Dạy học phát triển năng lực học sinh: Lộ trình phù hợp để tự tin và chuyển đổi

GD&TĐ - Triển khai Chương trình và SGK mới đặt ra yêu cầu rõ nét hơn về dạy học phát triển năng lực học sinh.

ThS Nguyễn Hữu Long trao đổi về dạy học phát triển năng lực học sinh tại Ngày hội CNTT cụm Trường THPT Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Anh
ThS Nguyễn Hữu Long trao đổi về dạy học phát triển năng lực học sinh tại Ngày hội CNTT cụm Trường THPT Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Anh

Làm thế nào để giáo viên chuyển đổi từ truyền thụ kiến thức sang phát huy năng lực học sinh hiệu quả là nội dung cuộc trò chuyện của Báo GD&TĐ với ThS Nguyễn Hữu Long - Người sáng lập Dự án đào tạo và hỗ trợ giáo viên.

Trường học, nơi chuẩn bị cho tương lai 

- Ông nhìn nhận như thế nào về sự cần thiết chuyển sang dạy học phát triển năng lực, phẩm chất HS?

- Theo tôi, chuyển đổi từ dạy học truyền thụ kiến thức sang phát huy năng lực, phẩm chất người học xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của cuộc sống. Chúng ta đang sống ở thế kỉ XXI, nền kinh tế, xã hội có chuyển biến vô cùng mạnh mẽ. Nó đặt ra những thách thức lớn, đòi hỏi nền giáo dục của chúng ta phải chuyển mình để có thể thích ứng. Một trong những đòi hỏi của thế kỉ XXI là tạo ra công dân có năng lực học và tự học, năng lực giao tiếp, hợp tác, phản biện và tư duy sáng tạo. 

Để có được điều đó, bắt buộc nền giáo dục của chúng ta phải có sự đổi mới hướng đến việc hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất của người học. Dạy học phát triển năng lực (Competency based learning) là một trong những xu thế quan trọng trong quá trình chuyển đổi giáo dục ở các nước trên thế giới. Mục đích nhằm giúp nhà trường trang bị năng lực cần thiết giúp HS có thể thành công trong cuộc sống.

Ngoài ra, dạy học phát triển năng lực giúp HS thực sự “chiếm lĩnh” và “làm chủ” các kiến thức, kĩ năng. Nó mang lại cho người học cơ hội để áp dụng, thực hành những điều đã học vào cuộc sống; đồng thời, cho phép HS học tập theo những lộ trình được cá nhân hóa. Nói cách khác, vì giáo dục ngày càng chú ý đến sự phát triển của từng cá nhân, dạy học phát triển năng lực thực sự hướng đến việc lấy người học làm trung tâm của quá trình dạy - học. HS cần thành công trong cuộc sống chứ không cần điểm số trong các kỳ thi; trường học là sự chuẩn bị cho tương lai chứ không chỉ là nơi dạy kiến thức.

- HS cần thành công trong cuộc sống chứ không cần điểm số trong các kỳ thi. Xin ông chia sẻ rõ hơn về quan điểm này?

- Đây là một trong những đặc trưng nổi bật của dạy học phát triển năng lực và cũng là lý do vì sao cần chuyển từ mô hình dạy học truyền thống sang dạy học phát triển năng lực. Rõ ràng, HS của chúng ta từ trước đến nay đều có điểm số tốt, được lên lớp, nhưng trong nhiều trường hợp lại không phản ánh đúng năng lực thực sự của người học. Điều này dẫn đến thực trạng, sau khi tốt nghiệp phổ thông (và cả đại học), nhiều em vẫn không có khả năng để làm việc và thành công.

Điều đó đặt ra hai vấn đề mà chúng ta cần suy ngẫm. Thứ nhất cần phải thay đổi lại hệ thống điểm số, để nó thực sự phản ánh được “năng lực” của người học. Thứ hai, thay đổi lại quá trình dạy và học để có thể thực sự giúp HS thích ứng và thành công trong cuộc sống, thay vì chỉ đạt điểm cao trong các kì thi.

Một tiết học tại Trường Tiểu học Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Cường
Một tiết học tại Trường Tiểu học Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Cường

- Đâu là khó khăn cho các nhà trường khi triển khai mô hình dạy học phát triển năng lực HS?

- Đây là một câu hỏi lớn, bởi lẽ khó khăn mà các nhà trường gặp phải cũng chính là khó khăn mà cả hệ thống giáo dục đang đối mặt. Tôi có thể chỉ ra một vài những vấn đề chính:

Đầu tiên, đó là khó khăn về điều kiện tài chính, cơ sở vật chất. Việc chuyển sang dạy học phát triển năng lực gắn liền với thay đổi liên quan đến mô hình lớp học, cách thức tổ chức các hoạt động dạy học…

Điều này sẽ đưa đến những khó khăn liên quan đến điều kiện cơ sở vật chất của từng nhà trường. Ví dụ, nhiều trường học hiện vẫn chưa có đủ máy chiếu cho các phòng học hay phòng thí nghiệm không đủ trang thiết bị cho việc dạy và học.

Tiếp đó là khó khăn về năng lực, trình độ của đội ngũ GV. Đây có lẽ là vấn đề lớn và khó giải quyết nhất hiện nay. Vì trong một thời gian ngắn, khi các trường phải chuyển đổi sang mô hình giáo dục mới, sự thích ứng và chuyển đổi của đội ngũ GV sẽ không thể diễn ra ngay lập tức. Việc đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cũng cần một khoảng thời gian để có thể đi vào thực tiễn lớp học.

