Trẻ có thể có những biểu hiện trong cuộc sống hàng ngày như: Luôn nhận phần hơn so với các bạn, giành giật đồ, ích kỷ, không muốn chia sẻ cho các bạn khác. Cha mẹ đừng thờ ơ và bao biện rằng con còn nhỏ nên điều đó là dễ hiểu và không có gì quan trọng.
Bạn đừng quên rằng, thói quen dù nhỏ đến mấy cũng là một phần phản chiếu nhân cách sau này của trẻ và theo con suốt cả cuộc đời. Nếu để càng lâu, thói xấu này càng lớn và sẽ càng khó sửa.
Bạn hăy tham khảo một số cách dưới đây để dạy con trở thành người biết chia sẻ, cảm thông ngay từ khi còn nhỏ.
1. Dạy con biết chia sẻ từ những điều nhỏ nhặt
Nếu ngày nào bạn cũng nói “ra rả” rằng con phải biết chia sẻ với mọi người. Tuy nhiên, bạn phải hiểu rằng nếu chỉ dạy con chỉ bằng những lý thuyết suông là chưa đủ và cũng không được ích lợi gì. “Học” phải đi đôi với “hành”, chính vì thế sẽ thật thiếu sót nếu bạn không cho con bắt tay vào “hành động” ngay.
Dạy con biết chia sẻ bằng những cách đơn giản như: Chia sẻ kẹo hay đồ chơi cho các bạn, đưa con đến những trung tâm có trẻ em cơ nhỡ, bất hạnh để con có thể đồng cảm với các bạn đồng trang lứa, dạy con làm từ thiện dù là những điều nhỏ nhặt hay đơn thuần chỉ là những cái ôm, những lời động viên khi ai đó gặp khó khăn. Và hãy luôn giúp con ghi nhớ rằng “cho đi chính là đang nhận lại”.
2. Thói quen sở hữu
Không khác gì người lớn, trẻ cũng có thói quen tuyên bố quyền “sở hữu” ngay từ nhỏ. Dấu hiệu nhận biết của ngôn ngữ thông thường của trẻ bằng những câu nói đại loại như “cái này của con”, “cái kia cũng của con”…và không cho phép ai đụng vào bất cứ đồ gì của trẻ, kể cả cha, mẹ. Điều này là hoàn toàn không nên, vì lâu dần thói sở hữu này sẽ chuyển thành tính keo kiệt, chiếm hữu.
Cha mẹ phải giúp con hiểu rằng, không thứ gì là “độc quyền” của con và kịp thời điều chỉnh thái độ này của con trước khi nó trở thành tật xấu.
3. Học hỏi qua các bộ phim, cuốn sách ý nghĩa
Nội dung phim ảnh có ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ cũng như hành động của con trẻ. Vì vậy cha mẹ cần cấm tuyệt đối không cho trẻ xem những hình ảnh cũng như những bộ phim có nội dung cướp giật, bạo lực… thay vào đó cha mẹ hãy lựa chọn cho con một số hình ảnh tích cực, các bộ phim đề cao giá trị nhân văn, mang tính giáo dục cao như: Quà tặng cuộc sống, hạt giống tâm hồn…
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên thường xuyên kể chuyện người tốt việc tốt cho con nghe, những câu chuyện đời thường có thật hết sức giản dị nhưng lại có giá trị sâu sắc, điều này sẽ giúp con biết phân biệt tốt xấu, điều thiện và cái ác.
4. Con chính là bản sao của cha mẹ
Sẽ chẳng có gì là nói quá nếu nói như đứa trẻ chính là bản sao nhân cách của cha mẹ. Trẻ em có thói quen quan sát hành động của cha mẹ, người thân xung quanh sau đó bắt chước theo, thế nên cha mẹ chớ dại gì mà bộc lộ thói “tham lam” ngay trước mặt con của mình. Hãy là những người biết sống quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ với mọi người xung quanh để làm gương tốt cho các con.
5. Khen ngợi con
Những lời khen ngợi chưa bao giờ là thừa đối với một đứa trẻ. Khi trẻ biết chia sẻ, nhường nhịn với các bạn thì cha, mẹ không có lý do gì mà “tiết kiệm” lời khen cho những đứa con của mình.
Lời khen ngợi đứng lúc có ý nghĩa với trẻ như một sự khích lệ cho những việc làm sau này của trẻ, đây cũng là cách nâng cao giá trị của hành động và trẻ có quyền hãnh diện về hành động đó.
Hãy luôn ghi nhớ rằng, muốn uốn nắn nhân cách của trẻ cũng như chăm sóc một cái cây, đừng để cây lớn rồi mới bắt đầu “gò”. Cũng như khi con đã đến tuổi vị thành niên, nhân cách phần nào đó đã được định hình, muốn thay đổi là điều rất khó.