'Đau đầu' bù lấp giáo viên, lớp học cho khối đầu cấp

GD&TĐ - Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2023 - 2024, học sinh các lớp đầu cấp đều tăng, đặc biệt là lớp 6.

Học sinh Trường THCS Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Vân Anh
Học sinh Trường THCS Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Vân Anh

Cụ thể, toàn thành phố có 188.429 học sinh sẽ vào lớp 6, tăng 38.519 em so với năm học trước. Học sinh tăng trong bối cảnh ngành thực hiện tinh giản biên chế và dạy học theo Chương trình GDPT mới khiến các trường học gặp nhiều khó khăn trong việc tính toán số lớp, phân công giáo viên giảng dạy.

Nỗi lo “kép”

Quy mô trường lớp, học sinh ngày càng tăng, nhân sự theo biên chế được giao chưa tuyển đủ, ngành Giáo dục tiếp tục “đau đầu” với bài toán tinh giản biên chế. Theo thống kê, năm học 2022 - 2023, tổng số viên chức ngành Giáo dục của thành phố Hà Nội còn thiếu so với định mức do Bộ GD&ĐT quy định là 10.265 biên chế, trong đó số giáo viên thiếu của bậc tiểu học là 3.436 người, bậc THCS là 3.135 người, bậc THPT là 1.311 người.

“Thiếu giáo viên khiến nhà trường chịu áp lực nhiều phía, vừa vận động, thuyết phục để giáo viên dạy quá tiết theo quy định, có trường hợp phải dạy hơn 20 tiết/tuần (trong khi quy định nhiều nhất là 18 - 19 tiết/tuần), vừa phải lo bảo đảm chất lượng”, Hiệu trưởng Trường THCS Lĩnh Nam cho hay.

Cô Trần Lệ Khanh, Hiệu trưởng Trường THCS Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) cho biết: Khi Chương trình GDPT 2018 bắt đầu áp dụng với lớp 6, tình trạng thiếu giáo viên của trường thêm trầm trọng vì có các môn học, hoạt động mới. Thực hiện chương trình, giáo viên Toán phải dạy cả Tin học, giáo viên Văn dạy nội dung giáo dục địa phương hay hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, Tiếng Anh là môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3, với thời lượng 4 tiết/tuần (thay vì là môn học tự chọn, 2 tiết/tuần như trước). Tuy nhiên, số giáo viên tiếng Anh hiện có của Trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy) không đủ để đảm đương được yêu cầu của chương trình mới, đòi hỏi nhà trường phải bổ sung.

Tương tự, với môn Tin học và Công nghệ lớp 3, theo chia sẻ của cô Hiệu trưởng Đỗ Thị Mai, giáo viên tin học phải có thêm chứng chỉ bồi dưỡng theo quy định mới được dạy môn Tin học và Công nghệ. Do đó, dù không thiếu giáo viên, nhưng nhà trường vẫn gặp khó, khi các giáo viên tin học chưa có chứng chỉ, nhưng vẫn phải đảm nhận nội dung công nghệ. Để bảo đảm chất lượng dạy học, nhà trường tự tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên môn này.

Tuyển chưa đủ biên chế được giao nhưng nhà trường cũng như ngành GD-ĐT tiếp tục phải đối mặt với bài toán tinh giản biên chế. Mới đây, ngành Nội vụ yêu cầu các địa phương thực hiện giảm tối thiểu 10% số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2022 - 2026 so với năm 2021 và xây dựng kế hoạch sử dụng biên chế từng năm cho giai đoạn 2023 - 2026. Điều này khiến nhà trường đã rối càng thêm rối khi số học sinh vào lớp 1 năm nay nhiều hơn năm trước.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Hợp đồng cũng khó

Đề cập những khó khăn của việc bố trí đội ngũ, ông Nguyễn Đức Hòa, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ thông tin: Trên địa bàn huyện hiện nay thiếu 153 giáo viên tiểu học và 95 giáo viên THCS, còn giáo viên mầm non đã đủ biên chế. UBND huyện đã có kế hoạch gửi lên Sở Nội vụ để duyệt biên chế, tổ chức thi tuyển từ năm 2022 nhưng chưa thực hiện được.

