Lan tỏa mô hình trường học hạnh phúc

GD&TĐ - Lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của Unesco, mô hình Trường học hạnh phúc đã được triển khai và lan tỏa tại nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Học sinh Trường Tiểu học Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) hạnh phúc đến trường
Học sinh Trường Tiểu học Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) hạnh phúc đến trường

Mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui

Cô Trịnh Linh Chi- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Định Công (quận Hoàng Mai) chia sẻ: Từ nhiều năm nay, nhà trường đã, đang và luôn phấn đấu xây dựng trường học hạnh phúc bằng nhiều biện pháp khác nhau. Trường học hạnh phúc có thể hiểu là nơi không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh.

Trường học hạnh phúc là nơi thầy cô và học sinh vui sống trong sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau. Đồng thời, nơi đó cũng là mái nhà chung mà mỗi ngày giáo viên và học sinh đến trường đều nhận được một niềm hạnh phúc, là nơi thể hiện rõ truyền thống tôn sư trọng đạo và yêu thương học sinh như con em mình của người Việt Nam.

Từ nền tảng của phong trào xây dựng trường học thân thiện- học sinh tích cực, trường Tiểu học Định Công đã từng bước xây dựng “Trường học hạnh phúc” theo từng tiêu chí cụ thể như: Chú trọng đến môi trường sống xung quanh giáo viên và học sinh, luôn nỗ lực để tập thể nhà trường được hưởng một bầu không khí trong lành, môi trường sư phạm xanh – sạch – đẹp.

Nhà trường luôn duy trì đoàn kết nội bộ, quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên tạo nên môi trường làm việc thân thiện; mọi thành viên đều được tôn trọng. Hằng năm, nhà trường đều có chính sách tặng quà cho giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn, giảm học phí cho học sinh nghèo để con đường đến trường bớt một phần gánh nặng, thêm nhiều phần niềm vui.

Cùng với đó luôn động viên, khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, thường xuyên sử dụng phương pháp dạy học tương tác, gợi mở giúp học sinh chủ động tìm hiểu và chiếm lĩnh tri thức mới; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào tiết dạy; mạnh dạn áp dụng những phương pháp dạy học mới, lấy học sinh làm trung tâm để tiếp cận bài học. Các tiết hội giảng, chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học luôn được ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo sát sao và yêu cầu giáo viên nghiêm túc thực hiện.

Để nâng cao tay nghề cho giáo viên, nhiều năm nay, nhà trường luôn tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp học nghiệp vụ ứng xử sư phạm, tiến tới khắc phục hoàn toàn hiện tượng nhà giáo vi phạm đạo đức; biến những khó khăn, thách thức trong nghề thành những cơ hội để khẳng định phẩm chất, năng lực của bản thân trước phụ huynh, đồng nghiệp và học sinh. Do đó, trường Tiểu học Định Công luôn được phụ huynh tin tưởng, sĩ số nhà trường tăng nhanh qua từng năm học.

Cô Chi chia sẻ: Xây dựng trường học hạnh phúc là một chặng đường dài. Với tinh thần, thái độ nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trường Tiểu học Định Công sẽ tiếp tục vun đắp ngôi trường hạnh phúc của mình, để mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui.

Học sinh Trường tiểu học Định Công được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa
Học sinh Trường  tiểu học Định Công được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa

Đề cao sự chia sẻ yêu thương

Bà Tạ Thị Minh Tâm - Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cho biết: Mô hình "Trường học hạnh phúc" bắt đầu triển khai thí điểm ở nước ta vào tháng 4/2018 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục, trong đó có các trường học quận Hoàng Mai nhằm lan tỏa những giá trị yêu thương, an toàn và tôn trọng trong các nhà trường.

Năm học 2021-2022, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các nhà trường trên địa bàn quận vẫn quan tâm triển khai thực hiện. Để xây dựng thành công mô hình này, các nhà trường đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như đẩy mạnh tuyên truyền, đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp quản lý, phương pháp giáo dục, tăng cường giáo dục kỹ năng bên cạnh xây dựng nền tảng tri thức, tạo dựng môi trường ứng xử lành mạnh, đề cao sự chia sẻ yêu thương.

Để mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh cảm nhận được hạnh phúc khi đến trường rất cần sự thay đổi. Đó là thay đổi trong cách quản lý, quản trị trường học, điều hành lợp học, điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân.

Với mỗi cán bộ quản lý, thay cho việc kiểm soát, săm soi khuyết điểm của mỗi nhân viên, giáo viên  thì cần hỏi họ có khó khăn gì không, khó khăn như thế nào và cần gì để giúp đỡ. Với mỗi giáo viên, thay cho việc chỉ tập trung vào bài dạy thì hãy làm mọi cách để bản thân hạnh phúc để lan tỏa hạnh phúc đến cho học sinh trong mỗi giờ học, bài học.

Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn ngành GD&ĐT Việt Nam biểu dương ngành GD&ĐT quận Hoàng Mai đã mạnh dạn đi đầu, quyết liệt trong việc thực hiện chủ trương xây dựng trường học hạnh phúc. Các thầy cô của các nhà trường trên địa bàn quận đang làm rất tốt trong công cuộc xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”, mang lại nhiều cảm xúc cho nhiều cán bộ giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Để có được ngôi trường hạnh phúc người giáo viên cần phải có nhận thức, kỹ năng, để làm cho quá trình dạy và học không căng thẳng mang lại kết quả cao, trong đó quan trọng nhất là người hiệu trưởng. Hiệu trưởng phải là người thay đổi, là người thiết kế, tổ chức duy trì trường học hạnh phúc.

Bên cạnh đó, các thầy cô tổng phụ trách, chủ tịch công đoàn… cần nêu cao những phẩm chất cao quý vốn có đó là phẩm chất đạo đức, lòng yêu nghề, yêu trò, sự mẫu mực trong lối sống.  Các thầy cô luôn yêu thương học trò bằng cả trái tim và tấm lòng nhân ái của mình, lan tỏa cho các con niềm tin và tình yêu vào cuộc sống, vào tương lai bằng chính những ứng xử đầy tính nhân văn của mình.

Bà Trần Thị Thu Hà - Chủ tịch công đoàn ngành GD&ĐT Hà Nội cho hay, thời gian qua Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai đã chỉ đạo phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc” rất bài bản, chất lượng, hiệu quả. Từ đó chất lượng giáo dục của toàn quận đạt kết quả cao so với các quận huyện khác trên địa bàn thành phố.

Mô hình xây dựng trường học hạnh phúc của một số nhà trường trên địa bàn quận cần được tuyên truyền, nhân rộng. Ngoài những cách làm hay, thành công thì những khó khăn trong quá trình thực hiện cũng rất cần các thầy cô giáo mạnh dạn chia sẻ để các trường trên địa bàn thành phố học hỏi, rút kinh nghiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.