Quản lý chất lượng dạy và học là rào cản cần tính đến. Dạy học phát triển năng lực hướng đến sự phát triển cho từng cá nhân, vậy làm thế nào để chúng ta có thể đánh giá, quản lý chất lượng học tập khi các HS có những lộ trình học tập khác nhau? Làm thế nào để giải quyết vấn đề khi HS không làm chủ được các năng lực cần thiết? 

Bên cạnh đó là khó khăn từ phía phụ huynh và xã hội. Do đây là mô hình dạy học mới, nên chắc chắn phụ huynh học sinh vẫn chưa thể cảm thấy quen thuộc và tiếp nhận. Điều này có thể thấy rõ nhất qua phản ứng của phụ huynh khi các nhà trường triển khai chương trình lớp 1 mới trong thời gian vừa qua.

Một tiết học tại Trường Tiểu học Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Cường
Một tiết học tại Trường Tiểu học Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Cường

Cần xây dựng và thiết kế thang đo về năng lực

- Trao quyền cho HS là đích đến của dạy học phát triển năng lực. Vậy vai trò của GV sẽ thay đổi thế nào trong mô hình này?

- Trao quyền và chủ động cho HS, cũng có nghĩa là chúng ta đang nói đến trao quyền cho GV. Trong mô hình dạy học phát triển năng lực, vai trò của GV sẽ có sự thay đổi rất lớn. Cụ thể: Giáo viên trở thành người xây dựng và thiết kế chương trình. Điều này có vẻ khá mới và lạ với nhiều người. Khi SGK trở thành một trong số các tài liệu giảng dạy, dạy học không quá nhấn mạnh vào truyền thụ kiến thức mà tập trung vào hình thành năng lực của người học. GV sẽ phải là người chủ động trong việc lựa chọn nội dung, xác định các minh chứng để đánh giá từng năng lực, thiết kế và tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm bộ môn… 

Giáo viên là người tổ chức và hướng dẫn quá trình học tập của HS. Thay vì giảng, cho HS ghi chép, GV cần xây dựng, thiết kế và tổ chức các hoạt động để HS làm, trải nghiệm rồi từ đó rút ra kiến thức, kĩ năng cần thiết. Điều đó có nghĩa là khuôn khổ giờ học cùng các phương pháp giảng dạy cũ sẽ bị thay thế, GV có quyền chủ động trong việc lựa chọn phương pháp cũng như các ý tưởng hoạt động trải nghiệm cho việc dạy học của bản thân.

- Vậy theo ông, nhà trường và các giáo viên cần làm gì để thực hiện hiệu quả mục tiêu dạy học phát triển năng lực, phẩm chất HS?

- Bộ GD&ĐT đang triển khai một cách hệ thống và đồng bộ những giải pháp để thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực của HS. Tuy nhiên, từ góc độ của một chuyên gia đào tạo GV, tôi cho rằng chúng ta cần tập trung vào 3 vấn đề chính:

Chúng ta cần xây dựng và thiết kế các thang đo về năng lực (cụ thể và chi tiết khung năng lực đã được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018). Chúng ta không thể kiểm chứng tính hiệu quả nếu không biết đích đến, và không có thang đo. Chúng ta không thể chuyển sang dạy học phát triển năng lực nếu không minh định và làm rõ các chuẩn đầu ra về năng lực. Ví dụ, chúng ta phải làm rõ, trong năng lực “giải quyết vấn đề” ở trình độ của HS lớp 6 là gì? Đầu lớp 6 khác gì so với cuối lớp 6? Năng lực giải quyết vấn đề ở trình độ của HS lớp 6 khác gì so với năng lực giải quyết vấn đề của HS tiểu học và khác gì so với lớp 9 hay các lớp khác?

Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng lộ trình, giai đoạn của quá trình chuyển đổi sang dạy học phát triển năng lực và có tiêu chí cụ thể để đánh giá từng giai đoạn. Sẽ rất khó nếu bắt buộc các nhà trường phải chuyển đổi hoàn toàn sang mô hình dạy học phát triển năng lực trong một thời gian ngắn. Ngay cả các nước phát triển cũng gặp khó khăn trong vấn đề này. Một lộ trình phù hợp sẽ giúp các nhà trường và giáo viên tự tin và chủ động hơn trong quá trình chuyển đổi.

Ngoài ra, cần có sự đào tạo, hỗ trợ thường xuyên với GV. Điều này không chỉ là một vài khóa tập huấn hay các đợt dự giờ, mà đó là lộ trình phát triển chuyên môn, xây dựng hệ thống tài liệu, công cụ giảng dạy hỗ trợ đến từng đơn vị bài học. Qua đó, GV có nền tảng và cơ sở để thực hiện việc đổi mới, có được sự cân bằng giữa mô hình dạy học truyền thống và mô hình dạy học phát triển năng lực; cân bằng giữa công việc và cuộc sống. 

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Giáo viên được chủ động trong quá trình đánh giá và đưa phản hồi đến người học. Thay vì chỉ tập trung vào điểm số, thầy cô sẽ sử dụng một loạt các hình thức đánh giá, và sử dụng các đánh giá đó làm minh chứng cho những kết luận, phản hồi về quá trình học tập của học sinh. Việc chấm điểm, đưa nhận xét cũng được thực hiện một cách chủ động theo cách riêng của từng giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.