Đường có tên, nhà có số, đó là tiêu chí cơ bản khác biệt giữa đô thị và vùng nông thôn. Nhưng đô thị đánh số nhà ra sao và định danh đặt tên đường thế nào, hóa ra mỗi quốc gia, mỗi thời đại lại có một sự sai khác.
Mới đây ở TP.Đà Nẵng, khi dịch COVID-19 diễn tiến, sự cố một cán bộ phường lây nhiễm khiến dư luận quan tâm, người ta mới biết có một địa điểm tên Chợ Lầu Đèn. Hỏi ra thì địa điểm này có tên gọi tận thời Pháp thuộc. Nghĩa là cái tên nghe rất nông thôn ấy, lại được nhà chức trách ngày xưa chọn cho vị trí được đô thị hóa ở Đà Nẵng.
Mở rộng ra, những tên đường, ngõ phố tại Đà Nẵng, Hà Nội, hay một thành phố nào đó tận Tây Nguyên, theo dòng chảy đô thị hóa, luôn hàm chứa những nguyên tắc định danh, mà sự tìm hiểu ra sẽ rất thú vị. Quan trọng hơn, khi hiểu được nguyên tắc định danh số nhà hay tên đường ở một quốc gia, một thành phố, sẽ là điều kiện cơ bản để một du khách xa lạ nào đó, tự tin tìm đến đô thị ấy để lang thang vỉa hè, mà không cần bất kỳ tờ bản đồ cầm tay nào.
Đường phố Pháp: Câu chuyện về lịch sử vùng đất
Nói đến đường phố Hà Nội, Hải Phòng khi được đặt tên, nhiều người nhắc đến những đường phố Paris. Bởi lịch sử đã chứng minh, chính những quan chức Pháp thuộc từng bước đặt tên cho các con đường ở các đô thị này, và dĩ nhiên việc đặt tên ấy luôn dính líu đến các nguyên tắc, cách đặt danh xưng đường phố ở nước họ.
Tìm hiểu sẽ thấy, người Pháp xưa thường gọi địa danh theo phường nghề họ từng có tại các đô thị, cụ thể như ở Paris. Thành phố này đã kinh qua nhiều giai đoạn phát triển lịch sử, mà cơ bản là hình thành các nhóm người dân cư ngụ theo nghề nghiệp, tạo nên những phường nghề tồn tại trăm năm. Khi đặt tên đường phố theo những dấu tích này, người ta sẽ dễ tra cứu ra quá khứ ở đó từng là nơi ở của nhóm người dân nào, ví dụ phố thợ mộc, phố lò mì, phố thợ xây...
Người dân tại các đô thị Pháp cũng hay gọi tên đường phố họ ở theo một địa điểm dễ thấy, dễ gợi nhớ, như phố có đài phun nước, phố có tháp đồng hồ, phố cổng chợ lớn, phố bãi đua ngựa... Việc này thuận tiện cho người dân sinh hoạt trong từng giai đoạn nhất định, và cũng giúp người ta dễ lưu giữ lại ấn tượng hình ảnh, giá trị những công trình, sự việc đã từng có trong quá khứ lịch sử của vùng đất.
Tiếp đó, một số thế hệ quản lý về sau xuất hiện một số quan lại chức sắc đã chọn các đường phố mới xây dựng theo tên vua chúa để vinh danh dòng tộc, hoặc tên các vị thánh trong tôn giáo để ca ngợi. Nhiều đường phố lớn Paris đã in đậm những cái tên này trong thời gian dài của lịch sử Trung cổ. Song với những cách đặt tên này, người ở xa đến sẽ có chút rắc rối, đặc biệt với những đường phố có nghề hay công trình dễ nhớ lại giống nhau, hay tên đặt theo vua chúa có cách phát âm giống nhau, buộc người ta phải gắn thêm con số phía sau mới phân biệt được.
Bởi thế, đến thời Napoleon, việc đánh lại số nhà và tên đường đã được cải cách. Các sử gia ghi chép việc này được ông vua cộng hòa đưa ra, nhằm giải quyết tình trạng thư từ lính tráng ở mặt trận gửi về gia đình thường bị thất lạc, do có quá nhiều con đường, ngõ phố giống nhau tại Paris. Thống kê cho thấy, thành phố này có đến gần 6.000 con đường, quảng trường lớn nhỏ vào thời điểm đó, nên sự nhầm lẫn là phổ biến. Các bộ phận tham mưu cho hoàng đế Napoleon sau khi bàn tính kỹ, đã quyết định đặt tên các con đường Paris theo đúng các làng nghề, địa danh đã có trong lịch sử, mà dân chúng từng ghi nhớ. Họ cũng dần bỏ các loại tên hoàng tộc hay chức sắc tôn giáo vốn dễ gây nhầm lẫn hoặc không đáng tôn vinh nữa. Qua đó, một hệ thống tên đường Paris với những cụm phố, khu vực có sự tương quan, dễ nhớ đã hình thành, được đánh số lần lượt, ví dụ phố Thợ mộc 1, Thợ mộc 2...
