'Cuộc đua' tuyển sinh đầu cấp nóng dần

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thống kê sơ bộ, năm học 2023 - 2024, các địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Nghệ An, Hải Phòng… đang tăng số lượng học sinh đầu cấp.

Học sinh Trường THCS Đằng Hải, quận Hải An - TP Hải Phòng). Ảnh: INT
Học sinh Trường THCS Đằng Hải, quận Hải An - TP Hải Phòng). Ảnh: INT

Tình trạng xếp hàng mua hồ sơ, bình luận trên diễn đàn cho thấy sức nóng của cuộc đua vào lớp đầu cấp.

“Đau đầu” vì quá tải

Dự kiến, số học sinh lớp Một, lớp Sáu của quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) sẽ tăng 1.100 em so với năm học 2022 - 2023, bằng quy mô của một trường học. Ông Nguyễn Thanh Lịch, Trưởng phòng GD&ĐT Liên Chiểu cho biết: “Năm học 2023 - 2024, nếu không xây mới một trường tiểu học hoặc THCS thì tiếp tục tận dụng các phòng chức năng, hội trường... để học sinh học tập. Dù vậy, toàn quận vẫn thiếu 18 phòng học và dự kiến thuê các cơ sở cho học sinh học tạm”.

Chỉ tính riêng cấp THCS của quận Liên Chiểu, dự kiến năm học 2023 - 2024, cần 172 phòng học nên sẽ thiếu 14 phòng. Theo kế hoạch, học sinh khối 5 phải học 1 buổi, có trường phải bố trí học 2 ca sáng - chiều cho khối 5 chứ không thể tập trung vào cùng 1 ca.

Phường Hòa Khánh Bắc là địa phương có dân số đông nhất của quận Liên Chiểu với hơn 50 nghìn người, trong đó có khoảng 7.000 hộ thường trú, gần 1.000 hộ tạm trú. Thế nhưng, phường này chỉ có 1 trường THCS, 2 trường tiểu học nên học sinh của phường phải đi học tại các trường khác trên địa bàn lân cận. Phòng GD&ĐT Liên Chiểu phải điều tiết học sinh đúng tuyến của Trường THCS Nguyễn Lương Bằng sang học các trường khác.

Để “gánh” cho Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, các trường THCS khác điều tiết học sinh theo hướng liên cư, liên địa. Như học sinh đúng tuyến Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, THCS Lương Thế Vinh sang học THCS Nguyễn Chơn; học sinh THCS Ngô Thì Nhậm xuống học Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm…

Thậm chí, có một số học sinh của phường Hòa Khánh Bắc xuống học ở Trường THCS Đàm Quang Trung của phường Hòa Hiệp Nam. Dù khoảng cách di chuyển gần hơn, nhưng theo như ông Nguyễn Thanh Lịch, tâm lý của phụ huynh vẫn mong muốn học sinh được học trường đúng tuyến nên đã nảy sinh bức xúc.

Chính vì vậy, đầu năm học 2022 - 2023, hơn 30 hộ dân ở tổ 76, 77, 78 thuộc địa bàn phường Hòa Minh đồng loạt gửi đơn đến UBND phường khi biết thông tin con em được đưa về học tại Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh trên địa bàn phường Hòa Minh.

Chị H.T., có hộ khẩu thường trú tại tổ 77 cho biết, những năm học trước, các cháu đến tuổi vào lớp 1 đều được bố trí học đúng tuyến tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Hòa Minh), nhưng không hiểu sao năm nay ngành Giáo dục lại phân học sinh ở 3 tổ nói trên về trường khác xa hơn.

Trong khi đó, các cháu ở phường khác lại được chuyển đến Trường Tiểu học Võ Thị Sáu học. Mong chính quyền địa phương sớm có kiến nghị với ngành Giáo dục của quận xem xét lại. Sau đó, UBND quận và Phòng GD&ĐT Liên Chiểu phải điều chuyển số học sinh trên trở về học tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, khiến cho tình trạng quá tải của trường này càng thêm trầm trọng.

