Trong bệnh Basedow, lồi mắt là dấu hiệu điển hình nhất xảy ra ở giai đoạn muộn. Phụ nữ trẻ trong độ tuổi từ 21 - 30 thường bị mắc bệnh này (80%).
Tính di truyền cao
Bệnh bướu cổ lồi mắt là cách gọi dân gian một cách hình tượng nhất. Thuật ngữ chuyên môn gọi là bệnh Basedow. Bệnh Basedow được đặt theo tên của một bác sĩ người Đức là Karl Adolph Von Basedow, sau khi lần đầu tiên ông công bố về một căn bệnh mới vào năm 1840.
Tại Hoa Kỳ và một số nước châu Âu khác, bệnh Basedow còn gọi là bệnh Graves, được đặt theo tên của bác sĩ người Ireland là Robert James Graves, người đã có các nghiên cứu chuyên sâu về bệnh lý này.
Bệnh Basedow là bệnh gây cường giáp khá phổ biến trong thời hiện đại. Đây là loại bệnh lý mang tính tự miễn (autoimmunity) của tuyến giáp và có tính di truyền khá cao (chiếm khoảng 79% trường hợp mắc bệnh).
Ngoài ra, người mắc bệnh còn bị sự tác động của các yếu tố như giới tính, độ tuổi, cơ địa, môi trường sống và làm việc, sự tích tụ các loại hóa chất bất lợi có trong thực phẩm. Bệnh Basedow liên quan đến sự hiện diện của các loại kháng thể kích thích tuyến giáp.
Sự trục trặc của hệ thống miễn dịch vì một lý do nào đó cho đến nay vẫn còn nằm trong vòng bí mật đã làm cho cơ thể sản sinh ra các chất tự hại lấy mình, gọi là tự kháng thể (autoantibodies). Ở người bệnh Basedow, hormone tuyến giáp được sản sinh quá mức và mất kiểm soát.
Hồi hộp, trống đánh ngực
Bệnh Basedow liên quan đến yếu tố di truyền, giới tính và cơ địa nên không có các biện pháp phòng bệnh đặc hiệu. Những yếu tố tác động mang tính nguy cơ như môi trường sống và làm việc, hóa chất bất lợi trong thực phẩm có thể cải thiện được, nhằm hạn chế phần nào sự mắc bệnh.
Bệnh Basedow là một hội chứng tổng hợp nhiều dấu chứng khác nhau. Các dấu chứng này xuất phát từ các bộ phận cơ quan cho đến toàn thân. Đây là loại bệnh lý liên quan đến sự bất thường của hệ thống miễn dịch.
Hệ thống miễn dịch giữ vai trò quan trọng để bảo vệ cơ thể qua việc sản xuất ra các kháng thể (antibodies) chống lại sự xâm nhập của các kẻ thù từ bên ngoài như vi khuẩn và virus.
Tuy nhiên, nếu cơ thể sản xuất ra các kháng thể tự chống lại chính mình hơn là những kẻ xâm nhập từ bên ngoài thì gây ra những rối loạn tự miễn hay bệnh tự miễn (autoimmune disorders).
Bệnh nhân mắc Basedow có các biểu hiện thường gặp sau đây: Hồi hộp, đánh trống ngực, đau vùng trước tim, ngạt thở, có những cơn bốc hỏa do rối loạn điều hòa thân nhiệt, tinh thần bất ổn, lo lắng, dễ cáu gắt, mệt mỏi, khó tập trung, khó ngủ hoặc mất ngủ.
Dù ăn nhiều nhưng vẫn sụt cân, run tay, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn do tăng nhu động ruột (khoảng 20% bệnh nhân Basedow)... và nhiều khi có người “quở” sao cái cổ như bị có bướu rồi kìa!
Bệnh còn đe dọa đến hệ thống tim mạch, khám thấy mạch nhanh. Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách thì bệnh nhân có thể tử vong do suy tim và suy kiệt nặng.
Các biến chứng
Ngoài các biến chứng phổ biến liên quan đến mắt (mắt lồi, do phản ứng viêm của mô liên kết xung quanh nhãn cầu) và da (phù niêm, ở mặt trước xương chày do sự lắng đọng chất mucin vì được sản xuất quá mức), bệnh Basedow ở những người không điều trị hoặc chậm điều trị còn gây ra các biến chứng đáng lưu ý sau đây: Đột quỵ, suy tim, loãng xương, cơn bão giáp (tình trạng gia tăng đột ngột hormone giáp có khả năng đe dọa tử vong), rối loạn ý thức, rối loạn thông khí…
Ngoài ra, người bệnh Basedow còn đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh tự miễn khác như bệnh Lupus ban đỏ hệ thống (gây ra tình trạng cơ thể tự sản xuất ra kháng thể tấn công vào các mô của các cơ quan), viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường type I, bệnh bạch biến (gây tổn thương mất tế bào sắc tố da khiến vùng da bị ảnh hưởng chuyển màu da nhạt hơn so với những vùng da khác trên cơ thể), bệnh Addison (suy thượng thận nguyên phát), bệnh Celliac (bệnh qua trung gian miễn dịch di truyền ở người vì không dung nạp gluten, gây bệnh cảnh viêm niêm mạc và teo nhung mao, dẫn đến kém hấp thu).
Hướng điều trị và phòng bệnh
Việc điều trị bệnh Basedow nhằm mục đích bình ổn chức năng hoạt động của tuyến giáp. Hiện vẫn chưa giải quyết được nguyên nhân sinh bệnh cho dù khoa học đã có nhiều tiến bộ trong hiểu biết về cơ chế bệnh sinh. Có ba phương pháp điều trị căn bản là điều trị nội khoa với các thuốc kháng giáp tổng hợp - phẫu thuật - và xạ trị bằng iode đồng vị phóng xạ.
Thời gian điều trị nội khoa, tức chỉ dùng thuốc Tây thường kéo dài 6 - 18 tháng, tùy trường hợp. Có trường hợp sau đợt điều trị tuyến giáp nhỏ lại cùng với sự biến mất của các triệu chứng khác. Nhưng cũng có trường hợp tuyến giáp vẫn lớn.
Bướu lớn trên cổ liên quan đến vấn đề thẩm mỹ. Nếu không thích “sống chung” với bướu thì người bệnh sau đợt dùng thuốc cần phải tái khám sớm để được phẫu thuật.
Đây là phương pháp hiện được nhiều bệnh nhân và thầy thuốc lựa chọn do giá thành của cuộc mổ ở mức có thể “chấp nhận được” đối với nhiều người. Trong các trường hợp bướu gây chèn ép khó thở hoặc sau ngưng thuốc bệnh tái phát nhanh thì vấn đề phẫu thuật sẽ được đặt ra như là một điều tất yếu.
Trong quá trình điều trị, người bệnh cần lưu ý đi khám sức khỏe định kỳ mỗi quý để theo dõi các tác dụng phụ của thuốc. Sau một đợt điều trị, khoảng 40% trường hợp bệnh nhân Basedow thuyên giảm vĩnh viễn, số còn lại có khả năng tái phát.
Một điều đáng lưu ý là bệnh Basedow tương đối phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi 20 - 30. Điều quan trọng là bệnh nhân phải tham khảo ý kiến bác sĩ khi lập kế hoạch mang thai và sinh nở. Mặc dù, bệnh
Basedow có khuynh hướng ổn định trong thai kỳ, nhưng nó thường tăng mức độ nghiêm trọng sau khi sinh con. Vì lý do này, điều quan trọng là phải thường xuyên được thăm khám và theo dõi.