Cần phát huy mô hình trường học an toàn, thân thiện, hòa nhập cho nhóm học sinh yếu thế

GD&TĐ - Sáng 6/10, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì Tọa đàm “Giải pháp xây dựng mô hình trường học an toàn, thân thiện, hoà nhập cho nhóm học sinh yếu thế”.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì toạ đàm.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì toạ đàm.

Kinh nghiệm từ địa phương

Hà Nội có một số trường chuyên biệt như: Trường Tiểu học Bình Minh, Trường PTCS Xã Đàn, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu… Ngoài ra, Trường THPT Ba Vì có học sinh nhiễm HIV học tập hòa nhập. Theo chia sẻ của ông Kiều Cao Trinh, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Nội, đây là kết quả quá trình tuyên truyền, vận động để phụ huynh, học sinh trên địa bàn có con em đang học tập tại trường yên tâm, đồng cảm và sẻ chia với những học sinh không may bị nhiễm HIV.

Để xây dựng mô hình trường học an toàn, thân thiện, hoà nhập cho nhóm học sinh yếu thế, Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn, Hà Nội, có khoảng 60% học sinh khiếm thính (HSKT), chú trọng thiết kế kế hoạch hoạt động sao cho học sinh nhà trường nói chung và HSKT nói riêng được đảm bảo an toàn, đảm bảo sự thân thiện.

Vì HSKT khó khăn trong việc nghe nên nhà trường tuyệt đối không để hiện tượng đi xe đạp, xe máy hay ô tô vào sân trường, cổng trường. Các gốc cây ở khu vực trường đều xây bồn lớn bao quanh để tránh xe đi lại; cách âm khu vực lớp học.

Nhà trường giao cho tổ chức Đoàn Đội thiết kế các cuộc thi, các trò chơi phù hợp với hoạt động tập thể. Ở đó học sinh bình thường và HSKT cùng chơi, cùng thi vui vẻ.

Ông Nguyễn Văn Ngợi, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT Đồng Tháp, cho biết: Tỉnh đã tổ chức triển khai công tác xây dựng trường học an toàn, thân thiện, hòa nhập bằng nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, thiết thực như: Quy trình xử lí bạo lực học đường; Các bước xây dựng chương trình phòng ngừa và can thiệp học sinh yếu thế; Xây dựng góc học tập tại nhà....

"Với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”, Đồng Tháp đã xây dựng nhiều mô hình, nhiều phong trào nổi bật hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh. Trong đó, nhiều học sinh yếu thế do nhiều nguyên nhân khác nhau được chăm lo, được hỗ trợ và được tạo điều kiện về vật chất, tinh thần để các cháu đến trường vượt qua khó khăn, học tập tốt hơn", ông Ngợi bày tỏ.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì toạ đàm tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì toạ đàm tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.

Tăng cơ hội hoà nhập cho nhóm yếu thế

PGS. TS. Nguyễn Hồng Thuận, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học và Giáo dục học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nhận định việc tạo dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hoà nhập còn một số rào cản như điều kiện kinh tế xã hội, khác biệt văn hoá, khó khăn về phương tiện giao tiếp ngôn ngữ, thiếu cơ sở vật chất và học liệu…

Để tăng cơ hội hoà nhập cho nhóm yếu thế, trường học cần xây dựng môi trường giáo dục “trong lành” cả về tâm lý lẫn vật chất. Tại từng cơ sở giáo dục, mô hình “Phòng tư vấn tâm lý học đường” phải được tăng cường phát triển; đồng thời, thúc đẩy cấp chứng nhận trẻ khuyết tật và hỗ trợ các em tiếp cận dịch vụ bảo trợ xã hội.

Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, bà Lê Thị Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ Trẻ em, Tổ chức UNICEF Việt Nam, khuyến nghị các cơ quan bảo vệ trẻ em phối hợp với trường học duy trì mối quan hệ hợp tác và hoạt động chuyên môn để hỗ trợ, thực hiện các dịch vụ và thực hành bảo vệ trẻ em.

“Về phía nhà trường, phải xây dựng cơ chế hoạt động của nhóm bảo vệ trẻ em, các thành viên bao gồm nhân viên xã hội, cán bộ đầu mối bảo vệ trẻ em và hiệu trưởng nhà trường. Ngoài ra, xây dựng dịch vụ và thực hành công tác xã hội bảo vệ trẻ em và công tác xã hội học đường”, bà Loan chia sẻ.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp và kiến nghị, giải pháp của đại diện Sở GD&ĐT các địa phương, các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý giáo dục.

Thứ trưởng Minh nhấn mạnh việc xây dựng mô hình trường học an toàn, thân thiện, hoà nhập cho nhóm học sinh yếu thế là hướng đi đúng, trúng, góp phần thúc đẩy giáo dục toàn diện. Quá trình xây dựng mô hình này cần sự vào cuộc của các cấp uỷ, chính quyền địa phương, UBND các tỉnh và vai trò tham mưu của Sở GD&ĐT các địa phương.

Thời gian tới, các nhà trường cần quan tâm triển khai, phát huy mô hình trường học an toàn, thân thiện, hoà nhập cho nhóm học sinh yếu thế. Trong đó, hỗ trợ học liệu cho các nhóm yếu thế; quan tâm, trao đổi thường xuyên với phụ huynh, học sinh.

Thứ trưởng lưu ý tiếp tục đánh giá các nguy cơ, rào cản và giải pháp xoá bỏ rào cản để giúp các nhóm học sinh yếu thế hoà nhập trong trường học. Công tác xã hội và tư vấn tâm lý trường học phải được xây dựng bài bản và quan tâm sâu sát hơn nữa.

"Các cơ quan, trường học tăng cường giáo dục kĩ năng sống, giá trị sống cho học sinh để góp phần xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, không bạo lực trong trường học", thứ trưởng Ngô Thị Minh cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