Để không ai bị bỏ lại phía sau

GD&TĐ - Nhờ sự quan tâm của Công đoàn ngành Giáo dục, nhiều thầy, cô giáo ở Thanh Hóa có hoàn cảnh éo le đã được hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần.

Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa chia khó với vùng cao.
Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa chia khó với vùng cao.

Sự quan tâm ấy đã giúp họ vượt qua khó khăn, để yên tâm cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho sự nghiệp “trồng người”.

Những “mái ấm công đoàn” lay động lòng người

Cô giáo Hà Thị Ban, dạy tại Trường Mầm non Tây Tiến (huyện Mường Lát, Thanh Hóa), là người có điều kiện kinh tế gia đình thuộc diện khó khăn. Gia đình cô Ban ở bản Phìa, xã Cổ Lũng, huyện vùng cao Bá Thước (Thanh Hóa). Do khoảng cách từ nhà tới nơi cô Ban công tác hơn 130 km, vì vậy cô phải ở lại Mường Lát để thuận tiện công tác dạy học.

Cách đây 18 năm (năm 2004), cô giáo Ban lên nhận công tác tại Trường Mầm non Mường Lý (sau đó tách ra thành Trường Mầm non Tây Tiến). Từ bấy đến nay, cô Ban “cắm bản” tại vùng đất xa xôi, khó khăn ấy để mang kiến thức của mình trao truyền cho những đứa trẻ.

Cô Ban tâm sự: “Tôi lên huyện Mường Lát dạy hợp đồng từ năm 2004. Đến năm 2011, mới được biên chế chính thức vào ngành. Thế nhưng, một năm sau đó (2012), chồng tôi không may mắc bệnh tim, phổi khiến sức khỏe ngày một suy yếu. Vì thế, anh ấy không làm được việc gì nặng, mà chỉ quanh quẩn ở nhà chăm lo con gà, con lợn.

Trong khi đồng lương của tôi không được bao nhiêu, nên để có điều kiện và thời gian chăm sóc anh ấy, tôi phải bàn với chồng cùng lên Mường Lý với nhau. Vậy là, vợ chồng gửi con lại cho ông bà nội, rồi lên bản Trung Thắng, nhờ bà con dựng cho một căn nhà nhỏ, để tôi dễ bề chăm sóc chồng những lúc trở bệnh”.

Từ khi anh Bùi Văn Thiên – chồng cô Ban bị bệnh, cô trở thành trụ cột trong gia đình, trong khi đó đồng lương giáo viên cũng chỉ phần nào giúp cô trang trải tiền thuốc thang, đóng học cho con. Do đó, căn nhà gia đình cô Ban sinh sống đã xuống cấp nhiều năm nay, mà không thể xây cất mới trong thời gian sớm nhất.

Nắm bắt được thông tin này, Công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Sở GD&ĐT Thanh Hóa cùng Công ty cổ phần Giáo dục UNISCHOOL hỗ trợ kinh phí xây nhà cho gia đình nữ giáo viên Hà Thị Ban, với số tiền 50 triệu đồng.

Công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT bàn giao nhà “mái ấm công đoàn” cho gia đình cô Hà Thị Ban, giáo viên Trường Mầm non Tây Tiến (Mường Lát, Thanh Hóa).

Công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT bàn giao nhà “mái ấm công đoàn” cho gia đình cô Hà Thị Ban, giáo viên Trường Mầm non Tây Tiến (Mường Lát, Thanh Hóa).

Cuối tháng 12 năm ngoái, lễ bàn giao nhà ở “Mái ấm Công đoàn” và trao quà cho cô giáo Hà Thị Ban được diễn ra trong không khí ấm cúng. Căn nhà mới được xây dựng khang trang tại thôn Phìa, xã Cổ Lũng với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng.

Bày tỏ với các đơn vị đã hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà ở cho mình, cô giáo Ban, xúc động nói: “Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đến sự quan tâm của cấp trên và nhà tài trợ, vì đã hỗ trợ tiền cho gia đình tôi. Từ nay, gia đình tôi đã có mái nhà kiên cố, khang trang để vợ chồng, con cái sinh sống và tôi yên tâm công tác”.

