Hình dung giáo dục đại học trong bối cảnh cách mạng 4.0

GD&TĐ - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4) đã đánh dấu một bước tiến phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ của nhân loại. Tuy nhiên, cuộc cách mạng này cũng mang lại những thách thức chưa từng có.

Một giờ học của sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp.
Một giờ học của sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp.

Đến lúc, giáo dục Việt Nam cần có những nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò mới của mình để đáp ứng được cuộc cách mạng này. Mà việc đầu tiên là bắt đầu từ việc phát triển chương trình giáo dục cho tương thích với nhu cầu của xã hội trong kỉ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp 4. Vấn đề này được GS.TS Nguyễn Đức Chính (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại.

Đổi mới mô hình phát triển chương trình giáo dục

- Thưa GS, chương trình giáo dục đại học cần đổi mới như thế nào để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Trong mọi thời đại chương trình giáo dục luôn là xương sống của hệ thống giáo dục. Chương trình bao giờ cũng là sản phẩm của thời đại và là công cụ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho thời đại.

Bậc Đại học, chương trình giáo dục phải được cải tiến cập nhật thường để phù hợp với đối tượng, đáp ứng được mục tiêu đào tạo. Các yêu cầu về kiến thức cũng phải được thay đổi theo các yêu cầu về kĩ năng đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế, văn hóa, xã hội.

Khác với phương thức đào tạo đại trà của các thế kỷ trước, cách mạng CM 4 chú trọng đến phương thức đào tạo “cá thể” , “người học làm trung tâm”. Thông qua những giao lưu quốc tế, các chương trình liên kết qua mạng lưới truyền thông, enternet,các giáo trình kiến đảm bảo thức gần với quốc tế hơn. Cũng vì thế mà yêu cầu về phát triển chương trình chất lượng đa dạng ở đại học là cấp thiết hơn bao giờ hết.

Để phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp lần 1, chương trình giáo dục được phát triển trên cơ sở cung cấp càng nhiều kiến thức càng tốt (tiếp cận nội dung).

 GS.TS Nguyễn Đức Chính

Sang cuộc cách mạng công nghiệp 2, chương trình lấy mục tiêu làm cơ sở để phát triển. Những mục tiêu được xác định trên 3 lĩnh vực: kiến thức, kĩ năng và thái độ (mô hình KSA ). Để phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp 3 chương trình giáo dục lấy năng lực làm gốc.

Với các mô hình đã và đang tồn tại chắc chắn không đủ sức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho cách mạng công nghiệp 4, nơi sinh viên ra trường không phải chỉ đáp ứng nhu cầu xã hội mà còn dự báo, thậm chí biết tạo ra những nhu cầu mới; không phải biết tìm việc làm mà còn phải biết khởi nghiệp, tạo ra những việc làm mới cho bản thân và cho người khác; phải biết làm việc trong môi trường đa văn hóa, môi trường ảo, với nhiều kĩ năng sống rất mới.

- Vậy có thể hình dung như thế nào về mô hình phát triển chương trình giáo dục cho kĩ nguyên số và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong một thế giới toàn cầu hóa, thưa GS?

Vấn đề này, tôi xin chia sẻ ý tưởng ban đầu về mô hình chương trình sáng tạo và khởi nghiệp. Theo đó, mục tiêu cốt lõi của chương trình gồm: năng lực sáng tạo; năng lực khởi nghiệp; các năng lực nghề nghiệp (như năng lực giải quyết vấn đề, năng lực hành động) và các kĩ năng mềm, đặc biệt là các kĩ năng liên nhân cách, kĩ năng quản lí và lãnh đạo, kĩ năng CNTT&TT…

Với mục tiêu chương trình đã được phác thảo như trên thì việc tổ chức nội dung chương trình phải tuân thủ nguyên tắc tích hợp, liên ngành, xoáy ốc. Nội dung chương trình không thể chỉ là các môn học, cũng không chỉ là một ngành khoa học đơn lẻ, như toán học, vật lí học… mà phải là một lĩnh vực, đại loại như khoa học về trái đất, khoa học về cuộc sống, khoa học về hạnh phúc…

Để có thể thiết kế và tổ chức thực thi chương trình giáo dục theo mô hình trên, cần tuân thủ các nguyên tắc tối thiểu sau:

Chương trình phải lấy người học, sự học làm gốc; trải nghiệm sáng tạo trong dạy học là điều bắt buộc; chọn lọc những vấn đề cốt lõi; mở cửa trường ra xã hội lấy bối cảnh sống làm bối cảnh dạy học; dạy học phân hóa, tiến tới cá thể hóa; kiểm tra đánh giá thường xuyên, theo quá trình là yếu tố quyết định chất lượng của quá trình giáo dục và đào tạo.

Hình thức tổ chức dạy học phải lấy trải nghiệm sáng tạo làm chủ đạo

- Với chương trình mới như GS chia sẻ, hình thức tổ chức dạy học, các phương pháp, phương tiện, công cụ dạy học và các hình thức kiểm tra, đánh giá quá trình cần thay đổi như thế nào?

Hình thức tổ chức dạy học trong thực thi chương trình mới phải lấy trải nghiệm sáng tạo làm chủ đạo. Mọi kiến thức mới phải được người học tự kiến tạo thông qua trải nghiệm của bản thân trong bối cảnh thực của cuộc sống

Trong hình thức tổ chức dạy học như vậy thì việc lựa chọn và kết hợp các phương pháp dạy học tích cực là điều bắt buộc. Hỗ trợ cho các phương pháp này sẽ là các phương tiện, kĩ thuật dạy học hiện đại, trong đó chủ yếu là các phương tiện của CNTT. Các kĩ thuật đánh giá lớp học được sử dụng thường xuyên nhằm mục đích kích thích, tạo động lực, giúp người học tiên bộ trong suốt quá trình học tập

Hình thức đánh giá tổng kết trong thực thi chương trình mới cũng được đổi mới. Thay vì một bài thi, tiểu luận…, kết quả học tập phải được thể hiện dưới dạng một sản phẩm có tính sáng tạo của cá nhân hoặc nhóm, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

- Xin cảm ơn GS!

“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ đánh dấu một bước ngoặt lớn cho Giáo dục nước ta. Trong bối cảnh đó, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đang được xem là chìa khóa mở cửa vào tương lai của cả dân tộc. Quản lý giáo dục phải thay đổi thông qua việc đánh giá lại vai trò của giáo dục, của người học, người dạy, nhà quản lí. Song trong quá trình hội nhập vấn đề này không dễ giải quyết một sớm một chiều được.

Trước những thách thức trên, cần có sự quan tâm đặc biệt của các cấp chỉ đạo, ban ngành đoàn thể nhà trường, gia đình và toàn xã hội mới có thể đưa giáo dục Việt Nam lên tầm cao mới theo kịp cuộc cách mạng này”.


GS.TS Nguyễn Đức Chính

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