Chuyên gia lí giải thực trạng thiếu trường lớp

GD&TĐ - Chương trình mới đòi hỏi cao hơn về cơ sở vật chất, trang thiết bị để học 2 buổi/ngày. 

Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường điều kiện cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn.
Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường điều kiện cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn.

Điều đó dẫn đến việc học sinh chưa theo Chương trình mới phải giảm buổi học nhường phòng cho lớp đang thực hiện.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam lý giải một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Học sinh đi trước, trường lớp theo sau

- Bà có nhận xét gì về thực trạng thiếu trường lớp ở nhiều địa phương trên cả nước diễn ra thường xuyên trong những năm gần đây?

- Thực tế cho thấy, tình trạng thiếu trường lớp dẫn đến sĩ số học sinh/lớp đông chủ yếu xảy ra ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Câu chuyện này không xảy ra ở các vùng miền núi, khó khăn do sĩ số học sinh giảm, có nơi phải thực hiện ghép trường lại với nhau do quy mô trường quá nhỏ như Hà Tĩnh, Hòa Bình...

Riêng hai đô thị lớn là Hà Nội hay TPHCM, chính quyền cũng quan tâm đầu tư, xây dựng các trường mới. Theo lãnh đạo TP Hà Nội, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội dự kiến xây dựng mới 433 trường, trong đó thành lập mới 225 trường, tăng thêm 8.323 phòng học và phòng học bộ môn. Đồng thời, cải tạo, sửa chữa 631 trường với 11.803 phòng học và phòng học bộ môn.

Hà Nội thiếu trường học do tình trạng tăng dân số cơ học quá nhanh, trường học mở ra chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Một khu đô thị mới mọc lên thì dân số tương đương với một phường. Mỗi phường phải có ít nhất một trường mầm non, trường tiểu học công lập. Câu chuyện một phường ở quận Hoàng Mai phải cho phụ huynh “bốc thăm” để tranh một suất vào học mầm non dù đúng tuyến là một ví dụ điển hình thời gian qua.

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền.

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền.

- Đối chiếu với tiêu chuẩn thiết kế trường học với mỗi cấp học thì hiện nay, các trường đang gặp phải những khó khăn gì thưa bà?

- Theo tiêu chuẩn quốc gia về thiết kế trường tiểu học, quy hoạch trường tiểu học phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường học, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo thuận lợi cho học sinh đến trường. Chỉ tiêu quy hoạch được xác định từ 65 - 80 chỗ học cho 1.000 dân.

Trường tiểu học được thiết kế tối đa 30 lớp với số học sinh mỗi lớp không lớn hơn 35 em. Tuỳ theo điều kiện thực tế, trường tiểu học có thể có thêm điểm trường ở những địa bàn khác nhau. Ở nơi đặc biệt khó khăn có thể tổ chức lớp ghép nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi học.

Do đó, với các thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM, vấn đề chính vẫn là thiếu quỹ đất để xây trường, nhất là ở một số khu đô thị. Mặc dù các trường vẫn cố gắng đi thuê, mượn cơ sở vật chất hoặc ưu tiên, sắp xếp đủ phòng học đạt tiêu chuẩn cho học sinh để đảm bảo điều kiện dạy và học, thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhưng hiện nay quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố còn những bất cập.

Đầu tư cho giáo dục chưa đạt mức tối thiểu

- Theo bà, mức độ đầu tư cho giáo dục của Nhà nước thời gian qua đã tương xứng với thực tế?

- Báo cáo về hoạt động giáo dục và thực hiện ngân sách giáo dục năm 2022 của Chính phủ cho thấy, dự toán chi thường xuyên lĩnh vực GD-ĐT là 275.709 tỷ đồng trên tổng số 1.784.600 tỷ đồng chi ngân sách Nhà nước, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 15,45%. Con số này chưa đạt mức tối thiểu được giao tại Nghị quyết số 37 ngày 3/12/2004 của Quốc hội và quy định tại điều 96 Luật Giáo dục 2019: Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Như vậy, bấy lâu nay chúng ta luôn đề cao khẩu hiệu “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Tuy nhiên, mức độ đầu tư cho giáo dục đang có sự phân hóa. Ở đa số trường vùng cao, các khoản chi cho con người chiếm hơn 90% tổng chi thường xuyên. Trường lớp thì được xây đẹp, nhưng nhiều nơi không có đủ thiết bị học tập cho học sinh.

Vì thế, theo tôi, Chính phủ cần đưa ra đề án riêng về đầu tư cho giáo dục để yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc nhằm triển khai Chương trình mới. Có như thế, tình trạng thiếu trường lớp hay thiếu trang thiết bị phục vụ học tập cho học sinh mới được giải quyết hiệu quả, để mỗi đợt tuyển sinh đầu cấp sẽ “bớt nóng” đi phần nào.

- Vai trò của các trường ngoài công lập (tư thục) là không thể phủ nhận trong việc san sẻ “gánh nặng” về sĩ số học sinh. Bà nhìn nhận ra sao về việc hỗ trợ các trường tư thục trong thời gian qua?

- Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 40/2021 về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục. Theo đó, trường phổ thông tư thục là cơ sở giáo dục phổ thông thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động, được cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập và hoạt động giáo dục.

Về cơ chế, các trường tư thục được Nhà nước cũng như chính quyền địa phương ưu đãi như miễn/giảm tiền thuê đất tùy từng mức độ và trường hợp cụ thể theo Nghị định 46/2014 của Chính phủ.

Ngoài ra, với học sinh trường tư thục cũng được ưu đãi về học phí. Ví dụ tại Hà Nội, theo Nghị quyết số 05 của HĐND thành phố Hà Nội ngày 7/7/2020, mức học phí cấp THCS là 155.000 đồng/tháng. Tức là, tất cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập, dân lập, tư thục (không bao gồm các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài) được hỗ trợ mỗi em học sinh THCS 155.000 x 50% = 77.500 đồng/tháng (tối đa 9 tháng).

Việc hỗ trợ chung cho tất cả học sinh không phân biệt trường công lập hay tư thục là một tiến bộ lớn. Thành phố đã ghi nhận khối trường tư thục sau những đóng góp suốt 30 năm qua cho Thủ đô như giúp giảm số học sinh/lớp của trường công, giảm áp lực lớn cho công tác tuyển sinh đầu cấp THPT, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn người…

- Xin cảm ơn PGS!

Để tháo gỡ khó khăn của các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có gói tín dụng ưu đãi 1.400 tỷ đồng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất một tháng theo yêu cầu phòng chống dịch để phục hồi hoạt động dạy và học sau đại dịch Covid-19. Nhờ đó, hơn 3.200 trường mầm non, tiểu học và hơn 12.300 cơ sở giáo dục mầm non độc lập được thụ hưởng chính sách với thời gian vay vốn là 36 tháng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