Học liên tục, học mọi nơi trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người để nâng cao trình độ chuyên môn, mở rộng hiểu biết. Nắm bắt được nhu cầu, các trường ĐH xây dựng nhiều hình thức, chương trình đào tạo. Đào tạo từ xa, liên kết và gần đây là sẻ chia đem lại cơ hội học tập cho mọi người dân, không phân biệt tuổi tác,vùng miền.
Đặc biệt, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 với nền tảng cơ bản là vạn vật kết nối đòi hỏi phải có khoa học mở, truy cập mở, giáo dục mở và dữ liệu mở. Ðây là nguồn chứa tài liệu khổng lồ của nhân loại và cho phép mọi đối tượng được tiếp cận với tri thức, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục dưới nhiều hình thức khác nhau.
Với tỷ lệ dân số sử dụng Internet cao, đơn vị tham gia đào tạo trực tuyến ngày một tăng, tạo tiền đề thuận lợi cho việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở. Tri thức được chia sẻ, tài nguyên giáo dục càng phát triển và càng bền vững. Ðây là kênh giáo dục quan trọng để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khai thác, làm giàu thêm nguồn tài nguyên tri thức của đất nước.
Khách mời của chương trình gồm:
- TS Lê Mỹ Phong- Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT);
- TS Nguyễn Vũ Quỳnh- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng;
- TS Phan Thị Ngọc Thanh- Giám đốc Trung tâm đào tạo trực tuyến (Trường ĐH Mở TPHCM).
Bạn đọc có thể gửi câu hỏi tới các khách mời tại đây, hoặc gửi email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com, hoặc tương tác qua facebook của Báo www.fb.com/giaoducthoidai.
TS Nguyễn Vũ Quỳnh
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng
TS Lê Mỹ Phong
Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT)
TS Phan Thị Ngọc Thanh
Giám đốc Trung tâm đào tạo trực tuyến (Trường ĐH Mở TPHCM)
TS Phan Thị Ngọc Thanh
Với phương thức đào tạo từ xa trực tuyến, các hoạt động của người học đều được quản lý trên hệ thống quản lý học tập của Nhà trường. Ví dụ như ở Trường ĐH Mở TP.HCM khi sinh viên tham gia học các chương trình học tập trực tuyến, sinh viên sẽ được cấp tài khoản, được hướng dẫn kỹ năng học trực tuyến, cách thức khai thác các nguồn học liệu miễn phí mà Nhà trường cung cấp.
Trong suốt quá trình học, sinh viên sẽ thực hiện các hoạt động học tập ngay trên hệ thống quản lý học tập của Nhà trường dưới sự hướng dẫn của giảng viên và hỗ trợ của đội ngũ quản lý. Sinh viên phải thực sự làm việc để hoàn thành các học phần kiến thức, để tích lũy thành điểm quá trình. Sinh viên vẫn phải thi cuối kỳ bằng hình thức tập trung để đảm bảo tính minh bạch theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Vì vậy, các hoạt động của sinh viên, giảng viên đều được lưu dấu trên hệ thống quản lý học tập của Nhà trường, qua đó, giúp cho quá trình giám sát và quản lý chất lượng học tập được thuận tiện và hiệu quả hơn.
Để có thể hình thành được đại học theo mô hình giáo dục đại học sẻ chia, các trường cần phải có sự công nhận chương trình đào tạo với nhau. Việc sẻ chia về nguồn học liệu, các trường phải có sự đồng thuận trong việc xây dựng kho học liệu mở dùng chung. Để làm được điều đó, đòi hỏi phải có nền tảng CNTT thật tốt, tính liên thông giữa các phương thức đào tạo, chương trình giữa các trường trên một chuẩn chung, cũng như những ràng buộc về chất lượng.
Thực tế, trên thế giới vấn đề (giáo dục sẻ chia) đã được triển khai ở nhiều nước, dưới hình thức là các khóa học mở trực tuyến (MOOCs), kho học liệu mở (OER). Vì vậy, tôi tin tưởng ở Việt Nam với sự định hướng của Bộ GD&ĐT, việc xây dựng mô hình giáo dục theo hướng đại học sẻ chia dựa trên nền tảng và thành tựu của phương thức đào tạo từ xa là khả thi
Bạn tuongminh11@...:
TS Nguyễn Vũ Quỳnh
Sự nghi ngờ của dư luận không phải là không có cơ sở. Bởi thực tế, hoạt động dạy học trực tuyến ở một số nơi chưa đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, cũng cần phải thẳng thắn rằng, tâm lý ngại thay đổi vẫn còn tồn tại trong xã hội. Nhiều người vẫn có tâm lý mong muốn giữ và thực hiện những điều như xưa nay vẫn làm.
Trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua, việc dạy học trực tuyến đã phát triển rất mạnh mẽ. Có thể nói trước đây các trường ban hành văn bản, kêu gọi, động viên khuyến khích rất nhiều nhưng cũng không thể phát triển mạnh mẽ như thời gian vừa qua. Tuy nhiên, việc các trường đại học phát triển ồ ạt đào tạo trực tuyến nhằm đáp ứng với tình hình mới cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải bàn về chất lượng của loại hình đào tạo này.
Mặc khác, nhiều đơn vị rơi vào tình thế “bắt buộc” phải đào tạo trực tuyến, trong khi cơ sở hạ tầng không có, giáo viên chưa được tập huấn, thời gian đầu tư làm bài giảng chưa nhiều dẫn đến một số giáo viên còn lúng túng chưa chọn được phương pháp phù hợp, chưa biết bắt đầu từ đâu... Nhiều giáo viên thực hiện dạy trực tuyến theo hình thức quay video bằng phần mềm dựa trên bài giảng powerpoint soạn sẵn trước đó để gửi cho học viên, không có hệ thống LMS (hệ thống quản lý học tập trực tuyến), không có sự tương tác với người học… Điều này, vô tình làm cho bài giảng cực kỳ nhàm chán và kém chất lượng.
Bên cạnh đó, cũng cần ghi nhận nỗ lực của một số trường có sự đầu tư bài bản, như phim trường, hệ thống dạy học trực tuyến, có lộ trình chuyển từ học trực tiếp qua trực tuyến rõ ràng thì chất lượng tương đối ổn định.
Để bỏ qua định kiến này thì bắt buộc các trường phải có chiến lược phát triển rõ ràng về đào tạo trực tuyến, đồng thời đầu tư bài bản để các bài học thực sự có chất lượng, có hệ thống LMS hỗ trợ bài bản, có phương pháp và tiến trình phù hợp. Đặc biệt là chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, cụ thể là lực lượng giảng viên - những người sẽ quyết định chất lượng việc dạy học trực tuyến.
Về mặt quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT cũng cần nghiên cứu đánh giá chính xác nhu cầu, bối cảnh và nguồn lực để xây dựng một bộ tiêu chuẩn chất lượng dạy học trực tuyến để các trường tuân thủ và cũng giúp cho xã hội nhìn nhận và đánh giá chính xác về chất lượng đào tạo trực tuyến.
Bạn Bảo Bình (Hà Nội):
TS Lê Mỹ Phong
- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) cơ bản đã có đủ, đang tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo đại học theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế trong các năm 2016 và 2017 (Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT, Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT); đã ban hành được các thông tư tích hợp nội dung đánh giá, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia và công nhận KĐCLGD cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (Thông tư số 17, 18, 19/2018/TT-BGDĐT). tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15/01/2019 về việc phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 – 2025. Trong năm 2020 đã ban hành thêm các tiêu chuẩn đánh giá đối với chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm (Thông tư số 02/2020/TT-BGDĐT), chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học (Thông tư số 39/2020/TT-BGDDT)
- Nhận thức về tầm quan trọng của chất lượng được nâng cao trong toàn hệ thống, văn hóa chất lượng bên trong nhà trường từng bước được hình thành và phát triển.
- Kết quả thực hiện công tác KĐCLGD được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của các đơn vị và được định kỳ cập nhật hằng tháng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo (https://moet.gov.vn). Kết quả KĐCL cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm và chương trình đào tạo có bước đột phá. Tính đến 31/10/2020:
- Đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước: Có 259 cơ sở giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá (trong đó có 231 cơ sở GDĐH và 28 trường cao đẳng sư phạm); 155 cơ sở GDĐH và 9 trường cao đẳng sư phạm được các tổ chức KĐCLGD trong nước đánh giá ngoài, trong đó 147 cơ sở GDĐH và 9 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Có 232 chương trình đào tạo (CTĐT) hoàn thành tự đánh giá; 156 CTĐT được đánh giá ngoài, trong đó có 132 CTĐT được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.
- Đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài: Tới nay, đã có 7 trường đại học được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) và AUN-QA. Trong đó, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được cả 2 tổ chức trên công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Có 195 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và công nhận...
Bạn Haiyen...@gmail.com:
TS Phan Thị Ngọc Thanh
Với phương thức đào tạo từ xa trực tuyến, các hoạt động của người học đều được quản lý trên hệ thống quản lý học tập của Nhà trường. Ví dụ như ở TRường ĐH Mở TP.HCM khi sinh viên tham gia học các chương trình học tập trực tuyến, sinh viên sẽ được cấp tài khoản, được hướng dẫn kỹ năng học trực tuyến, cách thức khai thác các nguồn học liệu miễn phí mà Nhà trường cung cấp.
Trong suốt quá trình học, sinh viên sẽ thực hiện các hoạt động học tập ngay trên hệ thống quản lý học tập của Nhà trường dưới sự hướng dẫn của giảng viên và hỗ trợ của đội ngũ quản lý. Sinh viên phải thực sự làm việc để hoàn thành các học phần kiến thức, để tích lũy thành điểm quá trình. Sinh viên vẫn phải thi cuối kỳ bằng hình thức tập trung để đảm bảo tính minh bạch theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Vì vậy, các hoạt động của sinh viên, giảng viên đều được lưu dấu trên hệ thống quản lý học tập của Nhà trường, qua đó, giúp cho qúa trình giám sát và quản lý chất lượng học tập được thuận tiện và hiệu quả hơn.
Bạn Bachphuongthu@...:
TS Lê Mỹ Phong
Đào tạo từ xa và đào tạo trực tuyến có những nét đặc thù riêng mà một bộ tiêu chuẩn chỉ được xây dựng để đánh giá các chương trình đào tạo truyền thống không thể áp dụng hiệu quả được. Bộ tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học được xây dựng trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu của Đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ “Xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học của Việt Nam” do PGS. TS. Nguyễn Mai Hương, Trường Đại học Mở Hà Nội làm chủ nhiệm.
Trong Đề tài, nhóm nghiên cứu đã tham khảo các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của Hoa Kỳ, Anh, Úc, Malaysia và Bộ công cụ đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến của APEC (APEC Quality Assurance of Online Toolkit). Những điểm đặc thù về đào tạo từ xa và trực tuyến đã được thể hiện rõ trong bộ tiêu chuẩn như hạ tầng công nghệ thông tin và nguồn học liệu phục vụ đào tạo từ xa, sự hỗ trợ của cơ sở đào tạo cho người học từ xa, sự tương tác giữa giảng viên và người học và giữa người học với người học trong môi trường đào tạo từ xa, kiểm tra đánh giá,…
Bạn Minh Huyền (Hòa Bình):
TS Lê Mỹ Phong
Đối với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục khi tổ chức đánh giá ngoài và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng phải lưu ý bảo đảm nguyên tắc đánh giá khách quan, không “hạ thấp” yêu cầu so với đánh giá các chương trình đào tạo truyền thống; chú ý đến những đặc điểm đặc thù của chương trình đào tạo từ xa, nhưng phải bảo đảm đánh giá chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra,… cũng như đánh giá đối với các chương trình đào tạo truyền thống.
Khi thành lập đoàn đánh giá ngoài, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục cần lưu ý lựa chọn những người có năng lực, kinh nghiệm, am hiểu lĩnh vực chuyên môn cũng như phương thức đào tạo từ xa để có thể đánh giá khách quan, đưa ra được những khuyến nghị tốt nhất cho chương trình được đánh giá…
Bạn luongbn102@...:
TS Nguyễn Vũ Quỳnh
Thực ra, mỗi một trường đều có những khó khăn riêng mà chỉ chính những người đang sống và làm việc ở đó mới có thể nhìn thấy hết.
Tôi cho rằng, về mặt nội dung chương trình đào tạo, lĩnh vực KHXH tuy dễ triển khai hoạt động dạy học trực tuyến hơn so với lĩnh vực kỹ thuật, nhưng họ chưa có sự chuẩn sẵn sàng hoặc không có ưu thế về hạ tầng kỹ thuật.
