ĐHQG Hà Nội công bố lộ trình đổi mới tuyển sinh

GD&TĐ - GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo của ĐHQGHN cho biết, ĐHQGHN lựa chọn đổi mới tuyển sinh theo phương án về cơ bản theo hình thức tương tự như của Hoa Kỳ, có cân nhắc và điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh và các điều kiện đặc thù của Việt Nam.

ĐHQG Hà Nội công bố lộ trình đổi mới tuyển sinh

Hai bài thi đánh giá năng lực

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết, thí sinh phải làm bài thi chuẩn hoá đánh giá năng lực chung và bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt (tương tự như bài thi SAT1 và SAT 2 của Hoa Kỳ).

Đề thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung (tương tự như SAT1), là đề thi trắc nghiệm.

Bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung được xây dựng với cấu trúc đầy đủ 4 hợp phần là: Toán; Ngữ văn; KHTN; KHXH với tổng số có 180 câu trắc nghiệm khách quan. Thời gian làm bài 215 phút (trong 1 buổi).

 GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

Trọng số theo mức năng lực là 20% dễ; 60% trung bình và 20 khó. Nội dung các hợp phần bao phủ toàn diện 3 năm THPT, nhưng có trọng số theo nội dung ở lớp 12.

Hai hợp phần KHTN & KHXH bao phủ toàn diện nội dung lớp 11 và 12, với trọng tâm là lớp 12. Bài thi được chấm theo 4 đầu điểm riêng rẽ của 4 hợp phần.

Sau khi có kết quả bài thi đánh giá năng lực chung, vào ĐHQGHN các thí sinh còn phải thực hiện bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt (tương tự như SAT 2 của Hoa Kỳ) nhằm đánh giá năng lực và kiến thức để tuyển chọn thí sinh vào học các ngành nghề cụ thể ở bậc đại học.

Ví dụ những thí sinh thi vào khối các ngành KHTN-CN như Toán học, Cơ học, CNTT… có thể lựa chọn môn thi chuyên biệt là toán học;

Thí sinh chọn các ngành về hóa học, sinh học có thể thi môn chuyên biệt là hóa học; các em lựa chọn vào học KHXHNV có thể chọn môn thi là văn học,….

Các môn thi chuyên biệt này do Hội đồng Khoa học và Đào tạo của từng trường xem xét, quyết định cho từng ngành/nhóm ngành/lĩnh vực. Các ứng viên chỉ thi 1 bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt theo qui định.

Áp dụng đại trà từ năm 2016

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, lộ trình đổi mới tuyển sinh bậc đại học của ĐHQGHN hiện nay được Ban chỉ đạo thống nhất như sau:

Năm 2014, áp dụng bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực tuyển chọn các em vào hệ chất lượng cao, tài năng, các chương trình tiên tiến, nhiêm vụ chiến lược (chuẩn quốc tế) ở ĐHQGHN sau khi đã trúng tuyển kỳ thi 3 chung vào ĐHQGHN (và do vậy không áp dụng bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt). Việc làm bài thi sẽ được thực hiện trên máy tính.

Nếu bài thi đánh giá năng lực chung của ĐHQGHN được Bộ GD&ĐT công nhận, dùng để xét tốt nghiệp THPT trên toàn quốc, ĐHQGHN sẽ đẩy nhanh lộ trình đổi mới tuyển sinh theo lộ trình chung của Ngành.

Đồng thời sẽ có phương án để bổ sung nhiều câu hỏi nguồn, phối hợp với địa phương và các đơn vị khác để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho việc triển khai thi online bài thi đánh giá năng lực chung trên phạm vi toàn quốc.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

Năm 2015, áp dụng phương án tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực đối với các ngành đào tạo có chương trình đào tạo cử nhân tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế. Kỳ thi đánh giá năng lực chung và chuyên biệt sẽ được tổ chức trước kỳ thi tuyển sinh ĐH 3 chung.

Vì vậy, các ứng viên dự tuyển vào các chương trình này, sau khi dự thi các bài thi đánh giá năng lực, vẫn có cơ hội tham gia kỳ thi 3 chung để thử sức vào các ngành khác đào tạo hệ chuẩn trong ĐHQGHN hoặc các trường đại học khác tuyển sinh theo kỳ thi 3 chung của Bộ.

Năm 2016: Trên cơ sở những kinh nghiệm đã triển khai, áp dụng đại trà tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực cho tất cả các ngành đào tạo ĐH trước thời điểm kỳ thi tuyển sinh ĐH theo hình thức 3 chung của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, lộ trình trên sẽ được điều chỉnh phù hợp với những chủ trương và quyết sách về đổi mới của Bộ GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