Cùng với đó, theo lộ trình tinh giản 10% biên chế khiến các trường tiểu học thêm khó khăn “thiếu chồng thiếu”. Việc ký hợp đồng giáo viên cũng không dễ vì khó tìm nguồn tuyển đảm bảo trình độ. Ngay ở phòng GD&ĐT cũng gặp khó khi nhân sự có 9 người và chỉ có 1 người đảm nhận chuyên môn ở mỗi cấp học.

Huyện Ứng Hòa hiện có 90 trường học với 39.488 học sinh, 2.983 giáo viên và còn thiếu 276 giáo viên so với yêu cầu. Năm trước, phòng đã tham mưu với UBND huyện tuyển 175 giáo viên và chỉ tuyển được 145 do nhiều trường không có thí sinh dự tuyển.

Địa bàn rộng, học sinh ít cũng là vướng mắc trong việc tuyển dụng giáo viên tại Ứng Hòa. Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ứng Hòa, số lượng học sinh/trường ít, có trường chỉ có 176 học sinh. Do vậy UBND huyện đã không duyệt biên chế do không không đủ 1 giáo viên/trường. Để khắc phục, phòng đã đề xuất phương án liên trường để có giáo viên dạy cho học sinh, đồng thời tiến hành tuyển dụng giáo viên hợp đồng cho những trường còn thiếu.

Tuy nhiên, trên địa bàn huyện có khu công nghiệp Đồng Văn, với thu nhập khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng, nhiều hơn khi đi dạy. Nhiều sinh viên đã lựa chọn đi làm công nhân, chờ đỗ viên chức mới dạy. Do đó, việc tìm giáo viên hợp đồng rất khó khăn, khiến tình trạng thiếu giáo viên lại càng trở nên cấp bách.

Lo từng phòng học

Năm học 2023 - 2024, đơn vị có số lượng tăng mạnh ở Hà Nội gồm quận Hà Đông (vào lớp 6 tăng 5.208 học sinh so với số hết lớp 9, tương ứng cần thêm 116 phòng học). Con số này ở Hoàng Mai là 3.482em/77 phòng học; Nam Từ Liêm là 3.351/74; Chương Mỹ là 3.199/71; Bắc Từ Liêm là 3.099/69. Tại quận Hoàng Mai, cùng với số học sinh lớp 6 tăng, số lớp 1 cũng tăng 3.086 em so với số hết lớp 5, tương ứng cần thêm 88 phòng học.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho hay, năm nào số học sinh đầu cấp ở quận cũng tăng. Năm nay, học sinh vào lớp 6 dự kiến tăng số lượng lớn hơn mọi năm. Để chuẩn bị trường, lớp cho năm học mới, Hà Đông đã xây dựng thêm 7 đơn nguyên cho các trường THCS.

Theo bà Hằng, giải pháp để giãn sĩ số trong những năm tới vẫn không có gì khác ngoài việc rà soát, dự báo số lượng học sinh tăng để có kế hoạch xây mới và sửa chữa các trường học, phòng học; đồng thời tạo điều kiện cho trường tư thục phát triển để phụ huynh có thêm sự lựa chọn.

Thông tin về việc chuẩn bị trường, lớp đón học sinh, bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai chia sẻ: Năm học 2022 - 2023, quận có 89 trường học, trong đó 48 trường mầm non, 23 trường tiểu học và 18 trường THCS với 2.048 lớp học, tăng 79 so với năm học trước. Quận cũng xây mới, cải tạo, thành lập mới nhiều trường học. Tuy nhiên, với dân số cơ học tăng quá nhanh dẫn đến tình trạng xây trường không kịp để đáp ứng.

Để chuẩn bị chỗ học cho học sinh, nhất là học sinh THCS năm học tới, quận tiếp tục xây dựng thêm trường học ở các cấp. Ngoài Trường THCS Tân Mai, THCS Đại Kim, THCS Hoàng Mai đã được cải tạo, xây mới, quận đã thành lập mới Trường THCS Linh Đàm, xây mới Trường THCS Định Công và có kế hoạch xây nhiều trường học trong thời gian tới.

Tại Hà Nội, năm nay, số học sinh vào lớp 6 tăng nhiều tại hầu hết quận huyện. Việc tăng đột biến số học sinh dẫn đến thiếu phòng học. Do đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các phòng GD&ĐT có phương án tham mưu với UBND các quận, huyện, thị xã triển khai bổ sung thêm phòng học, đảm bảo học sinh trong độ tuổi đều được đáp ứng nhu cầu học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.