Tôi ví dụ thế này, việc triển khai dạy học trực tuyến đòi hỏi phải có yếu tố cốt lõi là hệ thống CNTT hiện đại, đồng bộ... do đó các trường có thế mạnh về ngành CNTT sẽ có sẵn đội ngũ GV, IT, hệ thống máy tính… Trong khi, các trường khối KHXH hoặc phải thuê các đơn vị khác hoặc phải đào tạo bồi dưỡng giảng viên. Do đó, tôi cho rằng cần phải có sự thấu hiểu, thông cảm và hỗ trợ các đơn vị này.
Bạn Thu Vân (Yên Bái):
TS Lê Mỹ Phong
Khi triển khai thực hiện chương trình đào tạo từ xa, có những đặc điểm khác biệt nhất định (đối tượng người học, cơ sở hạ tầng, không gian học tập và nghiên cứu,…) giữa việc thực hiện chương trình đào tạo từ xa và đào tạo tập trung, nhưng vẫn phải bảo đảm không có sự khác biệt về chất lượng đào tạo, về chuẩn đầu ra,... Do vậy, cần quan tâm nhiều hơn đến việc quản trị, triển khai thực hiện chương trình để bảo đảm hiệu quả, chất lượng, đáp ứng chuẩn đầu ra, trong đó lưu ý:
Đáp ứng tốt nhu cầu người học: Đối tượng người học chương trình đào tạo từ xa đa dạng, trong đó có nhiều người vừa làm, vừa học, do vậy, trong quá trình dạy học cần quan tâm nhiều hơn khả năng ứng dụng để giải quyết các “bài toán” thực tế mà họ từng trải.
Quan tâm nhiều hơn tới chất lượng đội ngũ giảng viên: Giảng viên đào tạo từ xa cùng lúc có thể đào tạo được cho một số lượng người học lớn trong cùng một thời điểm nên sức ảnh hưởng rất lớn, cần tuyển chọn được những người có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực tế để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học.
Hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, thư viện điện tử,… cần đặc biệt chú trọng để người dạy, người học có thể sử dụng hiệu quả mọi lúc, mọi nơi…
Bạn Phanphuong...@gmail.com:
TS Lê Mỹ Phong
Như trên đã nói, mục đích chung của các bộ tiêu chuẩn là giúp cho cơ sở giáo dục chuẩn hóa hoạt động và cải tiến nâng cao chất lượng đào tạo nên sẽ có khá nhiều tiêu chí tương đồng, nhưng cũng phải có những tiêu chí đặc thù để đánh giá được những nét đặc trưng theo hình thức đào tạo. So sánh bộ tiêu chuẩn đánh giá ban hành theo Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT với bộ tiêu chuẩn này thì thấy có 27 tiêu chí cơ bản giống nhau và 28 tiêu chí khác nhau do đặc thù để đánh giá chương trình tạo từ xa.
Ngay trong số 27 các tiêu chí cơ bản giống nhau về hình thức giữa hai bộ tiêu chuẩn cũng có những tiêu chí có yêu cầu cụ thể, chi tiết hơn. Ví dụ cả hai bộ tiêu chuẩn đều có tiêu chí đánh giá về thư viện và học liệu nhưng cách thể hiện nội hàm có khác nhau, cụ thể:
Tiêu chí 9.2 của Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT quy định: Thư viện và các nguồn học liệu phù hợp và được cập nhật để hỗ trợ các hoạt động đào tạo và nghiên cứu. Thì ở Tiêu chí 8.4 của Thông tư số 39/2020/TT-BGDĐT quy định chi tiết hơn: Thư viện, bao gồm thư viện điện tử bảo đảm nguồn tài liệu đáp ứng yêu cầu chuyên môn của chương trình đào tạo và các nguồn tài nguyên khác đa dạng, phong phú, cập nhật, bảo đảm tính bản quyền, dễ dàng truy cập và đáp ứng được các yêu cầu theo Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Bạn Tuấn Kiệt – TP. HCM:
TS Nguyễn Vũ Quỳnh
Trong bối cảnh tự chủ đại học hiện nay, các trường ĐH đều phải tăng học phí khiến người học khó khăn hơn về kinh tế. Đồng thời, xuất phát từ xu thế sẻ chia của nền kinh tế thế giới, sự ra đời của đào tạo trực tuyến, giáo dục sẻ chia sẽ là một vấn đề tất yếu.
Việc dạy học trực tuyến, sẻ chia trong giáo dục sẽ giúp giảm chi phí đào tạo, tiến tới giảm học phí, giúp người học tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian đi lại, dành thời gian trải nghiệm thực tế, đi làm thêm trang trải cuộc sống,… giảm gánh nặng cuộc sống của người học và gia đình.
