TPHCM sau 3 năm xây dựng đô thị thông minh: Ngành Giáo dục mạnh mẽ chuyển mình

GD&TĐ - Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 là một đề án rất quan trọng.

TPHCM xây dựng đô thị thông minh dựa trên 4 trụ cột chính.
TPHCM xây dựng đô thị thông minh dựa trên 4 trụ cột chính.

Sau ba năm triển khai, hình hài và diện mạo về một đô thị dựa trên 4 trụ cột đã được định hình, tạo nền móng và tiền đề để địa phương tiến bước tiếp giai đoạn 2020 - 2025, trong đó có sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành giáo dục.

Phát huy vai trò của hệ sinh thái trực tuyến 

Ông Lê Quốc Cường - Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TPHCM cho biết, giai đoạn 1 của đô thị thông minh đã đạt được một số kết quả cơ bản. Kho dữ liệu dùng chung của TP đã được chia sẻ qua Cổng dữ liệu mở của TP, bước đầu chia sẻ tài nguyên, dữ liệu với người dân, doanh nghiệp, khuyến khích người dân tham gia giám sát, quản lý các mặt hoạt động của chính quyền, xã hội.

Đáng chú ý, các ứng dụng trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, chống ngập, môi trường đã cung cấp rất nhiều tiện ích cho người dân, như tra cứu thông tin, giám sát, đóng góp ý kiến… Đặc biệt, ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực như giáo dục, y tế, du lịch, nhờ hệ sinh thái được định hình của đô thị thông minh, việc chuyển đổi số nhằm gia tăng năng suất, hiệu quả quản lý, tương tác được thực hiện vô cùng hiệu quả.

Nhìn nhận những hiệu quả từ hệ sinh thái của đô thị thông minh, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Sau gần một năm đưa vào vận hành Trung tâm Ðiều hành Giáo dục thông minh, hiệu quả của công tác quản lý và chỉ đạo điều hành, đổi mới phương thức dạy và học, kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đã có sự chuyển biến rất rõ rệt. 

Tính đến thời điểm này, hệ thống kiến trúc tổng thể CNTT của ngành giáo dục đã xây dựng xong, kết nối 100% trường học trên toàn TP, công tác quản lý hành chính, xử lý hồ sơ trên nền tảng hệ sinh thái CNTT cũng đã phủ khắp các trường, 24 quận huyện với 1,7 triệu cơ sở dữ liệu học sinh và 80 nghìn cơ sở dữ liệu của giáo viên đã được cập nhật lên hệ thống điều phối tổng. 

“Công tác số hóa và chuyển đổi dữ liệu trong 3 năm qua đã được ngành giáo dục cơ bản hoàn thiện. Từ sổ liên lạc điện tử, học bạ điện tử, công tác thi đua, khen thưởng, tuyển dụng đến phần mềm quản lý dữ liệu, dịch vụ giáo dục… đều được xử lý bằng hình thức trực tuyến, qua đó mang lại tiện ích tốt nhất cho giáo viên, phụ huynh, học sinh và nhà quản lý. 

Đặc biệt, hệ sinh thái trực tuyến phục vụ việc soạn giảng, nghiên cứu của thầy và hoạt động tự học của trò đã mang lại sự tương tác rất cao, tạo nền tảng xây dựng xã hội học tập suốt đời ở TPHCM. Đây rõ ràng là những thành tựu lớn mà hệ sinh thái đô thị thông minh mang lại”- ông Sơn nói. 

“Xương sống” của đô thị thông minh

TPHCM mong muốn triển khai song hành nhiều giải pháp ở giai đoạn 2 nhằm định hình, nâng chất các tiện ích hiện hữu, cũng như phát triển thêm các tiện ích mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp, qua đó vẽ một diện mạo mới, đậm bản sắc cho thành phố
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM

Theo ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM đến nay 4 trụ cột xây dựng đô thị thông minh của thành phố đang vận hành và hàng loạt lĩnh vực thuộc các sở ngành như giao thông, chống ngập, quy hoạch, giáo dục, y tế... đã được triển khai các mô hình, ứng dụng thông minh để phục vụ người dân.

Theo đó, kho dữ liệu dùng chung của TPHCM (trụ cột 1) đã đi vào hoạt động tại Công viên Phần mềm Quang Trung trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các sở, ngành như văn bản điện tử, một cửa điện tử, khiếu nại tố cáo, đường dây nóng, đăng ký doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư công, địa chính, khám chữa bệnh, chứng chỉ hành nghề y, cơ sở giáo dục, dịch vụ giáo dục… 

Song song đó, UBND TPHCM cũng đã ban hành Danh mục dữ liệu không gian dùng chung của TP (ngày 31/3/2020). Đây là một nội dung quan trọng, cần thiết, hỗ trợ tốt trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị thông minh. TP cũng đã triển khai thử nghiệm cổng dữ liệu tại địa chỉ https://data.hochiminhcity.gov.vn - là nơi khai thác tập trung Kho dữ liệu dùng chung, phục vụ cho nhu cầu kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu của các cơ quan Nhà nước.

Trụ cột thứ 2 là Trung tâm điều hành đô thị thông minh được đặt tại trụ sở UBND TP,  vận hành từ tháng 4/2019. Đến nay Trung tâm đã kết nối, tích hợp dữ liệu hơn 1.500 camera từ hệ thống của Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế, Sở GD&ĐT, Công an TP, hệ thống camera một số quận về trung tâm điều hành, trong đó đã phân tích, khai thác dữ liệu cùng lúc 50 camera với các tính năng như nhận diện khuôn mặt, phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về an ninh, trật tự… Trung tâm điều hành đô thị thông minh chính là nơi tiếp nhận các vấn đề phát sinh từ mọi mặt của xã hội để tổng hợp và hỗ trợ lãnh đạo TP đưa ra quyết sách.

Trụ cột thứ 3, Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội cũng được vận hành vào tháng 6/2019, thực hiện chức năng tổ chức điều tra, khảo sát và thu thập thông tin nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu xây dựng mô hình phân tích, dự báo và mô phỏng; xây dựng và từng bước hệ thống hóa các mô hình định lượng phục vụ phân tích, dự báo và mô phỏng đối với các vấn đề có liên quan đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, cùng với một số vấn đề trong nước và quốc tế phục vụ cho yêu cầu phát triển TP. 

Ngoài ra, trung tâm còn thực hiện cung ứng dịch vụ tư vấn và hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước... Giai đoạn từ năm 2021 trở đi, trung tâm sẽ mở rộng phạm vi mô phỏng xu hướng phát triển đối với tất cả lĩnh vực thuộc Đề án đô thị thông minh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, UBND TP và các cơ quan có liên quan.

Trụ cột thứ 4 là Trung tâm an toàn thông tin. TPHCM đã phê duyệt đề án thành lập Công ty CP Vận hành Trung tâm An toàn thông tin TP HCM, với vốn góp của Nhà nước (chiếm từ 55% vốn góp trở lên) và các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân có kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh thông tin; hiện đang triển khai bước tiếp theo để cụ thể hóa đề án.

Việc triển khai tốt, đồng bộ 4 trụ cột trên với sự tham gia chuyển đổi sâu rộng của các sở, ngành suốt 3 năm qua đã giúp TP định xong “bộ khung” chính của đô thị thông minh trong tương lai. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.