Giờ học Ngữ văn của học sinh lớp 7, Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Ảnh: NTCC

Giờ học Ngữ văn của học sinh lớp 7, Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Ảnh: NTCC

“Nhấp nhổm” chọn trường, chọn cô

Dù chưa có kế hoạch tuyển sinh cho năm học tới, nhưng nhiều phụ huynh ở Hải Phòng đã nhấp nhổm trong việc chọn trường, chọn lớp cho con. Vì thế, hằng năm, cứ qua đợt nghỉ Tết Nguyên đán, cuộc chạy đua vào lớp đầu cấp như “làn sóng ngầm”.

Chị Hoàng Thị Nhân, trú tại quận Lê Chân, có con gái học lớp 5 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1. Bên cạnh việc cho con đi học chữ trước, gia đình đã “đặt chỗ” cho cháu tại trường tiểu học có tiếng trên địa bàn. Theo chị Nhân, vì trái tuyến nên phải chủ động đi sớm một bước.

Chị Nhân bày tỏ: “Chuyện chọn trường, lớp, chọn cô bao năm nay vẫn thế. Dù Nhà nước cấm nhưng đây là làn sóng ngầm, người nọ rỉ tai người kia. Hơn nữa phụ huynh cũng mong con được học môi trường tốt nên không lo trước sẽ mất cơ hội vì chỉ tiêu trái tuyến không có nhiều”.

Ngay khi con học tiểu học, gia đình anh Hoàng Văn Hùng (quận Hồng Bàng) đã “nhắm” trường THCS cho con. Dù tuyển sinh đúng tuyến, nhưng vợ anh đã tính xin học cho con môn Toán – Văn - Anh lớp 6 của thầy cô trong trường với mong muốn con vững kiến thức từ đầu cấp.

Thầy Trịnh Doãn Toản, Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng, quận Hồng Bàng cho hay, theo phân luồng tuyển sinh, nhà trường được tuyển học sinh trên địa bàn các phường: Minh Khai, Hoàng Văn Thụ, Phan Bội Châu. Qua khảo sát, số lượng học sinh đúng tuyến sẽ tuyển được khoảng 5 - 6 lớp trong khi nhà trường xây dựng kế hoạch tuyển sinh 13 lớp. Hiện nhà trường chưa thông báo tuyển sinh vì đợi công văn chỉ đạo của Sở GD&ĐT và UBND quận Hồng Bàng.

Tuy nhiên, một số trường học trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận thông tin đăng ký tuyển sinh của phụ huynh vì sợ hết chỗ dù năm học chưa kết thúc. Ngay khi nắm được thông tin này, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã ban hành văn bản chấn chỉnh một số nội dung trong công tác tuyển sinh đầu cấp và định hướng, phân luồng học sinh tham gia tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024.

Theo văn bản này, sở đề nghị phòng GD&ĐT quận, huyện chỉ đạo các trường phải đảm bảo hoàn thành chương trình năm học. Đơn vị triển khai tuyển sinh đầu cấp hàng năm khi có kế hoạch, hướng dẫn do sở ban hành. Các phòng GD&ĐT rà soát, kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm đơn vị thực hiện việc tuyển sinh không đúng quy định.

Ông Nguyễn Thanh Lịch, Trưởng phòng GD&ĐT Liên Chiểu cho biết, năm học 2023 - 2024, quận sẽ điều tiết tuyển sinh đầu cấp theo hướng liên cư, liên địa, phụ huynh không cần xác nhận tình trạng cư trú. Phòng GD&ĐT đã lên danh sách học sinh đầu cấp của các trường tiểu học, THCS dựa trên số liệu điều tra phổ cập, có bổ sung cả số hộ tạm trú để làm căn cứ xây dựng phương án tuyển sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