Hơn thế nữa, việc sẻ chia các nguồn lực trong giáo dục giúp các trường tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh tự chủ theo luật GDĐH mới sửa đổi, công nghệ thông tin tiên tiến cũng cho phép các trường chuyển đổi và công nhận tín chỉ mà sinh viên tích lũy một cách dễ dàng...
Bạn Thủy Nguyễn (Hà Nội):
TS Lê Mỹ Phong
Từ trước năm 2016, các tiêu chí đánh giá trong các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành chỉ được đánh giá theo 2 mức: đạt/chưa đạt. Từ 2016 đến nay, bắt đầu từ Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, để bảo đảm hội nhập có hiệu quả với khu vực và thế giới, Bộ GDĐT chủ trương tiếp cận với tiêu chuẩn của Mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA). Việc chia nhỏ các mức đánh giá sẽ giúp các trường xác định được rõ hơn mức độ đạt của mình so với các yêu cầu của bộ tiêu chuẩn, để từ đó đề ra được những kế hoạch cải tiến phù hợp.
Khi xây dựng bộ tiêu chuẩn này, để bảo đảm tương thích với bộ tiêu chuẩn của Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT, thuận lợi cho việc so sánh đối chiếu giữa chương trình chính quy và chương trình đào tạo từ xa nên việc đánh giá các tiêu chí cũng giữ nguyên theo thang 7 mức (từ mức 4 trở lên là đạt).
Bạn vuhamy95@...:
TS Nguyễn Vũ Quỳnh
Sự phát triển của công nghệ, truyền thông đã hỗ trợ cho việc đào tạo trực tuyến rất nhiều. Đặc biệt, các video, hình ảnh chất lượng cao có thể được truy cập mọi lúc mọi nơi qua các công cụ như điện thoại thông minh, máy tính bảng, internet băng thông rộng... Từ đó, người học chủ động hơn trong việc học tập, tiếp thu kiến thức, cá nhân hóa việc học của mình.
Trong thời gian qua, Trường ĐH Lạc Hồng đã đầu tư, phát triển khá mạnh cho việc đào tạo trực tuyến, như: xây dựng phim trường hiện đại, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, tổ chức các khóa tập huấn cho giáo viên một cách bài bản… Đồng thời, nhà trường cũng đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm và đã có chiến lược phát triển đào tạo trực tuyến trong tương lai. Một điểm nhấn đáng chú ý là nhờ có sự chuẩn bị trước trong dạy học trực tuyến nên nhà trường đã kết thúc năm học 2019-2020 đúng tiến độ.
Bạn Nguyễn Quý (TP Hồ Chí Minh):
TS Lê Mỹ Phong
Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học vừa được ban hành tại Thông tư số 39/2020/TT-BGDĐT gồm 11 tiêu chuẩn và 55 tiêu chí (nhiều hơn 5 tiêu chí so với bộ tiêu chuẩn ban hành kèm theo Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT). Về nguyên tắc, tất cả các tiêu chí đều quan trọng, bao quát đầy đủ các yêu cầu (đầu vào, quá trình, đầu ra và bối cảnh) mà cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo phải đáp ứng để bảo đảm và nâng cao chất lượng.
Do đào tạo từ xa có những đặc điểm đặc thù, có sự khác biệt nhất định giữa việc thực hiện chương trình đào tạo từ xa với thực hiện chương trình đào tạo tập trung (tuy nhiên vẫn phải bảo đảm không có sự khác biệt về chất lượng đào tạo) nên trong bộ tiêu chuẩn đánh giá này có những nội dung khá đặc thù, nhất là ở các tiêu chuẩn: (1) Tiêu chuẩn 1: Mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; (2) Tiêu chuẩn 4: Hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học; (3) Tiêu chuẩn 5: Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, trợ giảng; (4) Tiêu chuẩn 8: Cơ sở hạ tầng công nghệ, trang thiết bị và học liệu.
Bạn Hanhle79...@gmail.com:
TS Lê Mỹ Phong
Thông tư số 10/2017/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học tập trung vào việc quy định tổ chức hoạt động đào tạo từ xa; trong đó có các yêu cầu tối thiểu để mở các khoá đào tạo từ xa, các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với các phương thức đào tạo từ xa. Trong khi đó, để thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học được ban hành tại Thông tư số 39/2020/TT-BGDĐT ngày 9/10/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (sẽ có hiệu lực từ ngày 25/11/2020).
