Trong đó, giáo viên có 5 ngày để nghiên cứu tài liệu bồi dưỡng đã được cung cấp trên hệ thống thông qua tài khoản cá nhân. Trong tài liệu, có những clip giới thiệu định hướng và bài tập thử thách. Nếu giáo viên vượt qua sẽ chuyển sang những nội dung tiếp theo để khai thác thông tin trong tài liệu này.
Giáo viên cũng có 3 ngày để gặp trực tiếp các chuyên gia, giảng viên sư phạm chủ chốt của các trường ĐH sư phạm trọng điểm được Bộ GD&ĐT lựa chọn giúp hiểu sâu, kỹ hơn những nội dung của tài liệu tự bồi dưỡng. Sau đó, giáo viên có 7 ngày tự nghiên cứu, tự học, tự làm và có bài kiểm tra cuối khóa để đánh giá kết quả.
Quá trình bồi dưỡng giáo viên cho Chương trình, SGK mới, vì vậy là thường xuyên, liên tục, tại chỗ, có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, kết hợp trực tuyến và trực tiếp, đặc biệt là có sự hỗ trợ của giáo viên cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt.
Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid–19 bùng phát với diễn biến phức tạp, để bảo đảm an toàn cho đội ngũ, nhiều địa phương chủ động chuyển sang hình thức bồi dưỡng trực tuyến. Cùng với đó, sở GD&ĐT các địa phương cũng xây dựng nhiều giải pháp nhằm tăng chất lượng của đợt bồi dưỡng. Sở GD&ĐT Bắc Giang yêu cầu giáo viên bồi dưỡng trực tuyến theo cụm trường để có người quản lý, giám sát trực tiếp. Sở sẽ quản lý trên hệ thống chung để kiểm soát và đánh giá sự tham gia của giáo viên ở các điểm cầu. Sở GD&ĐT Lào Cai thành lập các tổ cốt cán của từng môn học để giám sát và hỗ trợ, giải đáp thắc mắc cho giáo viên ở các điểm cầu…
Linh hoạt bồi dưỡng giáo viên đại trà theo hình thức trực tuyến, các địa phương đều có sự chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nguồn học liệu cũng như sự sẵn sàng đáp ứng của giáo viên. Để bảo đảm chất lượng của buổi bồi dưỡng trực tiếp, các địa phương yêu cầu giáo viên phải nắm chắc mô-đun 1, 2, 3 đã được bồi dưỡng trước.
Đồng thời, giáo viên phải nghiên cứu kỹ SGK lớp 2, lớp 6 mới có thể thảo luận, trao đổi những vướng mắc. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán để vừa giám sát, tương tác, hỗ trợ giáo viên đại trà theo thời gian thực trong quá trình bồi dưỡng trực tuyến là hết sức cần thiết.
Dù phần mềm sử dụng để tổ chức bồi dưỡng trực tuyến có khả năng kiểm soát chặt chẽ và chính xác sự tham gia của học viên vào quá trình bồi dưỡng trực tuyến. Nhưng gần như địa phương nào, khi sử dụng hình thức tổ chức bồi dưỡng trực tuyến thay cho trực tiếp đều xây dựng phương án hậu kiểm. Như Sở GD&ĐT Lào Cai yêu cầu sau tập huấn, tất cả giáo viên phải làm báo cáo sử dụng SGK để đánh giá.
Sở GD&ĐT Bắc Giang sẽ xây dựng hệ thống bài kiểm tra cho giáo viên đại trà sau khi tham gia tập huấn. Số lượng câu hỏi cả trắc nghiệm và tự luận đủ để mỗi giáo viên ở một điểm cầu có đề kiểm tra khác nhau. Giáo viên làm bài kiểm tra phải đạt tối thiểu 5/10 điểm mới được bố trí đứng lớp…
Chủ trương chỉ bố trí những giáo viên tham gia bồi dưỡng, tập huấn đạt chất lượng đứng lớp là “chốt gác” để bảo đảm chất lượng của việc bồi dưỡng giáo viên. Điều này chứng tỏ dù là hình thức trực tuyến hay trực tiếp, mỗi giáo viên phải có quá trình tự nghiên cứu, bồi dưỡng trước đó.