Chuẩn GV nhìn từ thế giới
Nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra các tiêu chuẩn về năng lực đối với GV, làm cơ sở cho việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng GV…
Liên minh châu Âu (EU) xác định, năng lực là một sự kết hợp của kiến thức, kĩ năng và thái độ phù hợp với bối cảnh. Để giúp người học hình thành và phát triển các năng lực nói trên, EU khuyến cáo các năng lực mà GV cần được trang bị đó là: Kiến thức hiểu biết (Kiến thức về môn học; Kiến thức nội dung sư phạm; Kiến thức sư phạm; Các cơ sở khoa học giáo dục; Sử dụng hiệu quả công nghệ trong học tập…);
Các kĩ năng (Kĩ năng lên kế hoạch, quản lý, phối hợp với giảng dạy; Sử dụng tài liệu và công nghệ giảng dạy; Quản lý sinh viên và các nhóm; Giám sát điều chỉnh, đánh giá mục đích…; Niềm tin thái độ, giá trị và sự cam kết (Khuynh hướng đối với sự thay đổi, tính linh hoạt, học tập liên tục và nâng cao tính chuyên nghiệp, bao gồm học tập và nghiên cứu; Cam kết thúc đẩy việc học tập cho tất cả HS; Có xu hướng thúc đẩy thái độ và thực hành dân chủ của SV với tư cách là công dân châu Âu; Thái độ phản biện với việc giảng dạy của bản thân…).
Còn tại Anh, để bảo đảm sự thống nhất về yêu cầu, các tiêu chuẩn đối với GV được quy định: Đặt kỳ vọng cao, truyền cảm hứng, tạo động lực và thách thức đối với học sinh. Thúc đẩy sự tiến bộ và kết quả tốt cho HS; Thể hiện tốt kiến thức và chương trình giảng dạy; Lập kế hoạch và giảng dạy các bài học có cấu trúc; Điều chỉnh việc giảng dạy để đáp ứng được những điểm mạnh và nhu cầu của HS; Sử dụng chính xác và hiệu quả việc đánh giá; Quản lý hành vi một cách hiệu quả để bảo đảm môi trường học tập tốt và an toàn; Thực hiện đầy đủ trách nhiệm học tập chuyên nghiệp rộng hơn…
Cũng giống như nước Anh, tại Hoa Kỳ có một số con đường dẫn đến nghề dạy học và có những tiêu chuẩn chung về GV làm cơ sở cho việc đào tạo và sử dụng. Các tiêu chuẩn cốt lõi đối với nghề dạy học theo Hiệp hội Hỗ trợ và đánh giá GV giữa các bang quy định phải đạt được đó là: Phát triển người học; Sự khác nhau của người học; Môi trường học tập; Nội dung kiến thức; Áp dụng nội dung; Đánh giá; Lập kế hoạch giảng dạy; Các chiến lược giảng dạy; Thực hành đạo đức và học tập mang tính chuyên nghiệp; Lãnh đạo và hợp tác…
Trang bị kiến thức, kĩ năng nghiệp vụ cho GV để đáp ứng đòi hỏi công việc. Ảnh: Đức Trí |
Đào tạo bồi dưỡng GV theo chuẩn
Theo GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội: 3 năng lực cơ bản (tầm nhìn hướng ra thế giới, hoài bão, bản lĩnh) của GV thế kỷ 21 là cơ sở để xác định 4 định hướng cho chương trình GD-ĐT GV thế kỷ 21 (Giáo dục tập trung phát triển năng lực; Học tập tích hợp; Mở cửa trường ĐH ra xã hội; Đánh giá thúc đẩy quá trình học tập).
Kiến thức và năng lực bổ sung cho nhau, năng lực GV chỉ hình thành khi lấy sự học của bản thân làm gốc trong quá trình dạy học… Điều này dẫn đến nguyên tắc cho triển khai các chương trình bồi dưỡng GV: Phải xác định rõ đầu vào của đối tượng bồi dưỡng, nắm vững nhu cầu bồi dưỡng. Nếu chưa làm rõ khâu này, chưa bắt đầu chương trình bồi dưỡng có hiệu quả được.
Rèn luyện năng lực đòi hỏi phải có đủ thời gian, GV phải sử dụng nhiều lần, lặp đi lặp lại mới có thể tăng cường năng lực cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Nếu chương trình tập trung rèn luyện năng lực thì có nghĩa chỉ nên tập trung vào số lượng năng lực chọn lọc và lượng kiến thức tương ứng để GV có đủ thời gian rèn luyện, kiến tạo và phát triển những năng lực đó.
Việc lựa chọn cách tiếp cận theo năng lực còn hàm ý trong thời gian bồi dưỡng, GV phải được rèn luyện, kiến tạo những năng lực cho phép họ tự kiến tạo những kiến thức, kĩ năng để thích nghi với môi trường luôn thay đổi. Đây chính là lý do để xác định các năng lực xuyên suốt chương trình bồi dưỡng với tư cách là công cụ để học tập suốt đời nâng cao năng lực nghề nghiệp của GV…