Bướu cổ tuổi học trò

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bướu cổ là loại bệnh thường gặp ở người lớn. Đôi khi bướu cổ lại 'chọn' người trong độ tuổi học trò để 'đeo bám'.

Bướu cổ là một khối u do tuyến giáp phình to tạo thành. Ảnh: IT
Bướu cổ là một khối u do tuyến giáp phình to tạo thành. Ảnh: IT

Về bản chất, bướu cổ là một khối u do tuyến giáp phình to tạo thành. Tuyến giáp được bao bọc bởi một lớp bao xơ và có màu nâu đỏ. Cấu trúc gồm 2 thùy phải và trái, nối với nhau bằng một eo tuyến và xòe ra hình dạng như cánh bướm.

Tuyến giáp nằm dưới da ngay trước cổ, tại vị trí tương ứng với sụn giáp, mặt dưới của tuyến tựa lên khí quản. Do gắn vào sụn giáp bởi lớp cân sau nên khi nuốt tuyến giáp di động theo. Bình thường không nhìn thấy và không sờ “thấy” tuyến giáp.

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết lớn nhất trong cơ thể con người, trọng lượng khoảng 10 - 20 gram. Tuyến giáp tiết ra hormone T3 (triiodothyronine) và T4 (thyrocin). Các hormone này tham gia vào việc điều hòa các chuyển hóa trong cơ thể liên quan đến việc phát triển thể chất và tinh thần, nhất là ở tuổi đang phát triển.

Như những bộ phận khác trong cơ thể, tuyến giáp cũng có thể phát sinh ra nhiều bệnh, mà thường gặp nhất ở độ tuổi học trò là bệnh bướu giáp đơn thuần và bệnh cường tuyến giáp.

Bệnh bướu giáp đơn thuần

Bệnh bướu giáp đơn thuần có thể phòng tránh bằng việc bổ sung thành phần iode cho cơ thể qua việc sử dụng muối iode. Ảnh: IT

Bệnh bướu giáp đơn thuần có thể phòng tránh bằng việc bổ sung thành phần iode cho cơ thể qua việc sử dụng muối iode. Ảnh: IT

Bướu giáp đơn thuần là bệnh do thiết hụt iode gây nên. Trước đây, những người sống ở vùng núi, hay vùng đá vôi thiếu hụt sự cung cấp iode qua thức ăn, nước uống và nhất là việc sử dụng muối có bổ sung iode thường bị mắc bệnh này.

Bướu cũng có thể xuất hiện khi nhu cầu iode cơ thể tăng cao như người đang mang thai, thiếu nữ mới lớn. Bệnh bướu cổ đơn thuần không gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Sự phát triển thể chất và tinh thần của bệnh nhân vẫn bình thường. Các xét nghiệm sinh hóa và huyết học không có gì thay đổi.

Bướu giáp đơn thuần thường điều trị nội khoa bằng tinh chất hormone tuyến giáp (như thyreoidin) và thời gian dùng thuốc từ 3 - 6 tháng hoặc kéo dài hơn, tùy theo mức độ của bướu và sự đáp ứng điều trị. Các trường hợp bướu quá to cần phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến giáp kết hợp với điều trị nội khoa.

- Phòng bệnh bướu giáp đơn thuần: Cần ăn nhiều cá và nhất là sử dụng muối có iode. Cần đi khám sớm tất cả những trường hợp có các biểu hiện bất thường ở cổ hoặc khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Việc phát hiện sớm bướu giáp đơn thuần sẽ điều trị hiệu quả bằng nội khoa mà không cần phải phẫu thuật.

Trong những năm gần đây, việc tuyên truyền sử dụng muối có iode thay cho muối rang hoặc hầm được đẩy mạnh tại các địa phương. Nhà nước cũng có chương trình hỗ trợ muối có iode cho đồng bào dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa, nơi bướu giáp đơn thuần thường lưu hành.

Bệnh cường tuyến giáp

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bệnh cường tuyến giáp ở độ tuổi học trò diễn ra cũng giống như bệnh basedown, một loại bệnh cường tuyến giáp ở người lớn. Có khoảng 5% bệnh nhân cường giáp dưới 15 tuổi.

Cường tuyến giáp là hậu quả của rối loạn sự tăng tiết của tuyến giáp. Do rối loạn tăng tiết, nên lượng thyrocin (một loại hormone tăng trưởng) sản xuất ra “đổ” vào trong máu dư thừa.

Nguyên nhân gây ra sự rối loạn này liên quan đến hiện tượng miễn dịch tự miễn của cơ thể, nghĩa là bản thân tự tạo ra bệnh. Nói chung, cơ chế gây bệnh và bệnh cảnh khá phức tạp, đa dạng. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ, nghĩa là bệnh khởi phát đã lâu, thường từ 6 - 12 tháng.

Các dấu hiệu thường gặp: Hồi hộp, tăng cảm xúc, năng động, ăn nhiều nhưng vẫn tụt cân, ngủ ra nhiều mồ hôi, da luôn ẩm ướt, yếu cơ tay run, tim đập nhanh, tuyến giáp lớn, mắt lồi. Các trường hợp nặng hay mệt, thở khó, tăng huyết áp, đe dọa suy tim.

Nghe tim có tiếng thổi, chụp phim thấy bóng tim to. Xét nghiệm T3 và T4 thường tăng cao. Chụp hình tuyến giáp thấy gia tăng kích thước. Chụp hình các xương thấy tuổi xương trưởng thành hơn là tuổi thực.

- Hướng điều trị: Nhìn chung, có 2 phương pháp điều trị bệnh cường giáp ở trẻ em là điều trị nội khoa và phẫu thuật.

Việc điều trị nội khoa bằng các thuốc kháng giáp là điều trị bảo tồn. Thuốc được chỉ định nghiêm ngặt bởi các bác sĩ chuyên khoa với liều lượng thay đổi tùy theo từng trường hợp. Thời gian dùng thuốc kéo dài nhiều năm. Nếu việc điều trị bảo tồn không có kết quả, vấn đề phẫu thuật sẽ được đặt ra và tuyến giáp bị cắt bỏ bớt một phần.

Xem ra bệnh cường giáp là bệnh lý mà trời kêu ai nấy “dạ”. Riêng bệnh bướu giáp đơn thuần có thể phòng tránh bằng việc bổ sung thành phần iode cho cơ thể qua việc sử dụng muối iode. Hy vọng sẽ không có người nào bị mắc bệnh vì “lười” phòng bệnh nhé!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