ĐBQH đề xuất bổ sung vào Quy hoạch tổng thể Quốc gia các khu đô thị khoa học

GD&TĐ - Với định hướng phát triển khoa học và công nghệ, ĐBQH đề nghị cần bổ sung vào Quy hoạch tổng thể Quốc gia đầu tư xây dựng các khu đô thị khoa học.

ĐBQH đề xuất bổ sung vào Quy hoạch tổng thể Quốc gia các khu đô thị khoa học

Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, sáng 7/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Góp ý dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho biết, Nghị quyết 27 ngày 6/5/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xác định nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã xác định “Nhà nước đầu tư xây dựng một số khu đô thị khoa học".

Tuy nhiên, cơ chế đầu tư xây dựng, quản lý khu đô thị khoa học vẫn chưa được định hình sau gần 15 năm thực hiện. Trong khi đó, một số địa phương như Bình Định đã tổ chức thí điểm.

Chính vì vậy, để tiếp tục triển khai thực hiện nghị quyết về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức về phát triển công nghệ với vai trò là quốc sách hàng đầu, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị cần bổ sung vào quy hoạch tổng thể quốc gia việc đầu tư xây dựng các khu đô thị khoa học, trong đó có Khu đô thị khoa học Quy Hòa - Quy Nhơn - Bình Định.

Trước đó, cũng cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), đại biểu Lê Công Nhường (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng, chủ trương của nhà nước đầu tư xây dựng một số khu đô thị khoa học, khu công nghệ cao, tổ hợp khoa học sản xuất, trường đại học trọng điểm, các trung tâm văn hóa hiện đại đã thúc đẩy hoạt động sáng tạo của trí thức trong và ngoài nước.

Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã triển khai Nghị quyết số 27 góp phần tạo hành lang pháp lý và hình thành các khu công nghệ cao, các trường đại học trọng điểm, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có mô hình hành lang pháp lý để xây dựng khu đô thị khoa học.

Để triển khai Nghị quyết số 27, đại biểu Nhường kiến nghị Chính phủ cho chủ trương thí điểm xây dựng mô hình khu đô thị khoa học, do khái niệm khu đô thị khoa học chưa được đề cập trong các luật như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đất đai v.v.. “Tôi đề nghị Chính phủ cho phép pháp điển hóa, thể chế hóa thành nghị quyết, văn bản pháp luật, cho phép triển khai thí điểm khu đô thị khoa học Quy Hòa tại tỉnh Bình Định. Hiện Đề án này đã được chỉnh sửa theo góp ý các bộ, ngành và đã trình Chính phủ vào cuối năm 2019”, đại biểu đề xuất.

ĐBQH đề nghị cần bổ sung vào quy hoạch tổng thể quốc gia việc đầu tư xây dựng các khu đô thị khoa học. (Ảnh minh họa)

ĐBQH đề nghị cần bổ sung vào quy hoạch tổng thể quốc gia việc đầu tư xây dựng các khu đô thị khoa học. (Ảnh minh họa)

Được biết, Bình Định đang quy hoạch và xây dựng TP.Quy Nhơn trở thành khu đô thị khoa học đầu tiên trong cả nước với định hướng trở thành hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và khu vực.

Bắt đầu hoạt động từ năm 2013, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành Quy Nhơn (ICISE) đã trở thành một biểu tượng mới của Quy Nhơn - Bình Định, biểu tượng tiên phong trong nghiên cứu khoa học.

Từ đó đến nay, tại ICISE đã diễn ra hơn 60 hội nghị khoa học quốc tế với sự tham dự của khoảng 5.500 nhà khoa học; trong đó có 12 người đoạt giải Nobel, 2 giải Fields (được coi là giải Nobel trong toán học), 2 giải Kavli (giải thưởng cao nhất ở lĩnh vực thiên văn học) và 1 giải thưởng vật lý Dirac (giải thưởng danh giá nhất trong ngành vật lý lý thuyết)… Không những thế, thông qua ICISE, rất nhiều nhà khoa học gốc Việt trên thế giới đã về lại đất nước để đóng góp công sức, trí tuệ.

Không chỉ có Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành Quy Nhơn, Bình Định đang quy hoạch và xây dựng khu đô thị Khoa học Quy Hòa và Trung tâm Trí tuệ nhân tạo (AI) Long Vân, với định hướng đưa khoa học trở thành lực hút đầu tư lớn và phát triển để nghiên cứu khoa học trở thành lĩnh vực tạo ra nhiều giá trị bền vững.

Đây là khu đô thị khoa học đầu tiên trong cả nước, khi đi vào hoạt động sẽ trở thành điểm đến đặc trưng của Việt Nam về khoa học, giáo dục và định vị thương hiệu sản phẩm du lịch khoa học đối với du khách trong nước và trên thế giới.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định vào tháng 5/2018, ông Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Thủ tướng Chính phủ) nhận định, đất nước phát triển thì không thể không có khoa học.

“Thành phố khoa học ở Việt Nam chưa có nhưng Bình Định đi trước một bước là mạnh dạn, là đột phá lớn. Chính phủ sẽ sẵn sàng xử lý chính sách đặc thù trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam nói chung và ở Bình Định nói riêng trên cơ sở của những đề xuất cụ thể”, ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.