Khi đồng nghiệp tự ái

GD&TĐ - Quan tâm đến học sinh, tạo điều kiện cho các em điều chỉnh, sửa sai trong hành vi mới là cần thiết. Tự ái cá nhân, quên kết hợp cùng đồng nghiệp, các đoàn thể trong nhà trường sẽ làm giảm hiệu quả giáo dục học sinh.

Giáo viên Trường THCS An Thới Đông, huyện Cần Giờ TPHCM luôn quan tâm đến học sinh
Giáo viên Trường THCS An Thới Đông, huyện Cần Giờ TPHCM luôn quan tâm đến học sinh

Hơn 20 năm trong nghề dạy học, quá nửa thời gian trong số đó làm nhiệm vụ quản lý nề nếp học sinh, cô H có tiếng là nghiêm khắc, được nhà trường tín nhiệm. Chính vì vậy, khi nghe thầy T thông tin về việc một học sinh 3 lần đập bàn khi đối thoại cùng thầy, lại có lời nói không phù hợp với tư cách người học sinh, cô rất phiền lòng. Thầy T là giáo viên có tuổi đời, tuổi nghề vào bậc nhất nhì trong trường, vững vàng trong chuyên môn và công tác chủ nhiệm. Em học sinh này nhiều năm vi phạm nội quy, hạnh kiểm liên tục chỉ ở mức trung bình nên cô H quyết định xử lý ngay việc này.

Cô H liên lạc với gia đình em này mời đến trường để phối hợp giáo dục nhưng không có kết quả. Cô H mời cô chủ nhiệm của học sinh ấy thông báo cách giải quyết sai lầm của học sinh. Nhưng bất ngờ xảy ra. Cô chủ nhiệm không vui khi nghe đồng nghiệp đề nghị liên hệ phụ huynh trong thời gian sớm nhất. Cô cho biết thầy T đã trao đổi về vi phạm của học sinh. Cô cũng tìm hiểu qua học sinh của lớp để nắm rõ hơn sự việc. Do em học sinh này chưa có sự phấn đấu trong rèn luyện, hay chối quanh khi mắc khuyết điểm nên cô thường xuyên nhắc nhở, tạo điều kiện cho em sửa chữa.

Khi biết sự việc, cô đã ghi nhận và thăm dò ý kiến của thầy T về cách thức giáo dục và hình thức kỷ luật em học sinh. Theo đó hạnh kiểm của học sinh vi phạm sẽ chỉ được xếp ở mức trung bình vì có hành vi, lời nói thiếu tôn trọng thầy cô. Học sinh ấy lại có nhiều vi phạm trong năm nên cô sẽ tiếp tục gặp cha mẹ em để phối hợp giáo dục. Nhưng do mới gặp phụ huynh gần đây nên nếu mời đến liên tục sẽ làm phụ huynh hoang mang, mặc cảm, có thể dẫn đến bất hợp tác; đến thời điểm hợp lý, cô chủ nhiệm sẽ trao đổi với phụ huynh.

Thầy T nghe vậy, đồng ý. Thầy cũng lưu ý cô chủ nhiệm cần xem lại, nếu học sinh đã thật sự thấy lỗi lầm và thành thật nhận lỗi cũng như nếu hành vi thiếu lễ phép là do nhất thời thì cô có thể điều chỉnh xếp loại hạnh kiểm. Thầy T còn cho biết, có lẽ do tâm lý lứa tuổi đang lớn, liều lĩnh, muốn chứng tỏ anh hùng trước các bạn, bất chấp kỷ luật, em học sinh này mãi đến cuối tiết học mới nhận sai. Vì thế nên tạo cơ hội cho em sửa sai. Cô chủ nhiệm vẫn giữ quyết định chỉ xếp hạnh kiểm của học sinh ở mức trung bình tháng cuối học kỳ 2. Theo đó hạnh kiểm của học sinh vi phạm ở học kỳ 2 là trung bình, cả năm vì thế cũng là trung bình.

