Để khởi nghiệp không chỉ là phong trào

GD&TĐ - Hai năm trở lại đây, ở nhiều trường ĐH, CĐ, khởi nghiệp đã trở thành một môn học chính khóa chứ không chỉ dừng lại ở các hoạt động ngoại khóa. 

10 đội vào vòng chung kết cuộc thi Đà Nẵng Startup Runway 2017 do trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng phối hợp với Học viện Cork (Ai-len) tổ chức.
10 đội vào vòng chung kết cuộc thi Đà Nẵng Startup Runway 2017 do trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng phối hợp với Học viện Cork (Ai-len) tổ chức.

Các cuộc thi khởi nghiệp nối tiếp nhau ra đời, ngoài là một sân chơi cho SV, còn là cách để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong môi trường ĐH, CĐ. Thế nhưng, có một thực tế là rất ít dự án trở thành một “startup” thực sự, được đưa ra thị trường và được người dùng thừa nhận.

Mới chỉ dừng lại ở ý tưởng

Dự án “Nôi TOB” – nôi đa năng dành cho trẻ em là một trong những dự án khởi nghiệp đầu tiên được Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) ươm tạo và là một trong hai dự án của chương trình “100 hạt giống doanh nhân Đà Nẵng”. Sau 3 năm kể từ ngày hình thành ý tưởng đầu tiên, chỉ đơn giản là chiếc nôi xốp cho đến sản phẩm cuối cùng là chiếc nôi đa năng tích hợp xe lắc, xe đẩy, máy phát nhạc, đọc truyện… đến nay,

Nôi TOB được xem là dự án hiếm hoi còn mạnh mẽ phát triển và hướng đến việc đưa sản phẩm ra thị trường. Đặng Gia Huy, trưởng nhóm của dự án cho biết: hiện Nôi TOB đã nhận được khoảng 30 đơn đặt hàng và đã chuyển vào TP Hồ Chí Minh để tiếp tục phát triển.

Nói Nôi TOB là “hạt mầm” hiếm hoi của các dự án khởi nghiệp tiếp tục được phát triển là bởi hầu hết các dự án khởi nghiệp chỉ mới dừng lại ở ý tưởng tham dự ở các cuộc thi khởi nghiệp. Như SV trường ĐH Duy Tân, rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp đoạt giải cao trong các cuộc thi cấp thành phố, quốc gia và quốc tế như Hệ thống pha coocktail tự động, tủ bán lẻ bao cao su tự động, cân thông minh dành cho trường mẫu giáo, kính thông minh dành cho người khiếm thị rồi thôi…

Ý tưởng “Nông nghiệp sạch và xây dựng chuỗi cung ứng nông sản” đến từ trường ĐH Kinh tế, ĐH Sư phạm và ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) khi đưa ra thị trường cũng lay lắt bởi rất khó cạnh tranh với hệ thống các siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch vốn đã có uy tín từ trước đó.

Nhận xét về các dự án khởi nghiệp của SV, ông Nguyễn Kim Giang – Phó GĐ Trung tâm khởi nghiệp, trường ĐH Duy Tân cho rằng, một trong những hạn chế của phong trào khởi nghiệp trong SV thời gian qua là chưa có một dự án nào trở thành một “startup” thực sự, được đưa ra thị trường và được người dùng thừa nhận; hiếm có không gian chuyên biệt cho các hoạt động trao đổi và phát triển ý tưởng, dự án.

Giải thích về việc các ý tưởng không được hiện thực hóa và SV chưa có diễn đàn chung là bài toán lớn của khởi nghiệp tại các trường ĐH, CĐ toàn quốc, ông Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng nhận định: “Đến nay, cả nước vẫn chưa có chính sách cụ thể về việc triển khai khởi nghiệp trong SV, trong khi đó, các trường vẫn phải mang nhiệm vụ chính là giảng dạy, đào tạo theo đúng chuyên môn, khiến việc khởi nghiệp dễ bị xem là phong trào.

