Bộ Y tế đề xuất điều trên tại dự thảo Thông tư bổ sung bệnh Covid-19 nghề nghiệp vào Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) và dự thảo Quyết định của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và giám định bệnh Covid-19 nghề nghiệp.
Dự thảo định nghĩa bệnh Covid-19 nghề nghiệp là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2. Yếu tố gây bệnh là có tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 trong môi trường lao động.
Dự thảo cũng nêu rõ các nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc gồm: Người lao động làm việc tại các cơ sở y tế; Người lao động làm việc phòng thí nghiệm SARS-CoV-2, lấy mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu;
Người lao động làm việc, phục vụ trong các bệnh viện điều trị người nhiễm Covid-19, khu cách ly tập trung, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ người nhiễm Covid-19 tại nhà.
Người lao động tham gia vận chuyển đường không, đường bộ phục vụ: người nhiễm Covid-19, khu vực cách ly, điều trị, thi hài người mất do Covid-19.
Người lao động tham gia khâm liệm, bảo quản, thiêu đốt, mai táng thi hài người mất do Covid-19.
Người lao động tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm SARS-CoV-2 gồm: Nhân viên hải quan ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh; Chiến sĩ, sĩ quan thuộc lực lượng quân đội; Chiến sĩ, sĩ quan thuộc lực lượng công an;
Người lao động làm các nghề/ công việc khác tham gia phòng chống dịch Covid-19.
Tiêu chí xác định là người lao động phải có bản sao hợp pháp, hợp lệ Giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án ghi nhận mắc bệnh Covid-19 hoặc kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật real-time RT-PCR hoặc xét nghiệm tương đương theo quy định của Bộ Y tế.
Đồng thời, người lao động phải có biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với SARS-CoV-2 hoặc văn bản cử đi tham gia phòng, chống dịch, phục vụ, hỗ trợ người nhiễm SARS-CoV-2 do lãnh đạo đơn vị ký xác nhận và đóng dấu.
Dự thảo cũng quy định cụ thể về chẩn đoán và giám định trường hợp bệnh Covid-19 nghề nghiệp.