Dạy sức khỏe tình dục toàn diện trong trường nghề từ 2022

GD&TĐ - Sau thời gian thí điểm thành công chương trình giáo dục giới tính và sức khỏe tình dục toàn diện online sẽ đưa vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ năm 2022.

Đại biểu tham gia Lễ công bố Chương trình giáo dục giới tính và sức khỏe tình dục toàn diện cho người học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đại biểu tham gia Lễ công bố Chương trình giáo dục giới tính và sức khỏe tình dục toàn diện cho người học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Lồng ghép chương trình phù hợp để giảng dạy

Đây là chương trình học trực tuyến thông qua website giaoducgioitinh.online. Chương trình nhằm cung cấp thông tin xoay quanh các chủ đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, HIV/AIDS, nhiễm trùng, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và bình đẳng giới.

Ngay trong thời gian triển khai ngắn, chương trình đã có lượng học sinh, sinh viên truy cập rất cao. Trên trang web cũng đã đăng tải được 20 bộ phim ngắn tương tác, 30 bài học lý thuyết, 50 bài đọc thêm và 35 nội dung liên quan khác. Sau khi hoàn thành các học phần, hệ thống kiểm tra đủ điều kiện sẽ cấp giấy chứng nhận học viên đã hoàn thành chương tình.

Ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - thông tin, chương trình cung cấp các bài viết nổi bật, bài học mới và có các hướng dẫn để các học viên tự học. Ngoài ra, các chủ đề chính cung cấp qua website này là các bài kiểm tra kiến thức trắc nghiệm và các quy trình cấp chứng chỉ cho học viên.

Sau 5 năm triển khai thí điểm, tới nay chương trình đã dạy thử tại nhiều tỉnh, thành. Ngoài ra, chương trình cũng đã tập huấn thực hiện cho giáo viên, học sinh ở nhiều địa phương.

Chương trình được kỳ vọng sẽ tác động đến nhận thức của người học, đội ngũ quản lý giáo dục các cấp, cán bộ, giảng viên trong các cơ sở GDNN. Đó là về sự cần thiết trang bị kiến thức sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và phòng chống HIV cho người học nhằm xây dựng một môi trường học tập lành mạnh, an toàn.

Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Lê Tấn Dũng cho rằng: Với sự thay đổi nhanh chóng trong phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với khả năng tiếp cận thông tin, đặc biệt từ các phương tiện thông tin đại chúng đã có những tác động to lớn đến lối sống, hành vi sức khỏe của vị thành niên và thanh niên.

Đáng quan ngại là các hành vi nguy cơ cho sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Đó là vấn đề quan hệ tình dục không an toàn ngày càng gia tăng. Điều này dẫn đến hậu quả mang thai ngoài ý muốn hoặc nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục vẫn gia tăng trong số người trẻ.

Vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại, một số nơi có xu hướng gia tăng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vấn đề này không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn làm tăng nhanh số lượng và giảm chất lượng dân số, để lại những hệ lụy lâu dài cho xã hội.

Ông Dũng cho rằng, trước bối cảnh đó, chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản, tình dục cho học sinh trong cơ sở GDNN là rất cần thiết. Đối với học sinh, sinh viên, đây là một chương trình bổ ích, dễ hiểu, cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng đa dạng về những vấn đề “khó chia sẻ, khó nói ra”. Nhờ đó, các em có thể chủ động cân đối thời gian để tự tìm hiểu, tự học trực tuyến trên máy tính và trên điện thoại thông minh.

Ông Dũng cũng đề nghị Tổng cục GDNN và các cơ sở GDNN triển khai thực hiện hiệu quả. Có thể tổ chức tập huấn, tiếp tục xây dựng công cụ để học sinh, sinh viên thảo luận học tập.

Đồng thời, các cơ sở GDNN cũng phải giảng dạy, lồng ghép chương trình  phù hợp với các địa phương. Đối với học sinh, sinh viên, cần tham gia tích cực, qua đó truyền tải thông điệp tới học sinh khác chưa có thông tin.

Trong chu kỳ tới, Tổng cục GDNN cần tiếp tục phối hợp với Vụ Công tác thanh niên Bộ Nội vụ, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc xây dựng văn kiện dự án tập huấn cho đội ngũ chuyên gia triển khai chương trình. Hình thành và phát triển mạng lưới tư vấn viên nhằm giải đáp thắc mắc cho người học tốt nhất. Ngoài ra, cần tiếp tục xây dựng những công cụ số để học sinh, sinh viên có thể trao đổi, thảo luận và tìm hiểu thêm về nội dung, kiến thức, kỹ năng cần có để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hiện nay, cả nước có hơn 2 nghìn cơ sở GDNN với hơn 2 triệu người tốt nghiệp mỗi năm. Ngoài việc trang bị các kỹ năng, việc tăng cường giảng dạy các kiến thức giáo dục giới tính sẽ giúp trang bị toàn diện cho người lao động. Điều này giúp họ có sức khỏe tốt để làm việc và gia nhập thị trường lao động.

Phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số

Bà Trần Minh Huyền - Vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên (Tổng cục GDNN) - cho biết, chương trình rất có ý nghĩa với học sinh, sinh viên cơ sở GDNN. Mặt khác, nó cũng phù hợp trong bối cảnh chuyển đổi số, học sinh truy cập Internet và học tập trực tuyến gia tăng. “Chương trình đặc biệt ý nghĩa bởi có những vấn đề thầm kín, không thể chia sẻ với thầy cô, bạn bè hay gia đình. Đây chính là ưu điểm để các em bày tỏ mà không lo lắng điều gì”, bà Huyền nói.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Thái Nguyên đánh giá cao hiệu quả của chương trình. Tuy nhiên theo ông Tuấn, nên có thêm bộ phận tư vấn sức khỏe, sinh sản tình dục cho các em. Điều này sẽ tăng sự tương tác và đem đến hiệu quả tích cực cho chương trình.

Bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam - cho rằng, việc phê duyệt đưa giáo dục giới tính và giáo dục sức khỏe tình dục toàn diện vào chương trình GDNN có ý nghĩa quan trọng. Bởi từ nay trở đi, có ít nhất hơn 4 triệu người học từ 15 đến 24 tuổi trong tất cả các cơ sở GDNN sẽ được tiếp cận với giáo dục giới tính và tình dục toàn diện trực tuyến.

“Trong bối cảnh Internet bùng nổ toàn cầu thì việc tận dụng công nghệ để giáo dục là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp lan tỏa thông tin, nâng cao chất lượng dạy và học nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản tình dục cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở GDNN”, bà Naomi Kitahara nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