Cần liên kết để tạo ra sản phẩm có giá trị

Bộ GD&ĐT đang trong quá trình soạn thảo Đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp Giai đoạn 2017-2020 trong đó có nhấn mạnh đề việc trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên các trường ĐH, CĐ. Theo TS Nguyễn Thị Mỹ Hương – Phó Giám đốc phụ trách Viện nghiên cứu & đào tạo Việt – Anh, ĐH Đà Nẵng thì các trường ĐH, CĐ nên tập trung vào hai nhiệm vụ chính là tạo tinh thần khởi nghiệp bằng các cuộc thi, tọa đàm cho SV, đồng thời đưa môn học khởi sự doanh nghiệp vào chương trình đào tạo cho SV mọi ngành.

TS Nguyễn Thị Mỹ Hương lý giải: “Mục tiêu của đào tạo khởi nghiệp là nhằm trang bị cho người học tinh thần khởi nghiệp, nghĩa là một người luôn khao khát tạo ra giá trị cho xã hội thông qua đổi mới, sáng tạo. Ngoài ra, người có tinh thần khởi nghiệp có tính kiên trì để đạt được thành công và đặc biệt là dám chấp nhận rủi ro. Chính vì vậy mà chương trình đào tạo khởi nghiệp không chỉ quan trọng đối với sinh viên khối ngành kinh doanh mà còn với tất cả các ngành đào tạo”.

Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều chuyên gia khởi nghiệp, hiện việc đưa khởi nghiệp vào trường ĐH, CĐ ở Đà Nẵng mới chỉ bắt đầu khởi động, chưa có chiến lược và hệ thống. “Trong khi đó, khởi nghiệp đòi hỏi phải liên tục, phải có sự hỗ trợ về tài chính và hạ tầng của các tổ chức trong nhà trường về khởi nghiệp. Ngoài ra, cũng cần thiết phải đưa chương trình ươm tạo về các trường ĐH, CĐ. Điều cốt lõi của khởi nghiệp là sự sáng tạo nên cần thiết phải có sự kết nối đa văn hóa, các trường phải liên kết với nhau trong khởi nghiệp để tạo nên những sản phẩm có giá trị sáng tạo lớn” – ông Lý Đình Quân, nguyên Phó Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp TP Đà Nẵng chia sẻ.

Cũng đồng ý với nhận định này, TS Huỳnh Công Pháp – Phó Hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ thông tin, ĐH Đà Nẵng cho rằng, hầu hết các trường ĐH, CĐ thường tổ chức các hoạt động khởi nghiệp riêng mà chưa phối hợp với nhau, dẫn đến việc các trường không khai thác được thế mạnh cũng như không thừa hưởng được thành quả của nhau.

Và vẫn có tình trạng SV thay vì dành thời gian tiếp xúc với khách hàng hoặc đầu tư cho phát triển sản phẩm, dịch vụ thì lại mang dự án đi thi hết cuộc thi này đến cuộc thi khác để mong gặt hái được các giải thưởng và hy vọng tìm được nhà đầu tư.

Ở một góc độ khác, TS Nguyễn Thị Mỹ Hương cho rằng, hiện hệ sinh thái khởi nghiệp ở nhiều nơi vẫn thiếu không gian thực nghiệm cho SV. “Không gian thực nghiệm có vai trò rất quan trọng đối với hệ sinh thái khởi nghiệp, thậm chí còn quan trọng hơn cả không gian làm việc chung bởi khởi nghiệp không chỉ dựa vào công nghệ, mà còn dựa vào chế tạo và sản xuất”.

Không gian thực nghiệm là những xưởng chế tác quy mô nhỏ dành cho các sản phẩm mẫu thử nghiệm. Như với dự án nôi TOB, trong hai năm đầu, nhóm nhiều lần tưởng như bỏ cuộc vì không có không gian và dụng cụ chế tạo, trong khi đó, “đây gần như là bước quyết định của các nhóm khởi nghiệp sản xuất, vì các nhà đầu tư sẽ quyết định có rót vốn cho dự án hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của sản phẩm mẫu thử nghiệm” – Gia Huy, trưởng nhóm dự án chia sẻ.

Sau 5 mẫu tự làm thất bại, cuối cùng, nhóm dự án chọn giải pháp mua 2 chiếc nôi khác nhau từ một trang web bán hàng trực tuyến để tháo rời từng bộ phận, mày mò nghiên cứu rồi tìm các nhà cung ứng. Đây cũng là khó khăn chung của những dự án khởi nghiệp trên nền tảng cơ khí – điện tử của các bạn SV khi chưa có không gian thực nghiệm cho những ý tưởng sáng tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.