Việc đánh số đường và số nhà, lại được chọn lấy sông Seine làm mốc, do con sông này chảy giữa Paris. Những con phố, con đường chạy dọc sông sẽ đánh số từ đông sang tây, xuôi theo dòng nước, đầu phố ở thượng nguồn và cuối phố là hạ nguồn. Những đường phố chạy xéo, vuông góc với sông thì đánh số từ bờ sông tính ra, giáp bờ sông số nhỏ, càng xa số càng lớn. Đặc biệt, đường phố Paris còn được đặt quy tắc phân chia hai dãy phố đối diện thành số nhà chẵn lẽ, theo đó dãy số lẻ luôn nằm bên trái và số nhà chẵn luôn ở bên phải, tính từ đầu phố tính lại. Đây là nguyên tắc được hầu hết các đô thị ở Châu Âu chấp thuận áp dụng theo, và dần phổ biến với mọi đô thị trên thế giới.
Có thể nói, những quy định đánh số nhà và đặt tên đường như vậy đã giúp Pháp có được những địa danh đường phố đô thị vừa gắn với lịch sử vùng đất, gợi nhắc quá khứ trong đời sống người dân, vừa thuận tiện giúp người ta tìm ra địa chỉ, chỉ cần định vị được mình đang đứng đâu. Cho đến nay, hầu như các thành phố ở Châu Âu đều thực hiện những quy định này khi đánh số nhà, đặt tên đường.
Người Mỹ chuộng tính khoa học thực dụng
Khác với Châu Âu, người Mỹ có lẽ cho rằng “lịch sử là để vinh danh” nên cách đặt tên đường tại Mỹ lại hầu như không dùng tên danh nhân hay chính khách nổi tiếng. Tên của những tổng thống nước này cũng không trở thành tên đường. Chỉ những người nổi tiếng thực sự, mới được đặt tên cho những ngã tư, đầu phố, các quảng trường hay công viên lớn, hoặc các các tòa nhà, công trình đồ sộ, để trở thành những cột mốc, tiêu điểm giúp người ta dễ định vị khi đi lại.
Còn các con đường, sẽ được người Mỹ đặt tên theo chữ cái và chữ số, căn cứ định vị theo cột mốc là tòa nhà hành chính của các đô thị, hoặc các tòa nhà bưu điện. Tương tự, hệ thống kinh tuyến, vĩ tuyến trên bản đồ, các con đường đô thị Mỹ sẽ được chia ra theo cụm với 4 phân vùng là tây bắc, tây nam, đông bắc, và đông nam; sau đó được phân chia đánh số theo trục dọc và trục ngang. Các đường phố chạy dọc sẽ dùng thứ tự bảng chữ cái ABC để đặt tên, hướng từ nam lên bắc; còn các đường phố cắt ngang sẽ đánh theo chữ số 123, dẫn từ đông sang tây. Như thế, những ngã tư giao nhau giữa các con đường và con phố ở Mỹ sẽ luôn có số hiệu như H1, A5 và số nhà được định vị kiểu nhà số 103 trên phố H, hay nhà số 5040 trên phố A...
Tất nhiên, việc giữ các địa danh nổi tiếng tại nước Mỹ để đặt tên cũng được áp dụng, nhất là ở các đô thị lớn, những vùng đất có lịch sử lâu năm. Theo đó, nhiều vùng đất cũ ở quá khứ luôn giữ nguyên tên gọi, sau đó các đường phố sẽ được đánh số lần lượt theo quy định chữ cái và số thứ tự. Như vậy, một du khách khi đứng ở ngã tư đường E giao với phố 7, thì sẽ hiểu ngay rằng trước mặt sẽ là các con đường A, B, C là ở sau lưng còn các con đường M, N là ở trước mặt, hoặc ngược lại; những dãy phố đánh số từ 8 trở đi sẽ ở trước mặt, những phố lớn hơn sẽ ở sau lưng... Việc này giúp người ta định vị được rất nhanh hướng lựa chọn phải đi mà không cần phải giở bản đồ hay cầu cứu ai hỗ trợ.
Người Trung Hoa tìm bài học vùng đất và tiêu chí xã hội
Các thành phố ở Trung Quốc đại lục, và cả Đài Loan (Trung Quốc), lại không lấy cách tính tọa độ theo kinh tuyến vĩ tuyến như người Mỹ hay theo dữ liệu tên gọi địa danh, địa lý, lịch sử như Châu Âu để đặt tên đường đánh số nhà. Họ trước hết chia đô thị theo các phân khu, gắn với tên gọi các vùng đất cũ trong quá khứ, như Bắc Đầu, Đào Viên... sau đó chọn các tên gọi những vùng đất, tỉnh lỵ làm tên đường phố. Vì vậy, khi đi đến các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, người ta sẽ gặp những tên đường như Triều Châu, Thành Đô, Trùng Khánh, Trường Xuân... Điểm dễ thấy là các tên đường gắn với địa danh này thường được xếp gần nhau nếu vị trí địa lý gần nhau hoặc có các đặc điểm địa lý vùng miền tương tự nhau.
