Thế nhưng, họ vẫn yêu nghề, mến trẻ, quyết tâm bám bản, bám trường để gieo chữ. Chương trình xây dựng “Mái ấm Công đoàn” đã và đang được triển khai góp phần không nhỏ trong việc tạo động lực giúp giáo viên vượt khó đi lên…
Nối dài ước mơ
Xem lại những dòng chữ do chính tay cô T.T.T., GV Trường Tiểu học Mường Báng, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa nắn nót viết vào lá đơn xin hỗ trợ kinh phí làm nhà, chẳng ai cầm được nước mắt. Lá đơn được gửi lên Công đoàn nhà trường và Công đoàn các cấp những mong sẽ có được sự chung tay chia sẻ, giúp cô nối dài thêm ước mơ đứng trên bục giảng để dạy trò.
Học sư phạm, ra trường, cô T. nhận công tác tại huyện Tủa Chùa từ năm 2002. Đến giữa năm 2013, khi cô viết đơn gửi đi cũng là hơn 10 năm công tác. Ngần ấy thời gian, cả gia đình có 4 người chỉ trông vào đồng lương GV ít ỏi của cô. Chồng cô ốm đau triền miên lại không có việc làm ổn định, hai đứa con còn nhỏ dại. Mỗi tháng lĩnh lương về, chắt bóp lắm mới đủ trang trải cuộc sống gia đình.
Trong đơn cô viết: “Điều kiện kinh tế như vậy nên trong những năm qua, gia đình tôi chỉ dựng được ngôi nhà gỗ tạm bợ để ở. Đến nay, trải qua bao mưa nắng, mái nhà tạm của gia đình đã xuống cấp trầm trọng. Mặc dù khó khăn nhưng tôi luôn tự khắc phục để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tôi làm đơn này kính mong Công đoàn các cấp xét duyệt nguyện vọng và giúp đỡ cho gia đình tôi một phần kinh phí, có thể làm được một mái nhà khang trang hơn để bảo đảm cuộc sống và yên tâm công tác”.
Trường hợp của cô T.M.H ở Trường THCS Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng cũng vậy. Hơn 15 năm gắn bó với nghề giáo, là ngần ấy năm cô T.M.H dành dụm bằng đồng lương ít ỏi của mình để phụng dưỡng bố mẹ đã già yếu, nay lại thêm bệnh tật.
Với 6,5 triệu đồng mỗi tháng, cô T.M.H chi phí thuốc thang cho bố mẹ cũng chẳng đủ chứ nói gì đến trang trải sinh hoạt gia đình. Cả bố và mẹ cô đều bị tai biến mạch máu não nhiều năm nay. Gần đây, bệnh mẹ cô trở nặng, bị liệt nửa người, cô H phải thuê người túc trực, chăm sóc phục vụ tại chỗ. Bố cô cũng vậy, tuy ông khỏe hơn bà, song cũng chẳng thể tự chăm sóc cho bản thân.
Ngoài tai biến, cả hai ông bà lại mang thêm nhiều bệnh hiểm nghèo khác, nên có những thời điểm, cả hai nằm viện liên tục từ 9 - 10 tháng/năm. Vì thế, căn nhà gỗ ọp ẹp, dột nát làm chỗ che mưa, nắng cho cả 3 thành viên của gia đình dù muốn sửa chữa cũng không thể vì không có kinh phí. Cũng trong năm 2013, cô H làm đơn xin được hỗ trợ kinh phí sửa nhà qua tổ chức công đoàn.
Nguồn động viên kịp thời
Thấu hiểu hoàn cảnh của người lao động nói chung và lao động ngành GD-ĐT của tỉnh Điện Biên, theo ông Lê Thanh Hà - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Điện Biên, Liên đoàn Lao động tỉnh đã đề xuất nhiều giải pháp phù hợp để dành sự quan tâm kịp thời đến người lao động.
“Hằng năm, các huyện, phòng đều định kỳ tổ chức xét duyệt hồ sơ hỗ trợ theo chương trình “Mái ấm Công đoàn”. Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất và đã thực hiện 1 lần/1 quý. Vì gia cảnh khó khăn, nếu mình làm thường xuyên, liên tục thì GV đỡ phải chờ đợi thêm 3 - 4 tháng nữa. Thầy cô có éo le, khó khăn mới cần mái ấm để yên tâm công tác thì chúng ta phải làm cho kịp thời”, ông Lê Thanh Hà chia sẻ.
“Qua thực tế, tôi thấy còn không ít thầy cô có khó khăn. Nhiều GV cần căn nhà để ở. Song không phải trường hợp nào cũng hỗ trợ được vì theo quy định, đối tượng thụ hưởng phải có đất để dựng nhà”, ông Lê Thanh Hà thở dài vẻ tiếc nuối.
Thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Điện Biên, trong 5 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 57 cán bộ GV được thụ hưởng chương trình “Mái ấm Công đoàn”. Tổng số kinh phí hỗ trợ lên tới hơn 1,7 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ xây dựng nhà mới 54 căn và hỗ trợ sửa chữa 3 căn.
Trường hợp của cô T.T.T. ở huyện Tủa Chùa, cô T.M.H ở huyện Mường Ảng và hàng chục GV có đơn xin xét duyệt vào năm 2013 đều đã được đáp ứng. Với mỗi căn nhà xây mới, tổ chức Công đoàn sẽ hỗ trợ 30 triệu đồng/1 căn và sửa chữa, nâng cấp nhà ở được hỗ trợ 15 triệu đồng/1 căn. Tuy số tiền hỗ trợ không lớn, song đó lại là tình cảm, trách nhiệm và sự sẻ chia đối với những trường hợp không may gặp khó khăn.
“Với số tiền đó, tôi cho rằng không đủ để các hộ sửa chữa, xây mới nhà ở vì thực tế giá nguyên vật liệu, nhân công rất cao. Thế nhưng, đó lại là nguồn động lực rất lớn để chia sẻ khó khăn trước mắt với các thầy cô, giúp thầy cô yên tâm bám bản, bám trường”, ông Lê Thanh Hà chia sẻ.
Đã gần 7 năm nay, cô T.T.T. được ở trong căn nhà mới “Mái ấm Công đoàn”. Cô yên tâm lên lớp dạy chữ, không quá lo lắng về chuyện nhà dột như ngày trước. Cuộc sống vẫn còn đầy rẫy khó khăn, song bản thân cô T.T.T. vẫn luôn yêu nghề, mến trẻ bởi xung quanh cô còn đầy rẫy những “tấm lòng vàng” luôn an ủi, sẻ chia.