Đào tạo trực tuyến: Vai trò của người thầy không phai mờ
“Thế nào là đào tạo trực tuyến, hệ thống đào tạo trực tuyến là gì? Một hạ tầng công nghệ có giúp chúng ta kết nối tri thức. Chúng ta cần xây dựng xã hội học tập, công dân học tập và công dân toàn cầu. Nếu gọi là hệ thống đào tạo trực tuyến thì các phần tử trong hệ thống là gì, làm thế nào để kết nối các phần tử này để tạo nên hệ thống đủ sức mạnh” - TS Trương Tiến Tùng đặt vấn đề. Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội khẳng định, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, những ứng dụng công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ trong dạy – học.
Lãnh đạo Trường ĐH Mở Hà Nội khẳng định, trong hệ thống đào tạo trực tuyến, vai trò của người thầy không phai mờ trong hệ thống đào tạo trực tuyến. “Vì vậy, tại hội thảo, chúng tôi mong muốn các nhà khoa học đưa ra ý kiến để có thể định nghĩa được hệ thống đào tạo tực tuyến một cách hoàn chỉnh, và liệu có thước đo để kiểm định và đảm bảo chất lượng đào tạo hay không? – TS Trương Tiến Tùng nói.
Chia sẻ về quá trình phát triển đại học trực tuyến ở Hàn Quốc, GS Jungho Park (Đại học trực tuyến Seoul, Hàn Quốc) cho biết, kể từ năm 2012 đến nay, có 21 trường đại học trực tuyến đang hoạt động; trong đó có 19 trường được công nhận là cơ sở giáo dục đại học theo Luật Giáo dục đại học và 2 trường còn lại theo Luật Giáo dục suốt đời.
GS. Jungho Park chia sẻ về tiêu chí để thành lập ĐH trực tuyến ở Hàn Quốc bằng các minh họa dưới đây:
Thay đổi mô hình đào tạo
Tham luận tại hội thảo, TS Dương Thăng Long - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội trao đổi, các trường có thể ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học. Chẳng hạn như, ứng dụng trong quản lý đào tạo theo hướng số hóa và cá thể hóa đến từng người học; áp dụng trong các dịch vụ công phục vụ sinh viên; xây dựng hệ thống giám sát người học…
Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, các trường đã sử dụng công cụ trực tuyến để dạy học. Tuy nhiên, đó mới là sự dịch chuyển và ứng dụng trên nền tảng của mô hình dạy học truyền thống.
Vì vậy, đối với đào tạo trực tuyến, cần thay đổi: phương pháp học tập, xây dựng nội dung thiết kế kịch bản dạy học, phương pháp tổ chức dạy học, khả năng tương tác đa chiều trong dạy học, phương pháp đánh giá kết quả học tập và liên thông giữa kết quả học tập và quản lý.
Theo TS Dương Thăng Long, một hệ thống đào tạo trực tuyến cần có các yếu tố như: Hệ thống văn bản quy định; đội ngũ nhân lực; người học; chương trình, tài liệu bồi dưỡng; hạ tầng công nghệ; hệ thống giáo trình, học liệu; chương trình đào tạo.
“Mỗi yếu tố cũng cần có những yêu cầu riêng. Chẳng hạn như chương trình đào tạo có cần xây dựng theo hướng liên thông ngang, liên thông dọc hay không; hệ thống giáo trình, học liệu, thư viện số được xây dựng và phát ra sao…? - TS Dương Thăng Long đặt vấn đề.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định tầm quan trọng của đào tạo trực tuyến, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19. Theo Thứ trưởng, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi mô hình đào tạo, Thứ trưởng trao đổi: hiện nay, mô hình dạy học, đào tạo trực tuyến ngày càng phổ biến. Ranh giới giữa mô hình đào tạo truyền thống với mô hình đào tạo trực tuyến có sự dịch chuyển.
Trên cơ sở đó, các trường cần ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ giáo dục, công nghệ thông tin vào đào tạo, nhằm nâng cao hiệu quả học tập của người học. Hiện nay, với mô hình trực tuyến, chúng ta có thể đào tạo theo hướng “cá nhân hóa”. Theo đó, người học có thể lựa chọn những tài liệu tốt nhất cho mình.
Những cuốn giáo trình dày hàng trăm trang sẽ dần được thay thế bằng tài liệu ngắn, theo từng chủ đề. Nhiệm vụ của giảng viên là lựa chọn tài liệu để hướng dẫn người học, học tập, nghiên cứu; còn các trường lựa chọn những khóa học tốt nhất và cung cấp môi trường trải nghiệm cho người học.
Trên cơ sở đó, các nhà khoa học, nhà quản lý sẽ cùng ngồi với nhau để bàn về chủ đề hệ thống đào tạo trực tuyến. Những yếu tố nào để bảo đảm chất lượng để người học và xã hội tin tưởng.
Hội thảo được tổ chức tại 50 điểm cầu, trong đó có 2 đầu cầu quốc tế. Hội thảo là minh chứng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động đa dạng của Trường ĐH Mở Hà Nội. Từ 6/2020, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó giáo dục và đào tạo là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu.
Với sự quyết liệt của Bộ GD&ĐT, đến nay Bộ đã đạt được rất nhiều những thành tựu, như số hoá và gắn mã định danh cho hàng chục nghìn cơ sở đào tạo trên cả nước (53000 MN, PT); phát triển kho học liệu số với hàng nghìn bài giảng E-learning và rất nhiều thành tựu khác…