Điều trị thành công ca bướu cổ nặng dẫn đến suy tim

GD&TĐ - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) vừa điều trị thành công cho người bệnh N.T.M. – 74 tuổi, (ở Bình Phước), bị bướu cổ 50 năm chèn ép dẫn đến Tâm phế mạn, tên gọi khác của suy tim phải do bệnh lý tại phổi.

Khối bướu cổ của người bệnh được phẫu thuật cắt bỏ
Khối bướu cổ của người bệnh được phẫu thuật cắt bỏ

Bà M. bị bướu cổ cách đây gần 50 năm. Năm 1969, người bệnh từng phẫu thuật cắt bướu một lần nhưng do không được cắt bỏ hoàn toàn nên bướu ngày càng lớn hơn. Khối bướu to với trọng lượng hơn 0,5kg chèn ép khiến người bệnh khó thở, khó nuốt, khàn tiếng, run tay chân, đặc biệt tình trạng khó thở nặng nề hơn khi ngủ làm bà M. phải ngủ ngồi gần 2 năm nay.

Bên cạnh đó, người bệnh còn có tiền sử hút thuốc lá trên 30 năm với liều lượng trung bình 1,5 gói/ngày. Bà M. đã đi khám tại nhiều cơ sở y tế tại TPHCM để được mổ bướu cổ, nhưng lần nào bà cũng bị hoãn mổ vào phút cuối vì lý do có bệnh suy tim nặng kèm theo.

Khi đến khám tại BV ĐHYD TPHCM, bà M. được chẩn đoánSuy tim phải, tăng áp động mạch phổi nặng do bệnh lý tại phổi (bướu cổ to chèn ép khí quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) và được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối bướu.

BS. Bùi Thế Dũng – Trưởng khoa Nội tim mạch BV ĐHYD TPHCM cho biết: “Người bệnh M. mắc cùng hai bệnh lý gây nên tình trạng tâm phế mạn. Thứ nhất là do bướu tuyến giáp quá lớn làm nghẹt đường thở lâu dài, gây nên tình trạng suy hô hấp mạn tính, giảm oxy và tăng CO2 trong máu.

Thứ hai là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) do người bệnh hút thuốc lá lâu năm. Cả hai bệnh lý này lâu dần sẽ làm tăng kháng lực đường thở và mạch máu phổi,tiến triển đến suy tim phải.

Sau quá trình hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ Bệnh viện nhận thấy tình trạng suy tim của bà M. có nguyên nhân chính là bướu giáp quá to chèn ép đường thở, nếu để lâu có nguy cơ tử vong nên đã chỉ định phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp cho người bệnh. Sau phẫu thuật, bà M. đã có thể nằm ngủ, phục hồi dần chức năng tim – phổi, sức khỏe ổn định và xuất viện.”

ThS BS. Trần Thanh Vỹ - Trưởng khoa Lồng ngực mạch máu BV ĐHYD chia sẻ thêm: “Đây là một trường hợp rất đặc biệt, vì khối bướu rất to, gây chèn ép nhiều cơ quan dẫn đến suy tim và nằm ở vùng cổ dính rất nhiều mô xung quanh, nên việc phẫu thuật gặp nhiều khó khăn. Vì vậy bác sĩ phẫu thuật cần có kinh nghiệm và tay nghề vững vàng mới có thể cắt bướu triệt để mà ít gây tổn thương cho người bệnh.”

Các bác sĩ cũng khuyến cáo tình trạng bướu cổ chèn ép các cơ quan khác không quá phổ biến, xảy ra khi người bệnh để bướu phát triển to trong thời gian dài mà không phẫu thuật cắt bỏ. Người bệnh bướu cổ cần đi khám 6 tháng/lần để được các chuyên gia xác định khối bướu có gây chèn ép các cơ quan khác hay không, từ đó đưa ra chỉ định điều trị phù hợp.Người bệnh đã cắt bỏ bướu giápcũng nên tái khám thường xuyên để được bác sĩ theo dõi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