Thầy T tôn trọng ý kiến của cô, không yêu cầu gì khác.

Biết cô H luôn cập nhật tình hình của lớp, nhất là các vi phạm của học sinh để thông báo kịp thời cho gia đình các em, thầy T gặp cô H để giải thích nội dung nhận xét mà thầy ghi trong sổ của lớp để cô nắm nội dung, tham gia xếp loại hạnh kiểm và sau này trao đổi với phụ huynh chính xác. Đây cũng là yêu cầu của nhà trường nhằm giúp người quản lý nền nếp học sinh có đủ thông tin cần thiết. Thầy T không đề nghị gì khác ngoài sự thống nhất cách xử lý của cô chủ nhiệm.

Mọi việc tưởng dừng lại ở đây. Nhưng lại có diễn biến bất ngờ.

Nhân giờ ra chơi, cô H đến lớp nhắc nhở chung cả lớp không được lặp lại sai phạm và phê bình học sinh vi phạm. Cô răn đe sẽ xếp hạnh kiểm học sinh nào sai phạm xuống mức thấp nhất.

Sự việc càng ngoài tầm kiểm soát khi cô H và cô chủ nhiệm gặp nhau. Cô chủ nhiệm không hài lòng về cô H. Cô cho rằng cô H vượt quá thẩm quyền xử lý vi phạm học sinh khi tự ý liên hệ phụ huynh và định mức xếp loại hạnh kiểm học sinh của mình mà chưa hỏi qua cô. Quá bức xúc, cô thông báo: Việc theo dõi, đánh giá rèn luyện học sinh của lớp từ nay xin giao hết cho cô H!

Cô H cũng bày tỏ ý kiến của mình cô. Theo đó, với trách nhiệm được giao là nắm bắt hoạt động của học sinh, ghi nhận vi phạm, thông báo đến gia đình và phối hợp giáo viên chủ nhiệm giúp học sinh tiến bộ, cô không không làm gì sai. Nếu cô chủ nhiệm phàn nàn như thế, cô chủ nhiệm tới đây sẽ tự giải quyết vi phạm của học sinh lớp mình!

Thế là nguy cơ bất hòa xảy ra. Đồng nghiệp trong trường chia nhau gặp gỡ, giải thích cho cả hai cô hiểu. Mục đích của cả hai cô đều là mong muốn giữ kỷ cương trường lớp, xây dựng nền nếp trong nhà trường. Vướng mắc ở đây là một bên có phần nôn nóng, bức xúc trước sai phạm của học sinh nên chưa phối hợp cùng đồng nghiệp trước khi giải quyết.

Bên còn lại có phần tự ái, tự thấy chưa được tôn trọng hỏi ý kiến nên phản ứng không hay. Nếu cả hai bình tĩnh lắng nghe, cùng nhau đề xuất cách giải quyết vi phạm của học sinh thì kết quả sẽ tốt hơn. Trước khi quyết định mời phụ huynh, cô H nên bàn trước với cô chủ nhiệm, phân công phụ trách từng vấn đề, chắc chắn việc giáo dục học sinh sẽ có kết quả cao. Rất vui là sau cùng, hai cô hiểu được vấn đề, đồng ý hợp tác như trước. Cả trường thở phào nhẹ nhõm.

Thầy T khi biết chuyện, nói rằng đây cũng là bài học kinh nghiệm cho bản thân trong công tác chủ nhiệm lớp. Tôn trọng đồng nghiệp với trách nhiệm được giao, không can thiệp sâu hay gây ảnh hưởng nào đó…, mỗi thầy cô có thể tìm phương thức trao đổi phù hợp để nêu ý kiến của bản thân về cách giải quyết sự việc. Quan tâm đến học sinh, tạo điều kiện cho học sinh điều chỉnh, sửa sai trong hành vi mới là cần thiết. Tự ái cá nhân, quên kết hợp cùng đồng nghiệp, các đoàn thể trong nhà trường sẽ làm giảm hiệu quả giáo dục học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