Quy định này nhằm: (i) giúp cơ sở giáo dục đại học sử dụng tiêu chuẩn để tự đánh giá toàn bộ hoạt động liên quan đến chương trình đào tạo nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo từ xa và giải trình với các cơ quan chức năng, xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo của chương trình đào tạo; (ii) để các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đánh giá và công nhận hoặc không công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đối với các chương trình đào tạo; (iii) giúp tổ chức, cá nhân khác có cơ sở để nhận định, đánh giá và tham gia phản biện xã hội đối với chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học mà họ quan tâm.
Quan điểm tiếp cận của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá là phải bảo đảm phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan; bộ tiêu chuẩn đánh giá sẽ bao gồm các tiêu chí với những yêu cầu phù hợp nhằm giúp các cơ sở giáo dục chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đào tạo của các chương trình đào tạo dựa trên sứ mạng, mục tiêu và nguồn lực cụ thể của mình.
Do vậy, các tiêu chí, tiêu chuẩn trong Thông tư 39/2020/TT-BGDĐT đã bảo đảm bao quát và thống nhất với các yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình đào tạo từ xa quy định tại Thông tư số 10/2017/TT-BGDĐT.
Bên cạnh đó, trong khi các yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình đào tạo từ xa tại Thông tư số 10/2017/TT-BGDĐT chỉ được quy định tại Điều 3 với 9 khoản thì bộ tiêu chuẩn đánh giá theo Thông tư số 39/2020/TT-BGDĐT có tới 11 điều và 55 khoản (tương ứng với 11 tiêu chuẩn và 55 tiêu chí). Vì thế, bộ tiêu chuẩn có thêm những yêu cầu chi tiết, cụ thể hơn như yêu cầu về chuẩn đầu ra đào tạo từ xa bảo đảm tương tự như chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo chính quy cùng ngành; các yêu cầu về việc quản trị theo kết quả công việc của giảng viên, nghiên cứu viên, trợ giảng, nhân viên…
Bạn Haiyen72...@gmail.com:
TS Lê Mỹ Phong
Theo quy định của Luật Giáo dục đại học, đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục đại học bao gồm cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm ban hành các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng. Để đánh giá các chương trình đào tạo của giáo dục đại học, có 2 loại tiêu chuẩn đánh giá được ban hành, bao gồm tiêu chuẩn dùng chung để đánh giá các chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học) và các tiêu chuẩn đánh giá đặc thù dành cho những chương trình đào tạo đặc thù như các chương trình đào tạo sư phạm, điều dưỡng, từ xa…
Cùng với sự bùng nổ của Cách mạng công nghiệp 4.0, việc đào tạo nguồn nhân lực của nước ta đang có những chuyển biến mạnh mẽ, theo đó, giáo dục từ xa ngày càng phát triển mạnh và trở thành xu hướng quan trọng để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Quyết định số 1559/QĐ-TTg ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015-2020 đã đề ra mục tiêu triển khai kiểm định đối với tất cả các chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng.
Vì vậy, Thông tư số 39/2020/TT-BGDĐT ngày 9/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học được ban hành là rất cần thiết.
Thông tư được áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học có thực hiện chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan; sẽ có tác động tích cực đối với việc đảm bảo và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo từ xa.
Bạn Mạnh Hà – Thái Nguyên:
TS Nguyễn Vũ Quỳnh
Trong bối cảnh hiện nay, với tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, sự thay đổi của các lĩnh vực trong đời sống xã hội đều diễn ra rất nhanh, đòi hỏi mỗi người phải sẵn sàng thích ứng, sẵn sàng thay đổi. Học tập suốt đời là cách tốt nhất để thực hiện yêu cầu này.
Chúng ta có Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Việc triển khai mô hình giáo dục trực tuyến là một trong những cách làm cụ thể để thực hiện nhiệm vụ nói trên. Mọi người dân có thể học tập mọi nơi, mọi lúc.
Thời gian qua, tại Trường ĐH Lạc Hồng đã có nhiều anh chị đang công tác tại các cơ quan/đơn vị vẫn tiếp tục theo học nâng cao trình độ tại trường và đã nhận bằng tốt nghiệp ĐH, Thạc sĩ, Tiến sĩ... Trong đó, nhiều người nhận bằng tốt nghiệp loại khá, giỏi. Điều này cho thấy việc học không bị giới hạn bởi độ tuổi, nếu chúng ta còn có khát vọng chinh phục tri thức thì có thể học mọi lúc, mọi nơi... Đặc biệt khi loại hình đào tạo trực tuyến được đầu tư mạnh mẽ của các cấp.
