Đề xuất bộ tiêu chí xây dựng mô hình trường THPT tiên tiến

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thầy Nguyễn Quang Thi (Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng) chia sẻ ý kiến về việc xây dựng mô hình trường THPT tiên tiến.

Ảnh minh họa/NT.
Ảnh minh họa/NT.

Chúng ta biết rằng, chương trình cải cách năm 2018 là chú trọng dạy học theo định hướng phát triển năng lực của người học. Với quy định, học sinh học 7 môn bắt buộc và 5 môn tự chọn đối với học sinh bậc trung học phổ thông trong năm học 2022 - 2023.

Hiện nay có nhiều mô hình trường trung học phổ thông (THPT) như: Mô hình trường chuyên, mô hình trường năng khiếu và mô hình trường tiến tiến. Tôi rất tâm đắc mô hình trường THPT tiên tiến vì nó phù hợp với chương trình mới là dạy học theo định hướng phát triển năng lực và giúp học sinh hội nhập thế giới. Nếu mỗi địa phương xây dựng một bộ tiêu chí riêng thì dẫn đến lệch chuẩn. Theo tôi, nên có một bộ tiêu chí chung để áp dụng trên toàn quốc.

Thầy giáo Nguyễn Quang Thi (thứ 2 từ trái sang). Ảnh: NVCC.
Thầy giáo Nguyễn Quang Thi (thứ 2 từ trái sang). Ảnh: NVCC.

Là một giáo viên lâu năm trong nghề, rất tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục, tôi mạnh dạn đề xuất một bộ tiêu chí như sau.

Tiêu chí 1. Về Chất lượng đào tạo và điều kiển tuyển sinh:

Hàng năm, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 100%; học sinh đỗ vào các trường đại học đạt 100%, trong đó vào các trường tốp đầu là 65%; có học sinh giỏi các cấp cho tất cả các môn; kết quả học tập của học sinh khá giỏi trên 90% và không có học sinh yếu kém; học sinh sử dụng tiếng Anh thành thạo trên 70%. Kiểm tra và đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Học sinh muốn dự tuyển vào trường thì có kết quả học tập bậc trung học sơ sở phải từ 3 năm giỏi trở lên. Được thu học phí cao hơn trường phổ thông bình thường.

Tiêu chí 2. Về cơ sở vật chất: Phòng học đúng quy chuẩn, hiện đại, thoáng mát và đảm bảo học sinh học 2 buổi/ ngày. Sĩ số thấp và thiết bị dạy học đảm bảo để học sinh tự học. Sân trường khang trang sạch đẹp, độ phủ cây xanh hợp lý. Thư viện hiện đại giúp học sinh tra cứu tài liệu nhằm phục vụ cho việc học. Có đầy sân bóng đá, bóng rổ, có nhà đa năng để các em học sinh học bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông,...

Tiêu chí 3. Về đội ngũ giáo viên: Có chuyên môn sư phạm cao, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và vững vàng trong bồi dưỡng học sinh giỏi của nhà trường. Số giáo viên vượt chuẩn trên 75%; biết ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy một cách thành thạo. Có tinh thần đoàn kết, có lối sống trong sáng, giản dị, giao tiếp và ứng xử đúng mực với đồng nghiệp, biết thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau trong mọi công việc. Thực hiện nghiêm về quy chế chuyên môn, nội quy và quy định của đơn vị. Đảm bảo trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường. Tác phong nhanh nhẹn trong việc tư vấn và hỗ trợ học sinh.

Tiêu chí 4. Về cán bộ quản lý: Tâm huyết và am hiểu về giáo dục, có tư tưởng đổi mới trong quản trị nhà trường và có trình độ vượt chuẩn. Xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường và địa phương. Quản lý đánh giá giáo viên bằng các chuẩn mực. Phân công nhiệm vụ phù hợp với thế mạnh chuyên môn của từng giáo viên. Thường xuyên đối thoại với giáo viên để lắng nghe những ý kiến đóng nhằm phát triển nhà trường, đồng thời giải quyết những tâm tư vướng mắc để nhà trường ngày một tốt hơn.

Tiêu chí 5. Về các phong trào: Thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa như: Đố vui để học, hội khoẻ phù đổng, tham quan dã ngoại, hoạt động trải nghiệm sáng tạo giúp học sinh phát triển phẩm chất năng lực và rèn kỹ năng sống. Trường học luôn hình thành các câu lạc bộ để học sinh tham gia theo sở thích của mình như: Truyền thông, Âm nhạc, Tình nguyện, Thể thao, Nghệ thuật, Ngoại ngữ,... giúp các em phát triển toàn diện về mọi mặt đồng thời qua đó hình thành nhân cách và lối sống trong một cộng đồng.

