Để người học là trung tâm của quá trình đào tạo

Để người học là trung tâm của quá trình đào tạo

(GD&TĐ) Chuyển từ đào tạo theo niên chế truyền thống sang hình thức đào tạo tín chỉ bắt đầu từ năm 2006 cho tất cả các trường ĐH, CĐ thành viên, ĐH Đà Nẵng đồng thời đã tiến hành đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, quy trình đào tạo, phương pháp đánh giá, đầu tư CSVC, đội ngũ GV... để phù hợp với triết lý “Tôn trọng người học, xem người học là trung tâm của quá trình đào tạo”. 

Thay đổi rõ rệt nhất, theo đánh giá của TS Nguyễn Hoàng Việt - Trưởng ban Đào tạo, ĐH Đà Nẵng là “tư duy, nhận thức về vai trò của 2 chủ thể “thầy” và “trò” trong quá trình đào tạo đã thay đổi theo hướng “người học là trung tâm”. Mọi hoạt động của nhà trường đều hướng về mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho người học. Nội dung quá trình học tập và giảng dạy được xác định bởi nhu cầu, mong muốn của người học”. 
Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị
Trong 5 năm triển khai đào tạo theo tín chỉ, các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng đã không ngừng điều chỉnh, xây dựng lại khung chương trình để: Kiến thức được cấu trúc thành dạng mô đun; Lượng hoá được toàn bộ khối lượng kiến thức của ngành đào tạo từ lý thuyết, bài tập, thí nghiệp, thực hành, thực tập cho đến đồ án môn học, tiểu luận và đồ án tốt nghiệp; có tính đến sự liên thông giữa các ngành, các cấp học trong ĐH Đà Nẵng và đặc biệt là tính tiên quyết, học trước hay song hành của các học phần; Giảm số lượng tín chỉ xuống gần với số lượng chuẩn 30 tín chỉ/năm kết hợp với việc thay đổi phương pháp giảng dạy của SV. Đảm bảo nguyên tắc “giảm khối lượng số tiết lên lớp nhưng không được giảm khối lượng kiến thức phải tích luỹ của SV và đảm bảo chất lượng đào tạo” đồng thời phải thoả mãn các điều kiện: “có đủ giáo trình và tài liệu tham khảo cho SV, giảng dạy theo phương pháp mới, có sự hỗ trợ của projector, overhead...”; Số lượng các tín chỉ tự chọn được bổ sung, cho phép SV có thể chọn cho mình các học phần thích hợp. 
Chính nhờ tính mềm dẻo, linh hoạt của hình thức đào tạo tín chỉ, ĐH Đà Nẵng đã có hàng trăm SV học chương trình 2 tại trường - chỉ riêng ĐH Kinh tế có gần 500 SV – và hàng chục SV học chương trình 2 tại trường thành viên khác (năm 2011 có 41 SV ĐH Bách khoa và 2 SV ĐH Sư phạm đăng ký học chương trình 2 tại ĐH Kinh tế). Ngoài ra, ĐH Đà Nẵng có 01 SV (thuộc ĐH Kinh tế) tốt nghiệp sớm 2 học kỳ với loại Khá; 337 SV – trong đó có 331 SV ĐH Kinh tế - tốt nghiệp sớm 1 HK, chiếm tỉ lệ 2,7% và hầu hết đạt loại khá, giỏi trở lên. Tỉ lệ SV tốt nghiệp khá, giỏi cũng tăng lên với 79,31% trong 5 năm đào tạo theo học chế tín chỉ. Điều này được giải thích là do cách đánh giá theo quá trình và tính linh hoạt của hệ thống tín chỉ. Theo đó, điểm học phần không phải là kết quả thi cuối kỳ mà là kết quả của nhiều thành phần điểm hợp lại. Hơn nữa, SV còn có thể học lại để cải thiện điểm. 
PGS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết: “Cùng với quá trình chuyển đổi phương thức đào tạo, các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng đã xây dựng hệ thống thông tin và phần mềm quản lý phù hợp với đặc thù của học chế tín chỉ”. Cùng với sự phát triển của phần mềm, hệ thống thông tin và hạ tầng mạng của ĐH Đà Nẵng cũng hoàn thiện theo; hiện đã đảm bảo cung cấp thông tin về quá trình đào tạo và hoạt động của nhà trường qua mạng, cung cấp thông tin SV, tổ chức đăng ký học.. đáp ứng được yêu cầu của đào tạo tín chỉ. 
Nguyên Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...