm cô – trò, mà khiến học sinh tôn trọng cô hơn. 

Em Vũ Hải Kiệt, lớp 11P chia sẻ: “Điều khiến em cảm thấy hạnh phúc nhất là luôn có những “người bạn lớn” ở trường học, chính là thầy cô giáo. Trong các diễn đàn của lớp, chúng em được thoải mái chia sẻ suy nghĩ của mình và luôn được thầy cô tôn trọng. Những lời khuyên bổ ích từ thầy cô, không phải theo kiểu áp đặt, mà luôn có nhiều phương án khác nhau, kèm theo đó là những phân tích ưu, nhược điểm để bọn em tự lựa chọn”.

Môi trường lý tưởng

“Suy nghĩ tích cực, hành động thông minh và sống có trách nhiệm” (Positive thinking, Smart action và live Responsibly) – là những giá trị sống nhà trường hướng đến, và lấy chữ cái đầu tiên để đặt tên cho các khối lớp (10S, 11P, 12R). Ảnh: Hải Yến.
“Suy nghĩ tích cực, hành động thông minh và sống có trách nhiệm” (Positive thinking, Smart action và live Responsibly) – là những giá trị sống nhà trường hướng đến, và lấy chữ cái đầu tiên để đặt tên cho các khối lớp (10S, 11P, 12R). Ảnh: Hải Yến.

“Học sinh được ví như những mầm cây. Kiến thức và những giá trị sống đó được xem như dưỡng chất. Muốn cây hấp thụ được hết dưỡng chất, phát triển toàn diện, khỏe mạnh thì cần một môi trường thật tốt” – thầy Hoàng Văn Thông, Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh tâm sự.

Môi trường tốt mà thầy Thông nhắc tới chính là Trường học hạnh phúc. Với suy nghĩ “Hạnh phúc thì phải từ tâm và chỉ có từ tâm mới bền vững”, trước tiên thầy Thông đã cùng Ban giám hiệu nhà trường khuyến khích, tìm cách tạo dựng môi trường làm việc tốt nhất cho mỗi giáo viên.

“Chẳng có giáo viên nào hạnh phúc khi bị áp đặt, xếp sai vị trí, chuyên môn, sở trường… Tương tự, học sinh cũng vậy. Chính vì thế, đây là vấn đề đầu tiên nhà trường quan tâm” – thầy Thông nói.

Bên cạnh việc quan tâm đến học tập trên lớp của học sinh, những hoạt động trải nghiệm sáng tạo luôn thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh. Ảnh: NVCC.
Bên cạnh việc quan tâm đến học tập trên lớp của học sinh, những hoạt động trải nghiệm sáng tạo luôn thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh. Ảnh: NVCC.

“Giáo viên chúng tôi phải thực sự thay đổi, làm mới mình mỗi ngày, đặc biệt là thay đổi trong cách dạy và ứng xử với học trò. Thay vì giảng giải lý thuyết, các hoạt động giáo dục ngoại khóa, vận dụng thực tiễn… ngày 1 nhiều hơn, sáng tạo và đa dạng hơn. Làm sao tạo cho các em hứng thú trong mỗi giờ học, môn học” – thầy Bình chia sẻ.

Thế nhưng, đúng như thầy Thông tâm sự, dù là giáo viên hay học sinh thì chỉ hạnh phúc khi đến trường thôi chưa đủ. Bởi nếu gia đình, cuộc sống chưa thoải mái, thì khó lòng có được tâm trạng tốt để truyền đạt, hay tiếp cận kiến thức.

“Khi bản thân chưa hạnh phúc, thì làm sao mang lại hạnh phúc cho người khác? Đó là lý do nhà trường phát huy rất tích cực tổ tư vấn tâm lý để chủ động tiếp cận và giải quyết những vướng mắc ban đầu về tâm lý cho giáo viên, học sinh. Tôi muốn, mỗi thầy cô luôn sẵn sàng trở thành “người bạn lớn” của trò, là nơi kết nối, gắn kết giáo dục giữa gia đình và nhà trường” – thầy Thông nói.

THPT Lương Thế Vinh là ngôi trường 2 cấp (THCS, THPT) chất lượng cao đầu tiên và duy nhất ở Điện Biên. Trường hiện có 54 cán bộ, giáo viên, với gần 700 học sinh. Hàng năm, nhà trường duy trì tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng, đỗ tốt nghiệp và đỗ cao đẳng, đại học đạt 100%; trên 90% học sinh hạnh kiểm tốt và không có hạnh kiểm yếu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Ghi chép: Sự hy sinh thầm lặng

GD&TĐ - Từng cơn gió Thu mát lạnh, mỏng manh thổi nhẹ qua cánh cửa sổ, luồn vào lớp học im ắng, trầm lặng khác với vẻ nhộn nhịp sôi động của mọi ngày.

 Mbappe được HLV Ancelotti lên tiếng bênh vực.

HLV Ancelotti bênh vực Mbappe

GD&TĐ - HLV Carlo Ancelotti của Real Madrid đã lên tiếng bảo vệ Kylian Mbappe trước những tin đồn bất lợi.