Tiêu chí 6. Về chỉ số niềm tin: Trường thật sự là địa chỉ đỏ trong dạy và học. Học sinh và phụ huynh tin yêu về giáo dục học sinh chăm ngoan học giỏi. Được lãnh đạo địa phương gửi trọn niềm tin về một ngôi trường đoàn kết và có bề dày thành tích. Người dân biết đến mỗi giáo viên là tấm gương về tự học, sáng tạo và giúp đỡ lẫn nhau trong mọi công việc. Trường học không bao giờ có tệ nạn xã hội, không có học sinh vi phạm pháp luật và vi phạm an toàn giao thông.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Để đạt được các tiêu chí nói trên thì trường THPT tiên tiến cần xác định rõ vị trí từng thành viên trong nhà trường như sau:

Vị trí của hiệu trưởng: Chúng ta biết rằng, hiệu trưởng là thuyền trưởng của một chiếc tàu. Ngôi trường phát triển hay thất bại là do sự lãnh đạo sáng suốt của hiệu trưởng. Muốn vậy hiệu trưởng cần đảm bảo các yêu cầu sau:

Một là, xây dựng kế hoạch năm học và hướng phấn đấu của nhà trường trong tương lai. Phân công giáo viên đúng năng lực sở trường và mỗi giáo viên nên dạy chuyên sâu một môn. Phân chia lớp dựa trên tình hình cơ sở vật chất. Giám sát đôn đốc giáo viên trong việc dạy và học. Phối hợp với các tổ chuyên môn để tìm cách nâng cao chất lượng dạy và học.

Hai là, biết lắng nghe và tôn trọng những ý kiến đóng góp của giáo viên. Làm sao giáo viên xem trường như là nhà của mình thì họ mới an tâm công tác lâu dài. Xây dựng một ngôi trường thân thiện mà ở đó mọi người biết thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau. Coi niềm vui của giáo viên và học sinh chính là niềm vui của bản thân mình.

Ba là, sẵn sàng quyết đoán mọi công việc, dám làm dám chịu công việc của mình với cấp trên. Mạnh dạn phân quyền cho hiệu phó và tổ trưởng. Có kế hoạch cử giáo viên tham gia các lớp đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Trong tương lai một số môn khoa học tự nhiên có thể dạy bằng song ngữ.

Bốn là, không nên độc đoán trong mọi công việc, nghĩ gì ra là bắt giáo viên làm theo. Thường những người có năng lực thì kèm theo cá tính nên hiệu trưởng biết cách thuyết phục chứ không tìm cách trù dập. Cố gắng tìm cách cải thiện đời sống tinh thần và vật chất cho giáo viên qua các ngày lễ và tết.

Vị trí của phó hiệu trưởng: Rất quan trọng trong công việc chung của nhà trường đó là: Tham mưu và hiến kế nhằm giúp hiệu trưởng hoạch định đường lối phát triển của trường. Linh hoạt và sáng tạo trong phần quản lý của mình khi được hiệu trưởng phân quyền. Chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng về công việc của mình quản lý. Thay mặt hiệu trưởng quản lý lúc hiệu trưởng đi vắng.

Giáo viên đóng vai trò quan trọng khi xây dựng trường học tiên tiến. Ảnh minh họa/ INT.
Giáo viên đóng vai trò quan trọng khi xây dựng trường học tiên tiến. Ảnh minh họa/ INT.

Vị trí của tổ trưởng chuyên môn: Chúng ta biết rằng, mỗi tổ trưởng là cánh tay phải của Ban giám hiệu. Các tổ chuyên môn mạnh thì ngôi trường đó sẽ mạnh. Muốn vậy thì mỗi tổ trưởng cần đạt một số yêu cầu sau:

Một là, xây dựng kế hoạch của tổ rõ ràng dựa trên kế hoạch của nhà trường. Xác định trách nhiệm của mỗi thành viên trong tổ.

Hai là, sinh hoạt chuyên môn: Chỉ dành một vài phút đầu để thông báo công việc hành chính, thời gian còn lại phải tập trung cho chuyên môn như: Góp ý giờ dạy (nếu có), thảo luận nội dung những bài khó dạy, thống nhất nội dung dạy cho mỗi bài, thống nhất lượng bài tập cung cấp cho học sinh qua từng bài từng chương, bài dạy nào được ứng dụng công nghệ thông tin,…

Ba là, thảo luận ma trận đề kiểm tra theo định hướng phát triển năng lực, phân công giáo viên ra đề kiểm tra và chịu trách nhiệm trước tổ, trước ban giám hiện về đề ra của mình.