Cũng trong ngày hôm ấy, đại diện Công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT, Công đoàn ngành GD Thanh Hóa và Công ty cổ phần Giáo dục UNISCHOOL đã bàn giao nhà “Mái ấm Công đoàn”, trao quà cho thầy giáo Lê Thế Mạnh, ở huyện Đông Sơn.

Thầy Mạnh là giáo viên Trường THPT Nông Cống 2 (huyện Nông Cống). Hoàn cảnh gia đình cũng rất khó khăn, bố mẹ mất sớm, vợ không có thu nhập riêng.

Gia đình thầy Mạnh sống trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ được cha mẹ quá cố xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước. Do thời gian xây dựng đã quá lâu nên xuống cấp trầm trọng, tường nứt nẻ, vôi vữa bong tróc.

Biết được gia cảnh khó khăn của thầy Mạnh, Công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT phối hợp với đơn vị tài trợ hỗ trợ cho gia đình thầy 50 triệu đồng để chung tay xây dựng căn nhà mới.

Sau thời gian thi công, căn nhà của thầy Mạnh được hoàn thành. Ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp, diện tích hơn 100m2 được xây dựng trên nền đất cũ, với tổng kinh phí khoảng 500 triệu đồng.

Công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT và nhà tài trợ bàn giao nhà “mái ấm công đoàn” cho gia đình thầy Lê Thế Mạnh.

Công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT và nhà tài trợ bàn giao nhà “mái ấm công đoàn” cho gia đình thầy Lê Thế Mạnh.

Tại buổi lễ bàn giao, thầy Mạnh xúc động, chia sẻ: “Chỉ cách đây mấy tháng trước, tôi và gia đình còn phải sống trong căn nhà cấp 4, tường vôi cũ kỹ, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt và sức khỏe.

Bản thân tôi và gia đình không nghĩ rằng sẽ được ở trong ngôi nhà mới như hôm nay, nếu như không có chương trình “Mái ấm Công đoàn”. Thực sự đây là một chương trình rất ý nghĩa và thiết thực, giúp tôi có nhà ở khang trang, ổn định cuộc sống để yên tâm công tác”.

Thay mặt đơn vị tài trợ, bà Đỗ Thu Trang - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giáo dục UNISCHOOL, chia sẻ: “Khi được chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn của các thầy, cô giáo như: Cô Hà Thị Ban, thầy Lê Thế Mạnh, chúng tôi mới cảm nhận được nghị lực vượt khó của họ. Dù cuộc sống đang rất nhiều trở ngại, nhưng các thầy, cô giáo ấy đã nỗ lực vượt lên tất cả để bám trường, bám lớp “gieo chữ” cho học trò”.

Bà Trang cho rằng, cô Hà Thị Ban là người phụ nữ có nghị lực rất kiên cường. Nơi cô giáo công tác là vùng núi cao, xa xôi, hẻo lánh và đầy rẫy những khó khăn. Trong khi chồng bị bệnh tật, nên cô trở thành trụ cột của gia đình và cô đã vượt qua tất cả để mang tri thức đến cho học sinh vùng khó khăn nhất tỉnh Thanh Hóa hiện nay.

“Chúng tôi mong muốn tiếp tục phối hợp với Công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT, Công đoàn ngành GD Thanh Hóa để được đồng hành, giúp đỡ những thầy, cô giáo, học sinh gặp khó vươn lên, ổn định cuộc sống, hoàn thành tốt công tác dạy và học”, bà Trang bộc bạch.

Đồng hành cùng giáo viên và học sinh nghèo

“Chương trình “Mái ấm Công đoàn” là hoạt động đầy ý nghĩa, mang đậm tính nhân văn, làm lay động lòng người và đã thể hiện sự quan tâm, chăm lo thiết thực của các cấp công đoàn ngành Giáo dục đến đoàn viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Hoạt động này còn giúp các thầy, cô giáo có thêm động lực phấn đấu vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, ông Trần Văn Bình - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa tâm sự.

