Đi làm thi ở vùng khó nhất nước

GD&TĐ - Sáng 26/6, thực hiện nhiệm vụ làm công tác thi tại cụm thi số 2, tỉnh Hà Giang, hơn 200 cán bộ, giảng viên của Viện Đại học Mở Hà Nội do TS. Trương Tiến Tùng – Viện trưởng - chia ra làm 13 mũi xung kích đến với những huyện xa nhất, khó khăn nhất của Hà Giang. 

Đi làm thi ở vùng khó nhất nước

Đến thời điểm này, tất cả các đoàn, xa nhất là huyện Mèo Vạc đều tập kết tại điểm thi. Báo GD&ĐTD đã phỏng vấn nhanh TS. Trương Tiến Tùng – Viện trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng thi, kiêm Phó Trưởng ban coi thi cụm số 2.

Xin ông cho biết các cán bộ, giảng viên của Viện đã chuẩn bị tâm thế gì để đi làm thi ở vùng được coi là khó nhất nước?

TS. Trương tiến Tùng: Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức thi tại cụm thi số 2 ở Hà Giang, là tỉnh được coi là khó khăn nhất nước, chúng tôi xác định đây là tinh thần trách nhiệm, là sự chia sẻ với những khó khăn của người dân nơi đây. Tất cả với tinh thần là “đến với vùng cao, gánh nhận khó khăn, để học sinh được thuận lợi”.

Viện đã làm gì để phối hợp với Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang tổ chức kỳ tốt nghiệp THPT quốc gia cho an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, thưa ông?

TS. Trương Tiến Tùng: Tổng số thí sinh dự thi ở cụm số 2 này là 4.971 thí sinh, được chia ra thi ở 13 điểm thi trên toàn tỉnh, kể cả các huyện xa giao thông cách trở nhất.

Để tổ chức kỳ thi, chúng tôi đã thành lập Ban Chỉ đạo phối hợp tổ chức thi của Viện Đại học Mở Hà Nội. Đến thời điểm này, Ban Chỉ đạo phối hợp tổ chức thi đã phối hợp với tỉnh Hà Giang lên phương án tổ chức thi, bố trí các đoàn cán bộ, giảng viên coi thi, giám sát thi tại các điểm thi.

Chúng tôi cũng đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ coi thi cho các thành phần tham gia kỳ thi. Do Hà Giang có những điểm thi rất xa, đi lại cách trở nên chúng tôi cũng chuẩn bị rất kỹ về mặt phương tiện, đảm bảo việc vận chuyển đưa đón cán bộ, giảng viên coi thi, giám sát thi đến điểm thi phải tuyệt đối an toàn.

Cùng với đó là các điều kiện phục vụ công tác phối hợp tổ chức thi, đảm bảo để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Điểm thi trường THPT Bắc Mê
 Điểm thi trường THPT Bắc Mê

Đến thời điểm này, các cán bộ của Viện đều đã tập kết đến điểm thi và triển khai công tác tổ chức thi. Chắc đây là một cuộc “hành quân” khá là vất vả, nhưng đầy ý nghĩa đối với các thầy cô, thưa ông? 

TS. Trương Tiến Tùng: Xác định Hà Giang là địa bàn hết sức khó khăn, có những huyện đường đi rất xa và hiểm trở như Mèo Vạc, Đồng Văn, Hoàng Su Phì nên chúng tôi đã có sự chuẩn bị chu đáo, phối hợp chặt chẽ, đảm bảo việc tổ chức kỳ thi theo đúng Quy chế thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT.

Đoàn phải di chuyển xa nhất là đến huyện Mèo Vạc đã báo cáo về là đến nơi an toàn và đang triển khai công tác tổ chức thi.

Phải nói là với cung đường Hà Nội – Hà Giang đến các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, việc di chuyển không những xa mà còn vô cùng vất vả và nguy hiểm vì những cung đường, một bên là vực sâu, một bên là vách đá. Chính vì thế, việc xây dựng kế hoạch tổ chức thi ở những điểm này, chúng tôi phải chọn lựa những người phải đảm bảo yêu cầu sức khỏe tốt, không say xe, không có những bệnh nguy hiểm.

Đi lại vất vả như vậy, các thầy cô có được chế độ gì riêng không, Viện có phải phụ chi không, thưa ông?

TS. Trương Tiến Tùng: Việc chi công tác thì chúng tôi thực hiện theo các văn bản hướng dẫn định mức chi cho kỳ thi THPT quốc gia năm và các quy định hiện hành. Nhưng phải nói là để làm thi ở các huyện vùng cao của Hà Giang thì định mức chi là khiêm tốn.

Thế nên, hiểu và thông cảm với các thầy cô vất vả lên vùng cao, đi lại thì khó khăn, thời tiết thì nóng nực, nên trường cũng bù thêm vào khẩu phần ăn của các thầy cô để có thêm sức khỏe làm việc.

Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là: Làm giáo dục, hơn ai hết phải có sự đồng cảm và sẻ chia với những học trò của mình. Hơn nữa, đây lại là những thí sinh vùng cao, số đông là người dân tộc các em chịu nhiều thiệt thòi.

Chính vì vậy, tôi cũng chỉ đạo anh em là mình đến làm thi việc giữ nghiêm quy chế thi phải tuyệt đối tuân thủ. Nhưng ngoài giờ, thì bỏ cái áo giám thị đi, khi cần thiết sẵn sàng giúp đỡ thí sinh và gia đình các em, nhất là thời điểm sau các buổi thi.

Ví dụ như có em nào hỏi bài, nếu thấy cô biết thì giảng giải cho các em. Vì đây là địa bàn thí sinh phần lớn là người dân tộc H’Mông, điều kiện, hiểu biết của các em chắc chắn là không như học sinh Hà Nội được.

Xin cám ơn ông!

Đi làm thi ở vùng khó nhất nước ảnh 2 TS. Trương Tiến Tùng
TS. Trương Tiến Tùng: Điểm thi huyện Mèo Vạc vừa có báo cáo nhanh. Chiều tối nay (29/6), để đảm bảo có sự chuẩn bị kỹ nhóm công tác làm việc tại huyện Mèo Vạc đã bắt tay ngay vào việc rà soát hồ sơ cho dù đây là công việc của sáng ngày mai, Kết quả phát hiện có nhiều sự không khớp giữa danh sách thi, danh sách nộp bài, thẻ dự thi, bảng ảnh.

Giải thích từ điểm trưởng và các cán bộ trên phòng Khảo thí của Sở là do lỗi lúc cắt danh sách và đặc biệt là do quy trình mới trong việc dồn danh sách thi theo từng buổi dựa trên kết quả đăng ký của học sinh. Điều này khác năm ngoái, nếu học sinh không đăng ký thì tên vẫn có trong danh sách thi còn năm nay thì không.

Giải pháp đưa ra là xếp danh sách theo từng môn và từng buổi thi. Việc này sẽ mất rất nhiều thời gian sau mỗi buổi thi. Đối với điểm thi Mèo Vạc thì đây không phải là vấn đề vì các buổi chiều đều không có môn thi nhưng với các điểm thi 6-8 môn và phải thi cả ngày thì thời gian buổi trưa sẽ rất cập rập. Cần có hướng dẫn cụ thể ngay trong ngày mai để tránh lung túng khi triển khai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.