Bộ GD&ĐT có giải pháp đưa phương pháp giảng dạy này vào trường học một cách thường xuyên hơn, đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất phù hợp để triển khai theo tỷ lệ thời gian nhất định cho một kỳ học, giúp học sinh tiếp cận thường xuyên hơn với phương pháp dạy và học này.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục trong những năm gần đây. Toàn ngành đã tích cực triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng đến năm 2020” theo Quyết định số 117/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ GD&ĐT đã xây dựng quy định tạo hành lang pháp lý để các cơ sở đào tạo có thể triển khai hình thức đào tạo trực tuyến qua mạng (Thông tư số 12/2016/TT-BGDĐT Quy định Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng; Thông tư số 10/2017/TT-BGDĐT Ban hành Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học).
Bộ đang triển khai đánh giá hiệu quả mô hình tổ chức đào tạo trực tuyến để có chính sách phù hợp cho các cơ sở đào tạo có thể chuyển đổi sang mô hình đào tạo trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm khai thác tối đa ưu điểm của các hình thức này.
Với giáo dục phổ thông, việc dạy học trực tuyến trong thời gian qua mặc dù đã đáp ứng phần nào chủ trương “tạm dừng đến trường, không dừng học”, cải thiện khả năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của giáo viên và tính tự giác – tự học của học sinh, tuy nhiên hiệu quả không đồng đều.
Để phát huy thế mạnh của dạy và học trực tuyến, Bộ GD&ĐT đã tiến hành khảo sát và xây dựng dự thảo Thông tư quy định dạy học trực tuyến trong trường phổ thông để hướng dẫn các địa phương, nhà trường chủ động áp dụng hình thức này phù hợp với điều kiện cụ thể của mình. Theo đó, dạy - học trực tuyến được coi như một phần của hoạt động dạy - học (không chỉ là giải pháp tình thế), có các mức độ ứng dụng phù hợp theo chương trình giáo dục phổ thông.
Liên quan đến việc chuẩn bị cơ sở vật chất phù hợp, Bộ GD&ĐT đã ban hành các Thông tư: Thông tư số 16/2019/TT-BGDĐT hướng dẫn tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực GD-ĐT; Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT ban hành quy định phòng học bộ môn. Các văn bản này là một trong những cơ sở pháp lý để thực hiện việc đầu tư, ứng dụng CNTT trong trường học.
Với các địa phương có sự đầu tư thích đáng vào hạ tầng CNTT, trang thiết bị CNTT thì ở đó quá trình dạy và học về CNTT được bảo đảm về chất lượng. Qua đó trình độ, năng lực của đội ngũ giáo viên, học sinh được nâng cao, đặc biệt là khả năng khai thác sử dụng mạng Internet cho hoạt động dạy và học trực tuyến.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đang soạn thảo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong các danh mục thiết bị dạy học tối thiểu có các quy định về đầu tư, trang bị về hạ tầng CNTT, thiết bị CNTT nhằm phục vụ hoạt động dạy và học trong trường học. Các nội dung dạy học, thực hành sử dụng mạng Internet được đặc biệt chú ý. Điều này giúp ích cho hoạt động dạy và học trực tuyến.