Ông Trần Văn Bình - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa, cho biết:

Những năm qua, Công đoàn ngành GD Thanh Hóa đã nỗ lực trong công tác chăm lo đời sống cho giáo viên, người lao động; triển khai chương trình “chia khó” với vùng sâu, xa, những nơi đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, hỗ trợ nhiều trường THPT khu vực miền núi sửa chữa nhà công vụ giáo viên, làm mới công trình nước sạch với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, Công đoàn ngành GD Thanh Hóa còn hỗ trợ làm nhà mới cho 5 giáo viên, với số tiền 250 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của Liên đoàn Lao động tỉnh và Công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT.

Cũng theo Chủ tịch CĐ ngành giáo dục Thanh Hóa, không chỉ quan tâm đến các hoạt động chăm lo đời sống, hỗ trợ đoàn viên gặp khó khăn về nhà ở, đơn vị còn thường xuyên tổ chức nhiều chương trình, như: “Tết sum vầy - Xuân bình an” để trao quà Tết đến những đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, Công đoàn ngành GD Thanh Hóa phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia “chia khó”, với đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa chia khó với Trường THPT Thạch Thành 4.

Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa chia khó với Trường THPT Thạch Thành 4.

“Chỉ tính riêng Tết 2022, Công đoàn ngành GD Thanh Hóa chỉ đạo, phối hợp với các công đoàn cơ sở trực thuộc xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình “Tết sum vầy - Xuân bình an” năm 2022 và trao gần 1.400 suất quà cho cán bộ, nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị 930 triệu đồng.

Ngoài ra, các cấp Công đoàn trong ngành làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, để chăm lo tốt hơn cho cán bộ, nhà giáo, người lao động trong ngành. Tổ chức thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ từ quỹ “Xã hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam” cho 5 nhà giáo bị bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn tại Trường THPT Tĩnh Gia 2, THPT Hậu Lộc 1, Cơ quan Sở và Trường Mầm non Tây Tiến, Mường Lát.

Cùng với đó, các Công đoàn cơ sở luôn phối hợp với chuyên môn xây dựng, quản lý quỹ phúc lợi, tặng quà cho đoàn viên vào dịp 20/11 và Tết Dương lịch”, ông Bình nói.

Đặc biệt, trong 2 năm (2020 - 2021) đại dịch Covid-19 đã khiến đời sống vật chất, tinh thần của người dân, trong đó ngành GD cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Theo đó, Công đoàn ngành GD Thanh Hóa phối hợp với Sở GD&ĐT hưởng ứng, thực hiện chương trình “Máy tính cho em” năm học 2021 - 2022, với tổng giá trị tiền và hiện vật ủng hộ ước đạt hơn 8 tỷ đồng, trong đó, ủng hộ bằng tiền mặt là 6,1 tỷ đồng.

“Kết thúc giai đoạn 1, ngành GD Thanh Hóa đã trao 6.598 máy tính cho học sinh nghèo. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ 4.067 máy tính, tương ứng số tiền là 10,167 tỷ đồng; các đơn vị trong ngành ủng hộ 2.531 máy tính tương ứng số tiền là 6,327 tỷ đồng...

Cùng với đó, chương trình “chia khó” năm 2022 của Công đoàn ngành GD Thanh Hóa với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Trong đó, chia khó nội bộ hơn 600 triệu đồng; các trường học, đơn vị trực thuộc miền xuôi hỗ trợ cho 6 trường THPT miền núi sửa chữa nhà công vụ giáo viên, xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó với số tiền gần 500 triệu đồng”, ông Bình cho hay.

Có thể nói, hoạt động của Công đoàn cơ quan Bộ và Công đoàn ngành GD Thanh Hóa trong những năm qua là rất hiệu quả và vô cùng ý nghĩa. Nhiều đoàn viên trong ngành đã được hỗ trợ kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần...

Ông Lê Minh Đức - Phó Chủ tịch Công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2021 mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng Công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, đẩy mạnh các hoạt động tình nghĩa để hỗ trợ đoàn viên khó khăn, trong đó có chương trình “Mái ấm Công đoàn”.

“Từ năm 2020 đến nay, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh, song Công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT vẫn quyết tâm duy trì chương trình này. Mặc dù, số tiền hỗ trợ tuy không nhiều, nhưng điều quan trọng đó là thể hiện sự tri ân đối với các thầy, cô có hoàn cảnh khó khăn. Với mong muốn cùng chung tay, để giúp nhau nỗ lực vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ”, ông Lê Minh Đức nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.