Để không còn những lời ru buồn

GD&TĐ - Là người dân tộc Thái, Hà Thị Khánh Linh, Vy Thị Nam Dung chứng kiến nhiều câu chuyện buồn từ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên quê hương mình. 

Để không còn những lời ru buồn

Hai em ấp ủ và thực hiện dự án nhằm chống lại tập tục này, thay đổi nhận thức, hành động từ chính mình, đến các bạn xung quanh và phụ huynh, người dân bản.

Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết

Buổi ngoại khóa Tìm hiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết lần đầu tiên được tổ chức tại Trường THCS Lục Dạ (huyện Con Cuông, Nghệ An). Không chỉ thu hút sự tham gia sôi nổi, hào hứng của học sinh, giáo viên nhà trường, hoạt động này còn có cả lãnh đạo chính quyền địa phương và đông đảo phụ huynh, bà con dân bản đến dự.

Đặc biệt, toàn bộ chương trình, nội dung của buổi ngoại khóa là do CLB phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết phụ trách.

“Các em học sinh là người lên ý tưởng, xây dựng kế hoạch, các phần thi và xin phép ý kiến nhà trường tổ chức buổi ngoại khóa. Ban giám hiệu nhà trường bất ngờ vì quá trình chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng cũng như ý nghĩa của hoạt động này, nên hoàn toàn đồng ý và giúp các em triển khai”, thầy Nguyễn Văn Hào - Hiệu trưởng Trường THCS Lục Dạ cho biết.

Học sinh của 4 khối trong toàn trường chia thành 3 đội thi. Với hình thức thi sân khấu hóa, các đội trải qua 3 phần thi là chào hỏi, hiểu biết và phần thi kiến thức. Nội dung nói về thực trạng, hệ lụy của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng như nhận thức, hành động của học sinh trong việc phòng, chống, giải quyết thực trạng này.

Học sinh Trường THCS Lục Dạ phần lớn là người Thái, ngoài ra còn một số em người Đan Lai. Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết là tập tục lâu đời của bà con nơi đây. Dù được nhà trường, các ban, ngành địa phương tích cực tuyên truyền, nhưng thực trạng này vẫn tiếp diễn. Trong đó, đối tượng chủ yếu lại chính là các em ở độ tuổi từ 13 - 14 tuổi, đang là học sinh.

“Bản thân chúng em đã chứng kiến nhiều chị em gái, bạn bè lấy chồng, lấy vợ sớm. Hầu hết sau đó đều nghỉ học, làm bố làm mẹ khi chưa có đủ kiến thức cần thiết để bảo đảm sức khỏe cho mình và cho con. Cuộc sống rất vất vả, khó khăn, các bạn cũng ngại, tránh không gặp gỡ lại bàn bè cũ” , hai bạn Hà Thị Khánh Linh, Vy Thị Nam Dung - Chủ nhiệm CLB chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết của Trường THCS Lục Dạ chia sẻ.

Hướng đến bạn bè

Hà Thị Khánh Linh cho biết: Tảo hôn và kết hôn cận huyết thống là vấn nạn vô cùng nghiêm trọng và gây hệ lụy khôn lường. Nhận thức được điều đó, chúng em mạnh dạn tiến hành nghiên cứu dự án với mục đích giúp các bạn học sinh THCS - đối tượng chính của nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống nhận thức sâu sắc được hậu quả của nó để từ đó có cái nhìn đúng đắn về tương lai của bản thân mình.

Để triển khai dự án này, hai cô bé đã lập phiếu điều tra tìm hiểu thực trạng ở ba Trường THCS là Lục Dạ, Yên Khê và Môn Sơn cùng với phu huynh của trường. Kết quả khảo sát cho thấy, người dân và nhiều phụ huynh vẫn quan niệm tảo hôn và hôn nhân cận huyết là bình thường.

Con trai, con gái 13 – 15 tuổi là độ tuổi đẹp để dựng vợ, gả chồng, nếu không sẽ bị cho là ế. Ngoài ra, việc con cô, con cậu hoặc họ hàng kết hôn trong quan niệm của dân bản để các con sẽ yêu thương nhau. Nhất là con gái sẽ không lo bị nhà chồng hắt hủi, đánh đập.

“Vì thế, dân bản không biết hoặc không cho rằng tảo hôn, hôn nhân cận huyết là vi phạm pháp luật, vi phạm chính sách DS/KHHGĐ”, em Vy Thị Nam Dung nói.

Để tăng tính thuyết phục cho hoạt động tuyên truyền cũng như dự án của mình, 2 em đã thống kê, tìm hiểu thực tế gia đình tảo hôn, hôn nhân cận huyết có cuộc sống vất vả thế nào, con cái sinh ra nhiều bé bị còi cọc, bệnh tật.

Như trường hợp Vi Thị L. sinh năm 1998 ở bản Xằng, Lục Dạ, lấy chồng từ khi 16 tuổi, 2 con của L. đều suy dinh dưỡng, đau ốm thường xuyên mà gia đình không có tiền cho con đi chữa bệnh. Hay em La Thị M. sinh năm 2003, nghỉ học từ năm lớp 9 để ở nhà lấy chồng, sinh con.

Hai bạn Hà Thị Khánh Linh, Vy Thị Nam Dung cũng cho biết: Chúng em chưa khẳng định được các trường hợp còi, ốm, khuyết tật có nguyên nhân từ tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Nhưng qua các con số và dẫn chứng để thấy đó là hiện tượng đang xảy ra, và muốn lên tiếng cảnh báo các bạn học sinh và người dân.

Ở trường, Linh và Dung cùng với các bạn sưu tầm các bài vè, ca dao tục ngữ về tảo hôn để truyền miệng vào giờ ra chơi. “Cảnh tỉnh học sinh THCS về những lời ru buồn cất lên từ vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” là thông điệp mà chúng em muốn nhắn nhủ tới các bạn học sinh.

Với hy vọng rằng sẽ không còn những bạn phải từ bỏ con đường học tập để bắt đầu một cuộc sống mà biết sẽ đầy gian nan và thử thách đến hết phần đời còn lại, sẽ không còn cảnh những bà mẹ trẻ con bế trên tay những em bé tật nguyền, lam lũ để bươn chải trong cuộc sống”, hai bạn bày tỏ.

“Học sinh của trường đã có nhận thức tương đối đầy đủ về Luật Hôn nhân gia đình, thấy được những hệ lụy của việc lấy chồng sớm, có ý thức hơn với việc học tập ở nhà trường. CLB phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết của các em vẫn đang hoạt động tốt. Nhiều em đăng ký tham gia và trở thành một tuyên truyền viên tại chính bản, làng nơi các em sinh sống”-  Thầy Nguyễn Văn Hào  - Hiệu trưởng  Trường THCS Lục Dạ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