Xóa nhòa khoảng cách chất lượng đào tạo
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục – nhấn mạnh: Cùng với Trường ĐH Mở Hà Nội, thời gian qua, hệ thống các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã tổ chức đào tạo trực tuyến bảo đảm tiến độ học tập của sinh viên, học viên.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 ở Việt Nam và tiếp tục có diễn biến phức tạp, đào tạo trực tuyến có vai trò quan trọng và trở thành phương thức đào tạo chủ lực.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Trường ĐH Mở Hà Nội có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo trực tuyến; tuy nhiên các cơ sở giáo dục đại học khác còn gặp một số khó khăn nhất định. Do đó, hội thảo lần này là dịp để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm hỗ trợ nhau trong đào tạo trực tuyến, mang lại chất lượng, hiệu quả cao.
Nhấn mạnh, đào tạo tực tuyến là nhu cầu tất yếu, TS Dương Thăng Long – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội cho rằng, đây còn là nhu cầu tự thân đối với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nói chung và với những trường có đào tạo từ xa nói riêng.
Công nghệ đã giúp xóa nhòa khoảng cách về chất lượng đào tạo, dù là từ xa hay trực tiếp. Theo đó, chất lượng giáo dục vẫn được cung cấp đến người học một cách tốt nhất.
Để phát triển giáo dục, những ứng dụng công nghệ mới đã đem lại hiệu quả, thành công tích cực cho công tác đào tạo nói chung và các cơ sở giáo dục đại học nói riêng.
Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong đào tạo từ xa, 2 năm qua, Trường ĐH Mở Hà Nội đã triển khai thành công phương thức đào tạo trực tuyến và trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều đơn vị đến học tập, chia sẻ kinh nghiệm.
Dạy học trực tuyến không phải phiên bản online của buổi học trực tiếp
Để triển khai đào tạo trực tuyến, TS Dương Thăng Long - cho rằng, nên chia thành 2 cấp độ, gồm: Thứ nhất là, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy – học và quản lý, có thể là khảo thí, đánh giá. Ở mức cao hơn là có được một hệ thống đào tạo trực tuyến đầy đủ, mà ở đó có cả chính sách, hành lang pháp lý để phát triển.
Thứ hai là, yếu tố con người bao gồm người dạy và người học, nhà quản lý. Vấn đề là, tổ chức như thế nào, giải quyết bài toán ra sao để tạo nên hệ thống đào tạo trực tuyến tổng thể.
“Qua hội thảo này, chúng tôi chia sẻ những kinh nghiệm đã làm, đồng thời có cơ hội để học hỏi thêm của các chuyên gia, nhà khoa học. Từ đó, tìm ra những vấn đề cốt lõi nhất, để thúc đẩy đào tạo từ xa, trực tuyến và phát triển chuyển đổi công nghệ số trong giáo dục, đào tạo” – TS Dương Thăng Long bày tỏ.
TS Phạm Như nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - khẳng định, đào tạo trực tuyến đang là xu thế tất yếu trong giáo dục đại học hiện đại. Hình thức đào tạo này không chỉ phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh như đại dịch Covid-19, mà còn phù hợp trong điều kiện bình thường, nhất là khi công nghệ đang hỗ trợ tích cực đổi mới cách dạy - học, nhu cầu người học đang có sự thay đổi mạnh mẽ theo xu hướng cá thể hóa.
Vì vậy, để tiếp cận đào tạo trực tuyến và triển khai một cách chủ động, hiệu quả trong điều kiện thực tiễn Việt Nam là nhu cầu cấp thiết.
Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam là quốc gia tiên phong và trở thành một trong những nước đi đầu trong chuyển đổi số về giáo dục và đào tạo.
Nhiều chính sách chuyển đổi số đã được ban hành và tác động tích cực tới quá trình chuyển đối số trong giáo dục, đào tạo. Đáng kể nhất là việc chuyển đổi quản lý, tổ chức đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến, phát triển hệ thống MOOCs và bài giảng điện tử trong các trường đại học, công nhận kết quả dạy học qua mạng.
“Cần nhấn mạnh rằng, dạy học trực tuyến không phải phiên bản online của buổi học trực tiếp. Đó là kết quả quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, phương pháp giảng dạy, cách thức đánh giá và ứng dụng công nghệ phù hợp” – TS Phạm Như Nghệ nhấn mạnh, đồng thời khẳng định, đào tạo trực tuyến sẽ giúp người học có thể học ở bất kỳ thời điểm nào, bất kỳ nơi nào và trên nhiều phương tiện, thiết bị khác nhau.
Do đó, nếu được triển khai đúng cách, đào tạo trực tuyến sẽ giúp người học có một lộ trình học tập phù hợp với quỹ thời gian và các điều kiện cá nhân. Đây chính là cơ sở cho việc thực hiện cách tiếp cận cá thể hóa trong giáo dục.
Bộ GD&ĐT đã ban hành một số chính sách liên quan đến đào tạo trực tuyến. Trong đó, có Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT. Thông tư này cho phép các cơ sở đào tạo được tổ chức các lớp học theo phương thức trực tuyến khi đáp ứng các quy định hiện hành về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng. Ngoài ra, có các giải pháp bảo đảm chất lượng và minh chứng về chất lượng tổ chức lớp học phương thức trực tuyến không thấp hơn chất lượng lớp học phương thức trực tiếp.
Đặc biệt, Thông tư quy định đối với đào tạo theo hình thức chính quy và vừa làm vừa học, tối đa 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo được thực hiện bằng lớp học trực tuyến. “Theo tôi đây là cơ hội rất tốt để các trường thúc đẩy hình thức giảng dạy trực tuyến trong điều kiện bình thường” – TS Phạm Như nghệ nói.
TS Phạm Như nghệ nhận định, nhìn chung, các cơ sở đào tạo đã chuyển đổi và thích ứng nhanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bằng cách chuyển từ đào tạo trực tiếp sang 100% trực tuyến. Covid-19 là một trong những yếu tố chính, tác động để các trường đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và học tập. Một số trường đại học đã tổ chức quản lý hoạt động đào tạo trên nền tảng quản lý học tập hiện đại (LMS).