Cạnh các con đường đặt tên theo địa danh, người Trung Quốc lại chọn các từ thể hiện các tiêu chí xã hội, đặc điểm văn hóa dân tộc để làm tên đường, như Bác Ái, Nhân Ái, Phúc Đức... hoặc những từ thể hiện khát vọng hành động, mục tiêu xã hội như Kiến Quốc, Hòa Bình, Dân Tộc... Những con đường có nút giao thoa với nhau sẽ được ưu tiên đặt các tên gọi có tính chất tương hợp với nhau, dễ dàng suy luận nhận ra, ví dụ Dân Tộc sẽ giao nhau với Nhân Dân, Hòa Bình với Thống Nhất... Tại Trung Quốc, chỉ có một người được chọn đặt tên đường là Tôn Trung Sơn. Tại Đài Loan (Trung Quốc), có thêm một người khác là Tưởng Giới Thạch, và Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt là được đặt tên đường. Nhưng các trường hợp này cũng chủ yếu đặt theo bí danh, tên tự... chứ không đặt tên trực tiếp.
Đối với những tuyến phố cắt nhau với các con đường, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) sẽ tiến hành đánh tên theo số thứ tự căn cứ từ trục trung tâm đô thị, và cũng tuân thủ theo nguyên tắc đánh số thứ tự từ đông sang tây, đánh chữ cái từ nam lên bắc...
Sự chấn chỉnh cần thiết cho tên đường đô thị Việt
Ở Việt Nam chúng ta, chủ trương đặt tên đường lâu nay là chọn theo danh nhân, anh hùng dân tộc, với tiêu chí như mặc định là “người càng có công đường càng lớn”. Những anh hùng dân tộc, lãnh tụ đất nước sẽ được chọn cho những tuyến đại lộ, có chiều dài hơn và tầm vóc giao thông tác động đô thị lớn hơn, như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Nguyễn Tất Thành... Điều này có vẻ xuất phát từ sự tương quan đặt tên đường thời Pháp thuộc, nhưng có tính nghiêm túc và chặt chẽ hơn bởi mục đích vinh danh những người có công lao với đất nước, với thời đại và nhân dân. Trong nhiều năm qua, các cấp chính quyền đô thị thành lập hẳn những tiểu ban nghiên cứu, hội tụ các bậc trí thức địa phương, các chuyên gia về lịch sử, dân tộc, tiến hành điều tra, thống kê, chọn lọc đúng những người có đủ công trạng, tư cách và vai trò để được chọn đặt tên đường.
Tuy nhiên, khi các đô thị càng mở rộng, đường phố càng tăng lên, việc đặt tên đường sử dụng tên danh nhân, anh hùng dần không còn đủ. Một số địa phương mở rộng thêm những tiêu chí này, nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ xu thế phát triển. Ngoài ra, hiện tượng lạm dụng nhiều danh nhân, anh hùng đã xảy ra ở một số đô thị, dẫn đến sự nhầm lẫn, trùng lắp, gây phiền hà cho người dân, như TPHCM có hai đường Trần Hưng Đạo, hai đường Hoàng Hoa Thám... Khi những con đường này quá dài, lại xảy ra hiện tượng đánh số nhà trùng lắp, phải phân chia đoạn theo địa giới hành chính, rất phiền hà và gây những tốn kém xã hội một cách không cần thiết.
Do đó, thời gian gần đây, việc đặt tên đường được nghiên cứu vận dụng theo hướng các đô thị Châu Âu đã dùng, là chọn các địa danh từng có, theo những ngôi làng, vùng đất quá khứ, đặc biệt là các khu vực địa danh cổ. Ở các khu đô thị mới tại Hà Nội, có thể gặp những con đường này, như Trung Kính, Nhân Hòa, Mộ Lao... Đà Nẵng cũng có các con đường bắt đầu đặt tên theo địa danh riêng như Bàu Tràm, Bàu Hạt.... Ngoài ra, một số tuyến đường đô thị cũng được chọn đặt tên theo các loài thực vật, như TPHCM có khu vực cù lao Phú Nhuận với các tuyến đường mang tên các loài hoa, như Hoa Lan, Hoa Cúc...
Xung quanh các tuyến đường chính này, các con đường phụ, đường ngách lại được đánh số thứ tự, nếu là đường ngang, lần lượt từ đông sang tây, ví dụ Trung Kính 1, Trung Kính 2... và đặt tên theo bảng chữ cái ABC nếu là đường dọc, tính từ nam lên bắc, ví dụ Nhân Hòa A, Nhân Hòa B... Hiện tại, ở một số khu dân cư mới, tiểu khu đô thị ở các thành phố lớn, lại bắt đầu có xu hướng đặt tên theo kiểu Mỹ, định vị bởi chữ số và số thứ tự. Nhiều người nhìn nhận, đây cũng là giải pháp tích cực và hợp lý, nhất là rất phù hợp các khu vực hiện đại, mới phát triển và cư dân trẻ.