Linh hoạt tuyển sinh đầu cấp để giảm áp lực

GD&TĐ - Những năm gần đây, áp lực tuyển sinh đầu cấp luôn là bài toán khó với TPHCM, khi sĩ số học sinh ngày một tăng, cơ sở vật chất chưa đủ đáp ứng. Để giải quyết vấn đề này, nhiều quận, huyện, TP đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo chỗ học cho học sinh, đồng thời nâng cao chất lượng dạy và học.

Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) đến trường.
Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) đến trường.

Nỗ lực khắc phục

Theo đại diện Sở GD&ĐT TPHCM, mỗi năm TP tăng khoảng 40.000 học sinh các lớp đầu cấp, chủ yếu ở quận, huyện như 12, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn và TP Thủ Đức… Những địa phương này có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số tăng cơ học cao, kéo theo sĩ số học sinh đầu cấp tăng theo.

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, cho biết: Năm học 2022 - 2023, quận Gò Vấp dự kiến huy động 6.386 trẻ 5 tuổi vào lớp lá, 8.682 em vào lớp 1 và 9.488 em vào lớp 6. Về phương thức tuyển sinh và điều kiện phân tuyến không có nhiều thay đổi so với các năm trước.

Tuy nhiên, cũng như mọi năm, công tác tuyển sinh đầu cấp năm nay vẫn gặp nhiều khó khăn, do số lượng học sinh tăng từ 3,66% đến 35,93% ở mỗi cấp học, dẫn đến thiếu 73 phòng học. Hiện, 2 phường chưa có trường tiểu học, 3 phường chưa có trường THCS, cộng thêm quy định các khối lớp 1, 2, 3 học 2 buổi/ngày đã tạo áp lực rất lớn cho các trường.

Để đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh, Phòng GD&ĐT Gò Vấp đã phối hợp với UBND 16 phường và Công an quận thực hiện rà soát, lập danh sách học sinh các lớp đầu cấp từ tháng 1/2022, từ đó xây dựng phương án phân tuyến cho phù hợp. Những em mới đến địa bàn tạm trú, quận ghi nhận và giới thiệu chỗ học. Bên cạnh đó, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường 16) đã được đầu tư xây mới 12 phòng học, góp phần giảm áp lực về trường lớp…

“Quận sẽ đảm bảo chỗ học cho 100% học sinh đáp ứng đủ các điều kiện tuyển sinh theo quy định. Sau khi kết thúc tuyển sinh, nếu trường công lập trên địa bàn còn chỗ học, Ban Tuyển sinh quận xem xét với trường hợp chưa có chỗ học”, ông Thanh cho hay.

Còn theo bà Lê Thị Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nhà Bè, năm học 2022 - 2023, huyện có khoảng 6.500 học sinh đầu cấp. Trong đó, trẻ mầm non 5 tuổi là 1.942, lớp 1 là 1.881 em và lớp 6 là 2.668 em. Hiện, huyện Nhà Bè vẫn duy trì 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Học kỳ II, năm học 2021 - 2022, địa phương vừa xây mới Trường Tiểu học Nguyễn Hồng Thế với 22 phòng học, góp phần giảm tải áp lực trước việc sĩ số học sinh tăng do di dân cơ học trong năm học mới này.

“Tuy nhiên, huyện Nhà Bè đang trong quá trình đô thị hóa nhanh nên tiếp tục thu hút nhiều lao động chuyển đến làm việc, sinh sống. Từ đó kéo theo số học sinh tại một số địa bàn tăng lên. Vì vậy, một số trường có số học sinh vượt sĩ số theo quy định, ít nhiều ảnh hưởng đến công tác giảng dạy, học tập của thầy và trò”, bà Oanh chia sẻ.

TPHCM đã tuyển sinh đầu cấp mầm non, lớp 1 và lớp 6 từ đầu tháng 7.

TPHCM đã tuyển sinh đầu cấp mầm non, lớp 1 và lớp 6 từ đầu tháng 7.

Linh hoạt các giải pháp

Để giảm quá tải về sĩ số học sinh đầu cấp tại TPHCM, các quận, huyện và TP Thủ Đức triển khai theo nhiều hình thức, đảm bảo chỗ học cho học sinh đồng thời nâng cao chất lượng dạy và học. Ngoài xây mới trường học, một số địa phương thực hiện học 1 buổi/ngày với học sinh khối lớp 4, 5 xuống để nhường chỗ cho khối lớp nhỏ hơn học 2 buổi.

Theo ông Nguyễn Thanh Hoàng, chuyên viên Phòng GD&ĐT quận Tân Phú, năm học 2022 - 2023 số trẻ vào lớp 1 trên toàn quận dự kiến khoảng 7.000, tăng nhiều so với năm học trước. Tuy nhiên, ở cấp THCS có hơn 6.900 học sinh vào lớp 6, cao hơn năm học trước gần 900 học sinh.

“Áp lực về trường lớp trên địa bàn quận tập trung chủ yếu ở cấp tiểu học. Nguyên nhân là do tỷ lệ dân nhập cư cao, số lượng trẻ tạm trú nhiều, trường, lớp còn hạn chế, trong khi đó phải ưu tiên cho học sinh các lớp 1, 2, 3 học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, dẫn đến tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở những khối lớp khác thấp”, ông Hoàng chia sẻ.

Tương tự, quận Bình Tân cũng gặp áp lực lớn về tuyển sinh đầu cấp do số học sinh tăng dần đều qua các năm. Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận, cho hay, năm học 2022 - 2023 địa phương dự kiến có khoảng 122.000 học sinh mầm non, tiểu học và THCS, tăng hơn 4.000 em so với năm trước. Trước những áp lực tuyển sinh khối lớp đầu cấp trên địa bàn, phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường xây dựng thời khóa biểu giảng dạy phù hợp điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sĩ số học sinh. Hiện có 48% trẻ khối 1, 2, 3 và 28% học sinh cấp THCS học 2 buổi/ngày, còn lại học 6, 7, 8 buổi/tuần.

“Quận Bình Tân luôn đảm bảo 100% trẻ đúng độ tuổi lớp 1 vào học nếu có đăng kí tạm trú trước tháng 3/2022. Số trẻ tạm trú sau thời điểm trên, tuỳ điều kiện từng phường có đủ chỗ sẽ tiếp nhận. Nếu học sinh phường này đông, không đủ chỗ học sẽ được phân qua phường khác, sao cho khoảng cách từ nhà đến trường gần nhất. Khó khăn hiện nay là sĩ số học sinh/lớp ở nhiều trường, khối lớp vẫn vượt chuẩn. Thực tế này đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của các trường trên địa bàn quận”, ông Tuyên chia sẻ.

Các quận, huyện và TP Thủ Đức (TPHCM) bắt đầu tuyển sinh bậc mầm non, tiểu học, THCS từ ngày 1/7. Riêng tuyển sinh lớp 1 công bố kết quả ngày 1/8. Các trường chỉ tuyển học sinh theo đúng tuyến cư trú, không nhận trẻ chưa đủ tuổi, đảm bảo tất cả học sinh lớp 1 được học hai buổi mỗi ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.