Trả lời xong câu hỏi này mới đến “check” các điều kiện khác. Để thấy nếu chọn nghề dạy học, điều kiện đầu tiên là phải có lòng yêu thương con trẻ, tình yêu phải đủ lớn để từ đó có sự kiên nhẫn, bao dung… trong quá trình đứng lớp.
1. Với các chuyên gia tư vấn nghề nghiệp, để làm một GV cần có các điều kiện về kỹ năng, khả năng, thái độ: Biết nghĩ như học trò, biết cách truyền đạt, biết cách tạo không khí thoải mái dễ chịu; Thích giúp người khác hiểu biết, giàu lòng bao dung, độ lượng; Giàu tình yêu thương, yêu trẻ, ham học hỏi… Sứ mệnh của thầy giáo/cô giáo không chỉ là truyền thụ kiến thức, mà còn là khơi dậy cảm hứng, lan tỏa những cảm xúc tích cực cho HS.
Một vị phụ huynh khi con đã vào lớp 3, mỗi lần dắt con đến thăm cô giáo mầm non vẫn xúc động kể lại “chuyện xưa”. Hồi con 4 tuổi, mẹ cho cắt tóc “kiểu Mỹ Linh”, vừa bước vào lớp, cô giáo chủ nhiệm đã thốt lên: “Ôi, sao lại cắt tóc kiểu con trai thế này!”. Cả lớp cười ồ lên, có bạn còn lêu lêu con. Chỉ một câu nói thôi, chả có bạo lực gì về thân thể, vậy mà con khóc suốt cả ngày hôm đó. Sáng hôm sau thì bảo mẹ: Con không muốn đi học. Bố mẹ nói mãi thì cũng cúi đầu đến lớp, vẻ mặt buồn buồn, kéo mẹ nói thầm: Chiều mẹ nhanh đến đón con về nhé!
Mấy hôm sau, có tiết học của cô giáo Mỹ thuật, khi các bạn vẫn đang trêu tóc ngắn của con, cô ra chỗ con ngồi, nghiêng đầu ngắm và khen: “Cả lớp nhìn này, tóc tém của bạn hiện đại quá. Tóc này đang là mốt đấy, không phải tóc con trai đâu”. Cả lớp lại ồ lên vỗ tay, một vài bạn nữ còn bảo muốn cắt kiểu tóc này… Chuyện nhỏ vậy thôi, mà con yêu cô giáo mãi. Học đến lớp 3 con vẫn nhắc tên cô đầu tiên trong danh sách GV yêu thích.
2. Mới đây, UBND quận Hồng Bàng (Hải Phòng) đã yêu cầu Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quán Toan thực hiện quy trình thủ tục kỷ luật với hình thức buộc thôi việc sau vụ việc cô giáo tát, đánh liên tiếp học sinh lớp 2 trong giờ kiểm tra. Dư luận xã hội rất đồng tình với hình thức kỷ luật này.
Một giảng viên được đào tạo chuyên nghiệp tại Nhật Bản đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng tình với một vài tâm tư cho rằng “nghề giáo là nghề bạc bẽo” khi thấy cô giáo bị đuổi việc sau khi đánh học trò. Anh cho rằng thái độ đối với bạo lực có thể thay đổi thế giới bạo lực. Đánh người dù trong bất cứ trường hợp nào đều không chấp nhận được. GV đánh HS, người yếu hơn mình rất nhiều lần, không có khả năng tự vệ, không có khả năng chạy trốn là phi đạo đức. Và hình thức kỷ luật như vậy không có gì để bàn cãi.
Chọn nghề giáo thời nay, là chọn một nghề vất vả khó khăn, nhiều áp lực. Là chưa muộn nếu các GV một lần nữa nhìn lại bản thân, xem mình có phù hợp với nghề nghiệp. Đừng ôm suy nghĩ làm nghề giáo là “làm phúc” cho xã hội mà không nhận ra rằng, bản thân mỗi người không chỉ cho đi mà cũng nhận được rất nhiều từ nghề nghiệp được xã hội tôn vinh, quý trọng.
Hãy thử một lần nghĩ như học trò (điều kiện đầu tiên về kỹ năng của nghề sư phạm): Tại sao thầy/ cô lại tát khi mình viết chậm? Sao thầy/cô không làm như lời họ bao lâu vẫn giảng, rằng: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”?... Một phút dừng lại để GV thấy rõ hơn trách nhiệm của mình với nghề nghiệp.
Nếu không đổi nghề thì sao? Xin thưa: Hãy thay đổi phương pháp dạy học. Thay vì đòn roi, chì chiết, hãy giáo dục trẻ bằng kỷ luật tích cực dựa trên quyền và sự phát triển của trẻ. Cần gì phải đợi các khóa bồi dưỡng, tập huấn, có rất nhiều tài liệu tiếng Anh, tiếng Việt hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết, cung cấp miễn phí về kỷ luật tích cực trên mạng Internet.
Học hỏi không bao giờ khiến GV mất đi uy tín, nó giúp cho thầy/cô có thêm sức mạnh, uy quyền với HS hơn cả lời trách mắng, giúp bọn trẻ thêm yêu cô, kính thầy, dạy trẻ bằng cách làm gương. Khi có một quan điểm nghề nghiệp phù hợp với thời đại, mỗi GV sẽ thanh thản với nghề, trước mọi thách thức!