Dạy học phòng chống tham nhũng trong trường phổ thông: Lan truyền hành vi tích cực

GD&TĐ - Nội dung phòng, chống tham nhũng được ngành Giáo dục đưa vào giảng dạy.

Cô Phạm Thanh Hương bên học trò Trường THCS Việt Hùng.
Cô Phạm Thanh Hương bên học trò Trường THCS Việt Hùng.

Với nội dung tưởng chừng vĩ mô này được các nhà trường, giáo viên triển khai thế nào để đưa được trọng tâm giáo dục đạo đức liêm chính đến với học sinh?

Linh hoạt lồng ghép

Cô Phạm Thanh Hương - giáo viên Trường THCS Việt Hùng (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết: Tuy yêu cầu của ngành Giáo dục là đưa giảng dạy nội dung phòng chống tham nhũng vào các trường THPT trở lên, song ngay ở lớp học cuối cấp THCS đã có những nội dung liên quan đến vấn đề này, được giáo viên lồng ghép giới thiệu đến học sinh.

Cô Hương phân tích: Bộ môn Giáo dục công dân lớp 8 có bài “Liêm khiết”, lớp 9 có bài “Chí công vô tư”. Bám sát nội dung này, tôi lồng ghép, liên hệ các câu chuyện nói về kiến thức bài học trong thực tiễn sau đó để học sinh rút ra bài học.

Từ nội dung trong sách giáo khoa, cô Phạm Thanh Hương còn sưu tầm và tổ chức cho học sinh đọc thêm những câu chuyện trong cuốn sách Kể chuyện tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Qua đó giúp các em hình dung và nhận thức được các khái niệm về liêm khiết, chí công vô tư…

Với nội dung phòng chống tham nhũng, cô Hương hướng dẫn học sinh khai thác tư liệu thực tế, tìm ra những câu chuyện, sự việc liên quan đến các vụ án tham nhũng, hành vi tham nhũng... “Từ những sự việc thực tiễn, tôi khuyến khích học sinh chỉ ra hậu quả của việc làm đó dưới các phương diện cá nhân, gia đình, xã hội và thấy rõ đây là hành vi vi phạm pháp luật. Qua đó, bước đầu các em nhận thức được trước khi làm điều gì cần phân biệt đúng sai và hậu quả có thể xảy ra…” - cô Hương chia sẻ.

Theo cô Hương, dù tích hợp hay lồng ghép, mục đích cuối cùng vẫn là sự thay đổi nhận thức, truyền cảm hứng cho học sinh theo những hành vi tích cực. Trong đó tích hợp dạy phòng chống tham nhũng vào môn Giáo dục công dân với đặc trưng là giáo dục con người không nên chỉ dừng lại ở những bài học trên lớp mà cần được thể hiện, kiểm chứng qua hành vi cụ thể ngoài giờ học, ngoài nhà trường; qua những hoạt động ngoại khóa chuyên đề… Từ đó, học sinh biết vận dụng những điều đã học vào tình huống xảy ra trong thực tế để đạt hiệu quả tuyên truyền.

Tiết học đổi mới, sáng tạo của cô Phạm Thị Thanh Huyền và học trò Trường THPT Hoàng Cầu.
 Tiết học đổi mới, sáng tạo của cô Phạm Thị Thanh Huyền và học trò Trường THPT Hoàng Cầu.

Để không khô khan, giáo điều

Dạy học trong môi trường giáo dục luôn đề cao việc xây dựng nền nếp, kỷ luật trường học theo hướng tích cực, cô Phạm Thị Thanh Huyền – giáo viên Trường THPT Hoàng Cầu (Hà Nội) cho rằng: Giáo dục phòng chống tham nhũng là nội dung quan trọng góp phần giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống đối với học sinh, nhiều năm nay được dạy lồng ghép trong môn Giáo dục công dân cấp THPT. Thông qua các bài dạy ở cả 3 khối, nội dung phòng chống tham nhũng được đưa vào một cách uyển chuyển, nhẹ nhàng, phù hợp với học trò, phù hợp với nội dung bài học và mang tính thực tiễn. 

Theo cô Huyền, giáo dục phòng chống tham nhũng trong nhà trường khác với việc xử lý tham nhũng của cơ quan chuyên trách. Thông qua liên hệ bài học, giáo viên hướng đến giáo dục học sinh về nhận thức, thái độ, các giá trị đạo đức, phẩm chất cần có để khi ra cuộc sống không lệch chuẩn, không tư lợi, không dễ bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài... nhất là đó không phải là những thứ của mình.

Ví dụ, ở bài 11 lớp 11 “Một số phạm trù cơ bản của đạo đức”, giáo viên có thể lồng ghép giáo dục tham nhũng trong phần nghĩa vụ, nhân phẩm, danh dự, lương tâm. Tương tự, với bài 3 lớp 12 “Công dân bình đẳng trước pháp luật” có thể lồng ghép giáo dục phòng chống tham nhũng trong phần bình đẳng về trách nhiệm pháp lý… Việc lồng ghép này giúp học sinh hiểu và nắm bắt được cơ bản các hành vi phòng chống tham nhũng mà không thấy khô khan, giáo điều.

Từ thực tế dạy học, cô Huyền nhận định: Giáo dục phòng chống tham nhũng là nội dung cần được đưa vào trong giáo dục nhà trường từ sớm và cần được giáo dục thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, hiện mới là nội dung lồng ghép, thời lượng ít, không có kiến thức đồng bộ thống nhất. Chính vì vậy dẫn đến việc mỗi giáo viên khai thác và dạy một kiểu khác nhau. Bên cạnh đó, thời lượng dạy ít nên những gì cần trang bị cho học sinh còn hạn chế… Có được tư liệu dạy học đồng bộ, thời lượng hợp lý, giáo viên sẽ chủ động hơn chuyển tải nội dung phòng chống tham nhũng đến học sinh. 

Là đối tượng được hướng đến trong yêu cầu đưa nội dung giáo dục phòng chống tham nhũng vào dạy trong trường học, học sinh liệu có thờ ơ với nội dung tưởng chừng không mấy gần gũi này?

Em Nguyễn An Chinh - học sinh lớp 12A6, Trường THPT Hoàng Cầu chia sẻ: Thời gian đầu, chúng em chưa thực sự chú tâm vì nghĩ rằng kiến thức này khá xa vời với học sinh. Nhưng với phương pháp dạy học lồng ghép sáng tạo của thầy cô vào môn Giáo dục công dân, kiến thức này đã thu hút chúng em vào bài học, tạo hứng thú, ham học và hiểu biết nhiều hơn về phòng chống tham nhũng. 

“Tuy thời lượng tìm hiểu không nhiều, song qua kiến thức thực tiễn mà thầy cô mang đến, chúng em đã hiểu thế nào là tham nhũng, hiểu tác hại to lớn của nạn tham nhũng đang xảy ra trong xã hội. Trong giờ học, chúng em mạnh dạn bày tỏ chính kiến của mình và nhận thức rất rõ đó là hành vi xấu cần tránh từ khi còn là học sinh” - em Nguyễn An Chinh bày tỏ. 

“Tiết học của chúng em trở nên thú vị hơn, ngoài việc thầy cô đưa ra ví dụ minh họa cụ thể về tham nhũng, chúng em còn được xem các đoạn phim ngắn về cách xử phạt các hành vi tham nhũng. Em thấy dù là người bình thường hay cán bộ đều bị xử lý như nhau. Qua các tiết học giúp chúng em nâng cao nhận thức, hiểu biết và trách nhiệm hơn về phòng chống tham nhũng”. - Học sinh Nguyễn An Chinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.