Dẹp nạn 'chạy' trường

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tuyển sinh đầu cấp năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết sẽ đề xuất thành phố thí điểm không phân tuyến khi tuyển sinh lớp 1, lớp 6.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Theo đó, ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp địa phương sẽ bố trí chỗ học cho học sinh lớp 1, lớp 6 dựa vào nơi cư trú thực tế của gia đình, không phân biệt hộ khẩu hay địa giới hành chính phường, xã.

Trước mắt, Sở GD&ĐT TPHCM xin thí điểm cách làm trên tại TP Thủ Đức, Quận 8 và quận Tân Bình. Việc bố trí chỗ học cho học sinh đầu cấp sẽ căn cứ trên hỗ trợ của hệ thống bản đồ GIS để xác định đoạn đường từ nhà đến trường, giúp trẻ được học trường gần với nơi mình ở nhất.

Thời gian qua, việc tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 ở TPHCM nói riêng và nhiều tỉnh, thành nói chung được thực hiện bằng hình thức phân tuyến dựa trên địa giới hành chính phường, xã. Cách làm này thuận lợi cho việc quản lý của các cơ quan chức năng nhưng cũng bộc lộ nhiều nhược điểm, gây bất lợi cho học sinh. Thực tế, nhiều em nơi cư trú sát bên trường học phường này, nhưng do hộ khẩu theo địa giới hành chính thuộc phường kia, nên phải đi học rất xa. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy cho sức khỏe của trẻ, làm ùn tắc thêm giao thông, nhất là ở đô thị lớn.

Đáng chú ý, việc phân tuyến tuyển sinh dựa vào địa giới hành chính đã phát sinh tình trạng chạy hộ khẩu, nhất là ở địa bàn có trường “điểm” tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM. Mặc dù, Bộ GD&ĐT ra văn bản nghiêm cấm chuyện “chạy” trường, “chạy” lớp, học trái tuyến, các sở GD&ĐT quyết tâm siết chặt việc tuyển học sinh trái tuyến ở các cấp học nhưng chuyện “chạy” trường vẫn âm thầm diễn ra. Nhiều bậc phụ huynh không ngại ngần bỏ khoản chi phí lớn để chạy hộ khẩu cho con về ở ghép trong nhà người thân, bạn bè nằm trong khu vực tuyển sinh của trường là đích nhắm.

Theo Luật Cư trú, kể từ 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức hết giá trị sử dụng. Việc quản lý cư trú của người dân tại địa bàn thực hiện theo hình thức số hóa trên Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mã định danh. Do đó, việc TPHCM thí điểm công tác tuyển sinh đầu cấp không phân tuyến, triển khai trên cơ sở cư trú thực tế của người dân, không yêu cầu hộ khẩu là hướng đi phù hợp, tích cực, được đông đảo người dân và cán bộ quản lý hoan nghênh. Cách làm này không chỉ đẩy mạnh chuyển đổi số trong tuyển sinh, mà còn góp phần xóa nạn chạy trường bằng hộ khẩu, bảo đảm mỗi học sinh dù thường trú hay tạm trú đều được học ở ngôi trường gần nhất.

Các quận ở TPHCM dự kiến thí điểm đang chỉ đạo phường phối hợp với lực lượng công an rà soát số học sinh trong độ tuổi vào học lớp đầu cấp trên địa bàn. Dữ liệu liên quan đến học sinh sẽ được cập nhật đầy đủ. Từ đó, phòng GD&ĐT sẽ tham mưu UBND quận để phân bố chỗ học cho học sinh, không phân biệt diện thường trú hay tạm trú.

Tuy vậy, bên cạnh mặt tích cực, việc tuyển sinh không theo phân tuyến địa giới hành chính dự kiến cũng phát sinh một số vấn đề cần giải quyết. Thay vì chạy hộ khẩu, có thể chạy nơi cư trú hay không? Trường hợp nào mới cư trú, cư trú thật hay ảo, trường hợp nào là “cư trú tập thể” và tính mốc thời gian cư trú thực tế bao lâu là hợp lý? Nếu trường hết chỗ học mà có nhiều học sinh ở cùng khoảng cách thì sử dụng tiêu chí phụ như thế nào?

Sau khi có kết quả phân bố trường học, nếu học sinh thay đổi nơi cư trú thì có cần làm lại hồ sơ nhập học hay không... là những vấn đề ngành Giáo dục và các địa phương cần tính toán. Có như thế mới bảo đảm chỗ học gần nhà cho học sinh một cách công bằng, khách quan, góp phần dẹp được nạn “chạy” trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.