Đặt tên 38 tuyến phố mới ở Hà Nội: Không chỉ là tên một con đường

GD&TĐ - Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về việc đặt tên đường cho 38 tuyến phố mới.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong số đó, có vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Theo đề xuất, phố Xuân Quỳnh bắt đầu từ ngã ba giao cắt phố Vũ Phạm Hàm. Phố Lưu Quang Vũ dự kiến từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Khang đến ngã ba ngõ 22 Trung Kính, đối diện Trường THCS Yên Hòa.

Nhà thơ Chế Lan Viên được dự kiến đặt tên cho một con phố tại quận Bắc Từ Liêm. Nhà văn Nguyễn Minh Châu ở quận Long Biên, nhạc sĩ Huy Du ở quận Nam Từ Liêm.

Ngoài ra còn có nhiều danh nhân thời trung đại cũng được dự kiến đặt tên đường phố lần này như: Hoàng giáp Nguyễn Như Uyên, Tổ nghề vàng Kiêu Kỵ Nguyễn Quý Trị, Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh, tiến sĩ thời Lê - Dương Trực Nguyên, Học sĩ nhà Lê sơ Lý Tử Tấn…

Có thể nói, trong 38 tên tuổi được dự kiến lựa chọn lần này, cho thấy yếu tố lịch sử truyền thống luôn được ưu tiên nhằm lan tỏa các giá trị văn hóa, giáo dục và con người.

Tên đường phố không đơn thuần phục vụ việc quản lý đô thị và nhận biết địa chỉ, mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục lịch sử - văn hoá. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều người dân ở tuyến phố mình ở không nắm được tiểu sử của danh nhân được chọn.

Phố Nguyễn Chánh (Cầu Giấy) mang tên vị tướng nhưng luôn bị nhầm lẫn với họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. Phố Nguyễn Hoàng (Nam Từ Liêm) tôn vinh vị chúa đặt nền móng cho vương triều Nguyễn bị hiểu thành tên nhạc sĩ Nguyễn Hoàng.

Và thậm chí, có những tên đường mà ngay cả người sống ở đó cũng không biết vị danh nhân được chọn đặt tên là ai và sống vào thời nào? Ví như đường Trần Hòa ở phường Định Công (Hoàng Mai) – vốn là tên vị tổ nghề kim hoàn cùng 2 người em là Trần Điện và Trần Điền. Tuy nhiên, đa số người dân không biết, và nếu có biết thì lại nhầm sang một người khác thời hiện đại – cũng tên Trần Hòa.

Tên đường phố không chỉ mang nét đặc trưng văn hóa - văn minh đô thị, mà còn góp phần quan trọng vào việc giáo dục lịch sử, cũng như văn hiến của vùng đất đó – và rộng hơn là một đất nước. Nhưng gần như, chúng ta mới thành công trong việc đặt tên, chứ chưa có phương án khả thi để người dân hiểu ý nghĩa tên đường.

Đã có nhiều tranh cãi, bàn luận và cả những góp ý về vấn đề này. Ngoài việc gắn ghi chú dưới bảng tên danh nhân, phát tờ rơi, mở cuộc thi tìm hiểu… thì dường như chúng ta còn thiếu nền tảng trong việc truyền bá, cũng như dạy và học lịch sử.

Nếu chỉ là tên một con đường để định vị địa chỉ, thì quá dễ. Nhưng để người dân biết về sự nghiệp, cùng những đóng góp của danh nhân được đặt tên, thì mới là thành công trọn vẹn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