Vị trí của giáo viên bộ môn: Mỗi giáo viên tự khẳng định mình trước học sinh và lãnh đạo nhà trường. Muốn vậy giáo viên cần đảm bảo các yêu cầu sau:

Một là, luôn trau dồi chuyên môn nghiệp vụ. Là tấm gương về tự học và sáng tạo. Làm sao học sinh nhìn giáo viên như là thần tượng để phấn đấu trong học tập.

Hai là, toàn tâm toàn ý với công việc được giao. Xem trường là nhà để yên tâm công tác lâu dài, không được đứng núi này trông núi nọ. Mạnh dạn bày tỏ những ý kiến của mình với lãnh đạo, không được nhu nhược và làm theo một cách máy móc.

Ba là, xác định rõ đối tượng của lớp mình để lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp. Ra đề kiểm tra theo sự thống nhất của tổ chuyên môn.

Ảnh minh họa/ INT.
Ảnh minh họa/ INT.

Vị trí của giáo viên chủ nhiệm: Mỗi giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng trong việc quản lý học sinh trên mọi phương diện. Một lớp học là một thành viên trong nhà trường, có nhiều lớp tốt sẽ đưa phong trào nhà trường đi lên. Muốn vậy giáo viên chủ nhiệm cần đảm bảo các yêu cầu sau:

Một là, lên kế hoạch và hướng phấn đấu của lớp trong năm học như: Bao nhiêu học sinh khá giỏi, phấn đấu không có học sinh yếu kém. Trường học không có tệ nạn xã hội, không ai vi phạm pháp luật và vi phạm nội quy nhà trường.

Hai là, phải biết trình độ và tính cách mỗi học sinh để lựa chọn phương pháp giáo dục cho phù hợp. Dựa trên tiêu chí chung của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm đánh giá xếp loại học sinh công bằng và khách quan. Thường xuyên thăm hỏi tình hình học tập của lớp thông các giáo viên bộ môn để phối hợp quản lý học sinh.

Ba là, tổ chức lớp thành một lực lượng tự quản. Phân công học sinh khá giỏi kèm học sinh yếu kém. Dựa trên năng lực và sở thích để giáo viên chủ nhiệm tư vấn nghề nghiệp cho các em. Phối hợp với gia đình, ban giám hiệu nhà trường có biện pháp nhắc nhở động viên thông qua các buổi chào cờ, các đợt thi đua các buổi ngoại khóa hay họp phụ huynh.

Vị trí của Đoàn trường: Đây là phong trào bề nổi của nhà trường, để tạo không khí học tập Đoàn trường nên tổ chức các cuộc thi như: Vui để học, Luật An toàn giao thông, Tiếng hát và Hội Khỏe Phù Đổng,…Thành lập các câu lạc bộ để học sinh tham gia theo sở thích của mình như: Truyền thông, Âm nhạc, Tình nguyện, Thể thao, Nghệ thuật, Ngoại ngữ,...Mục đích giúp các em phát triển toàn diện về mọi mặt đồng thời qua đó hình thành nhân cách và lối sống trong một cộng đồng.

Vị trí của phụ huynh: Phụ huynh là hậu phương vững chắc của mỗi ngôi trường. Ở đâu phụ huynh quan tâm đến việc học của con em mình thì chất lượng giáo dục ở đó được cải thiện về mọi mặt. Phụ huynh luôn ủng hộ giáo viên chủ nhiệm để giáo dục học sinh thành con ngoan trò giỏi và hình thành kỹ năng sống.

Vị của công đoàn: Chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho mỗi giáo viên. Ở đâu công đoàn quan tâm thì ở đó đời sống của giáo viên được tốt hơn. Muốn vậy công đoàn cần đạt các yêu cầu sau:

Một là, Coi trọng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của giáo viên. Nắm vững tâm tư, nguyện vọng của giáo viên; quan tâm đến vấn đề tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, kiến thức pháp luật cho giáo viên. Phát huy vai trò của mình trong việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.

Ba là, thực sự là người đại diện của giáo viên, chủ động xây dựng mối quan hệ phối hợp với nhà trường nhằm thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ của mỗi bên. Thường xuyên thăm hỏi động viên tinh thân của giáo viên khi ốm đau. Hàng năm, tổ chức giao lưu với trường bạn về thể thao, văn nghệ và trao đổi chuyên môn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.