Bạn Quỳnh Hoa – Nam Định:
TS Phan Thị Ngọc Thanh
Việc ứng dụng CNTT hiện nay vào trong dạy học đã và đang tạo ra những thay đổi tích cực cho GDĐH. Đặc biệt là sự ra đời của phương thức đào tạo trực tuyến, cá nhân tôi cho rằng việc học từ từ xa sẽ phù hợp cho người đã đi làm có nhu cầu đi học thường xuyên, còn việc ứng dụng phương thức này vào học đại học chính quy, sinh viên chính quy vẫn phải đến lớp, bởi sinh viên năm đầu tiên vẫn cần đến lớp tương tác trực tiếp với thầy cô, để có thể phát triển, định hình những kỹ năng học tập, các mối quan hệ xã hội và phương thức ứng dụng CNTT.
Vì vậy, hình thức đào tạo từ xa sẽ phù hợp nhất với người đi làm (học hoàn bằng phương thức này). Còn với sinh viên đại học chính quy, theo tôi chúng ta nên áp dụng phương thức đào tạo kết hợp (ứng dụng CNTT và học trực tiếp). Qua đó, giúp sinh viên phát triển các kiến thức kỹ năng về CNTT, kỹ năng số, đáp ứng tốt với những thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động trong kỉ nguyên CMCN 4.0.
Bạn mailan@...:
TS Nguyễn Vũ Quỳnh
Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi nghĩ, sự hợp tác giữa các bên trong cung cấp dịch vụ E-learning là nấc thang phát triển cần thiết cho sự phát triển của giáo dục. Các lĩnh vực khác trong đời sống kinh tế - xã hội cũng có những hợp tác như thế thì trong giáo dục sự hợp tác này là xu hướng tất yếu. Nó là kết quả của sự phân công lao động xã hội. Các bên sẽ phát huy được thế mạnh của mình, do đó, vừa nâng cao chất lượng công nghệ và dịch vụ, vừa tiết kiệm được nguồn lực.
Người ta vẫn thường nói với nhau rằng, muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Sự hợp tác nói trên là một ví dụ cho câu nói đó.
Bạn Hương Lan – Đăk Nông:
TS Phan Thị Ngọc Thanh
Cốt lõi của phương thức đào tạo từ xa là sự linh hoạt và thuận tiện. Đặc biệt nó phù hợp với mọi đối tượng có nhu cầu học tập, góp phần thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời của người dân. Ngoài ra, giá trị lớn nhất của phương thức đào tạo này là góp phần nâng cao dân trí dựa trên chính sách khuyến khích, hỗ trợ học tập của Nhà nước.
Hình thức đào tạo từ xa bao gồm theo 2 phương thức: đào tạo từ xa truyền thống (thư tín, phát thanh, truyền hình, cầu truyền hình) và trực tuyến (mạng Internet) do đó người cần lấy bằng tốt nghiệp đại học thì cần có bằng THPT trở lên hoặc tương đương là có thể đăng ký học. Đào tạo trực tuyến có điểm mạnh là học bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào người học muốn học, phương thức trên giúp phá bỏ rào cản không gian và thời gian.
Bạn lethuyan89@...:
TS Nguyễn Vũ Quỳnh
Mô hình GD trực tuyến xuất hiện cách đây hơn 20 năm. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình này ở Việt Nam còn tương đối mới mẻ.
Một quốc gia muốn phát triển nhanh và mạnh thì phải có hệ thống giáo dục tốt, phải sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đổi mới. Do đó việc học không chỉ diễn ra trên giảng đường mà phải học ở mọi lúc, mọi nơi... Muốn làm được điều này, hệ thống tài nguyên giáo dục phải mở và phong phú để phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân.
Thời gian qua, các trường ĐH ở Việt Nam đã có những chuyển biến rõ nét. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua việc học trực tuyến được các trường quan tâm, đẩy mạnh, tuy nhiên về chất lượng một số trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân của việc chậm phát triển này do hạ tầng công nghệ của một số trường ĐH chưa được đầu tư bài bản, thiếu đồng bộ...
Bạn Tùng Anh – Bình Phước: