Muốn con không ích kỷ, các mẹ hãy học ngay 3 cách này

GD&TĐ - Người lớn thường mặc định các bé tuổi mầm non thường ‘tham lam’, có đồ chơi hay thức ăn đều ‘chiếm hết’ vì chưa nhận thức được về ý nghĩa của sự chia sẻ. Thực tế, đây lại là thời điểm tuyệt vời để nuôi dưỡng sự đồng cảm, khả năng chia sẻ.

Muốn con không ích kỷ, các mẹ hãy học ngay 3 cách này

Các nhà khoa học Mĩ gợi ý 3 cách đơn giản sau để dạy trẻ về sự đồng cảm, sẻ chia từ khi bé mới chập chững bước đi.

1. Dạy con những từ ngữ thể hiện xúc cảm

Em bé chập chững biết đi của bạn có thể còn chưa biết hết những từ miêu tả cảm xúc. Đó là lý do mà Grace Resurreccion, một bà mẹ ở California (Mĩ) thường xuyên dùng những từ chỉ xúc cảm khi nói chuyện với cậu con trai Victor 2 tuổi của mình.

Ví dụ, khi anh trai của cậu bé ngã và òa khóc, chị Grace thường hỏi con: ‘Vì sao?’. Victor có thể trả lời: ‘Ngã’ hoặc ‘Bị đau’. Và sau đấy cậu thường đến chạm nhẹ vào lưng của anh trai.

Trong tình huống khác, chị Grace chia sẻ: ‘Tôi thường hỏi con: Con có nghĩ là anh con sẽ buồn khi con lấy đồ chơi của anh không?’

Bằng cách giúp trẻ nhận biết, kết nối từ ngữ miêu tả cảm xúc với thực tế, trẻ sẽ dần dần hình thành khả năng hiểu cảm xúc của người khác. Đồng thời, vốn từ của bé cũng sẽ tăng lên.

Trẻ con hứng thú với ánh đèn sân khấu, vậy nên hãy thật thoải mái để đưa trẻ vào trung tâm các bài học của bé.

Hãy lấy tập album ảnh ra và chỉ những bức ảnh chụp bé lúc bé vui cười, sợ hãi hay đang lặng lẽ. Dùng từ ngữ đơn giản để miêu tả cảm xúc đó, những chuyện đã tạo ra cảm xúc đó.

Bạn có thể nói: ‘Nhìn con rất vui khi mọi người hát Chúc mừng sinh nhật!’

Tốt hơn nữa, hãy miêu tả ngay những khoảng khắc mà con vừa tỏ ra ngoan hay vừa giúp đỡ người khác. Ví dụ: ‘Con mời ba miếng bánh à? Con ngoan quá, ba vui ba vỗ tay khen con kìa!’

Trẻ con thích nhìn lại những điều nho nhỏ mà bé làm được. Vì vậy kể những câu chuyện về chính bé là cách mẹ giúp con nhận thức hành vi của bé ảnh hưởng đến người khác như thế nào.

2. Đồng cảm: cha mẹ hãy làm mẫu để con bắt chước

Nhìn cách cha mẹ tương tác với người khác là con đường hữu ích nhất giúp trẻ phát triển sự đồng cảm. Đây là nhận xét của giáo sư tâm lý học người Mỹ Deborah Best (Đại học Wake Forest, North Carolina).

Vì thế, mẹ đừng bỏ lỡ cơ hội để thể hiện đức tính tốt biết chia sẻ. Hãy hỏi ông xã về việc một ngày làm việc có mệt không, giữ cánh cửa cho một người già, nâng một em bé bị ngã ở sân chơi...

Khi bạn chính là hình mẫu tốt, con đơn giản sẽ học theo mà không cần những bài giảng đạo đức dài dòng.

Đã bao giờ bạn để ý bé gái bắt chước mẹ cách bế búp bê, ru búp bê ngủ chưa? Đó chính là biểu hiện đầu tiên của sự chia sẻ mà bé học được từ những cử chỉ hàng ngày của mẹ.

Mẹ hãy chăm sóc những người xung quanh càng nhiều càng tốt. Bé học hỏi nhanh như một miếng bọt biển hút nước, nên sẽ học ngay theo những cử chỉ, ngữ điệu của mẹ, cách mẹ xoa dịu người khác... đấy.

3. Tạo cho con cơ hội thực hành

Nếu bạn để ý, những mâu thuẫn đầu tiên xảy ra trong tuổi thơ của con là khi mong muốn của con và mẹ không đồng bộ với nhau.

Ví dụ, khi con mới sinh, nếu con muốn ăn, mẹ sẽ muốn cho con ăn. Nhưng khi con lớn hơn một chút, con muốn ăn – nhưng chỉ có một cốc to đựng kem trên bàn – mẹ sẽ không cho con ăn (hoặc có thể mẹ yêu cầu con phải chia sẻ nó).

Con lập tức nghĩ rằng: ‘Mình muốn ăn? Cái gì đang xảy ra thế này?’. Và đây là lúc bùng nổ những cảnh khóc lóc, gào thét.

Vì vậy, mẹ hãy giúp con nhận ra rằng cảm xúc của mỗi người là khác nhau. Hãy khuyến khích con tương tác với càng nhiều người càng tốt. Tương tác với những người thân trong gia đình, họ hàng, người trông trẻ... đều là các bài học ‘tình huống’ giúp con hiểu thấu và chia sẻ.

Ban đầu, điều bé hiểu chỉ là những cảm xúc rất cơ bản, ví dụ: ‘Mẹ thì thích ăn bông cải xanh, nhưng bác giúp việc thì không thích’.

Trẻ lớn dần lên, mẹ sẽ hướng dẫn cho con nhận thức được nhiều loại cảm xúc và nhu cầu hơn.

Hãy để con giúp chăm sóc một con thú cưng trong nhà, bằng cách cho chúng đồ ăn, chải lông... Đây là cách đơn giản để trẻ hướng sự quan tâm ra ngoài bản thân mình, ngay từ khi còn nhỏ.

Nếu nhìn thấy một bé đang khóc trong nhóm trẻ, hãy chỉ ra cho con thấy có điều gì đó không ổn và gợi ý cách giải quyết, ví dụ: ‘Đưa cho em bé đồ chơi đi, bé thích đồ chơi’.

Cách bạn làm có thể giúp em bé nín khóc, có thể không. Nhưng điều quan trọng bạn sẽ dạy được cho con là: Không thờ ơ, vô cảm trước nhu cầu của người khác.

Trẻ cần luyện tập dần dần từ những điều thật nhỏ bé để biết cách cảm thông, chia sẻ với mọi người.

Theo Giadinhmoi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