Mạng xã hội không còn xa lạ
Theo khảo sát tỷ lệ học sinh sử dụng trang facebook ở số một trường miền núi, chúng tôi thu được kết quả là 540 học sinh được hỏi đã từng sử dụng mạng xã hội chưa, cả 100% đều trả lời là đã sử dụng. Có thể thấy, việc sử dụng trang cá nhân trên mạng xã hội đối với học sinh không còn là chuyện xa lạ mà đã trở thành thói quen, thậm chí gây “nghiện” đối với nhiều học sinh từng ngày, từng giờ.
Thực tế cho thấy, nhiều học sinh sử dụng trang mạng cá nhân và mạng xã hội để tạo ra hiệu ứng tốt cho quá trình học tập của bản thân như: giao lưu, trò chuyện, kết bạn với bạn bè cùng trang lứa, trao đổi kinh nghiệm học tập, chia sẻ kỹ năng sống...
Nhiều học sinh đã sử dụng mạng xã hội như một cách để học, khai thác tư liệu học tập và học trực tuyến. Các em học sinh đã tỏ ra khá thuần thục và có những kỹ năng cơ bản khi sử dụng mạng xã hội với mục đích đúng đắn và mang lại hiệu quả thiết thực cho bản thân.
Thành lập ban tư vấn tâm lý học đường để tư vấn kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho học sinh |
Những hệ lụy
Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít học sinh đã coi mạng xã hội, trang facebook cá nhân như một phương tiện để giải trí, giết thời gian, tán gẫu và thể hiện các hành vi xấu của mình. Trong những năm gần đây, nhiều vụ việc xảy ra ở các nhà trường phổ thông chủ yếu liên quan đến mạng xã hội điển hình như: bạo lực học đường.
Từ việc quen biết trên mạng, lời qua tiếng lại trên “thế giới ảo” rồi dẫn đến ẩu đả, đánh nhau ngoài thế giới thực. Rồi tình trạng sống ảo, a dua, đua đòi và lối sống thiên về hưởng thụ đã xuất hiện nhiều ở giới trẻ, trong đó, phần đông là học sinh.
Nhiều học sinh đã mất đi những kỹ năng cơ bản như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sử dụng tiếng Việt đúng chuẩn mực, kỹ năng ứng xử và nguy hiểm hơn chính là những hành vi xấu đã và đang ngày càng ăn sâu vào giới trẻ khiến các em ngày càng lệ thuộc vào thế giới ảo, sống không có định hướng, không mục đích, thậm chí tỏ ra chán cuộc đời thực, không tin vào bản thân và chán ghét mọi người...
Nhiều học sinh còn coi mạng xã hội là phương tiện, là không gian để chống đối lại bố mẹ, thầy cô khi mình mắc lỗi, bị bố mẹ và thầy cô nhắc nhở. Có những học sinh đã lên trang facebook của mình để chửi thầy cô giáo. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng học tập sa sút, vi phạm nội quy, đạo đức bị xuống cấp nghiêm trọng.
Rất cần sự phối hợp giữa “3 nhà”
Từ thực tế trên, mỗi nhà trường cần có những biện pháp để giáo dục hành vi lệch chuẩn cho học sinh khi sử dụng mạng xã hội. Trước hết, cần tuyên truyền, quán triệt và phổ biến đến học sinh về lợi ích và tác hại, tính hai mặt của việc sử dụng mạng xã hội để mỗi em có những định hướng đúng đắn khi sử dụng mạng.
Hoạt động ngoại khóa giáo dục kỹ năng sống cho học sinh |
Đồng thời, cần tổ chức các buổi ngoại khóa để tập huấn về kỹ năng sử dụng mạng xã hội trong những hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp để mỗi học sinh được trang bị những kỹ năng cần thiết khi bước vào không gian mạng. Cần tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo để học sinh có cơ hội hòa mình với cuộc sống sinh động và phong phú, giảm nguy cơ sống ảo và chìm đắm trong thế giới ảo.
Việc giáo dục hành vi lệch chuẩn của học sinh khi sử dụng mạng xã hội cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa “3 nhà” nhà trường, phụ huynh học sinh và toàn xã hội để mỗi cùng chung tay giúp học sinh đẩy lùi những hành vi tiêu cực, lệch chuẩn và những sự việc đáng tiếc xảy ra.